Thanh Liêm tôn vinh người tốt, việc tốt

BẮC VĂN

Thứ Năm, 26/03/2009 03:26

Nhiều người phấn khởi nói, đây là cách tôn vinh những tấm gương điển hình trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Từ đó mà nhân lên cái đẹp, dẹp đi cái xấu.

Cầm cuốn sổ trên tay, ai cũng trân trọng. Bìa đỏ tươi, chữ nhũ vàng, ảnh Bác Hồ trang trọng ở chính giữa. Những trang đầu cuốn sổ, trích ghi Di chúc của Bác Hồ nói về xây dựng Ðảng; nội dung tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh; mục đích, cách ghi và sử dụng sổ. Mỗi tháng một lần, trong buổi họp định kỳ, thông qua giới thiệu của nhân dân, chi bộ bình chọn và ghi vào sổ những việc làm tốt của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Ðảng ủy cơ sở ba tháng một lần căn cứ vào báo cáo của chi bộ để xét và lựa chọn, ghi vào sổ vàng của Ðảng bộ. Với đảng bộ huyện thì cứ sáu tháng lại xét, tôn vinh người tốt, việc tốt và ghi vào sổ vàng của đảng bộ huyện một lần.

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Trịnh Văn Thực, Bí thư Huyện ủy, cho biết, hai năm qua, các cơ sở đảng ở Thanh Liêm thực hiện khá tốt các bước trong Cuộc vận động lớn của Ðảng. Tại nhiều khu dân cư, cơ quan, đơn vị đã xuất hiện không ít cá nhân, tập thể điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

nhân lên việc làm tốt, đưa Cuộc vận động đi vào chiều sâu, Huyện ủy chỉ đạo các chi bộ lựa chọn những tấm gương xứng đáng để tôn vinh, tránh cách làm phô trương, hình thức. Sổ vàng người tốt, việc tốt được các cấp ủy coi là cơ sở để đánh giá chất lượng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ở tổ chức, cơ quan, đơn vị mình. Sổ do bí thư cấp ủy trực tiếp quản lý và trưng bày tại nhà văn hóa khi có dịp, như lễ hội, tổng kết của các ban, ngành, đoàn thể. Những tấm gương điển hình được phát trên đài truyền thanh của địa phương để cổ vũ phong trào.

Mỗi lần về Thanh Liêm, chúng tôi lại chứng kiến một cách làm mới để vùng đất còn nhiều khó khăn này thay da đổi thịt; đời sống văn hóa, xã hội đổi thay khá rõ. Các xã phía tây sông Ðáy khó khăn là thế, nhưng từ một nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy, không ít cơ sở sản xuất công nghiệp mọc lên, chủ yếu là khai thác vật liệu xây dựng, đã làm cho cơ cấu kinh tế của khu vực thay đổi trông thấy.

Triển khai các bước tiếp theo của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Thanh Liêm chú trọng khắc phục mặt yếu kém ở từng cơ sở đảng, tập trung xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Gần 200 buổi họp do các ban mặt trận thôn, xóm tổ chức để nhân dân góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên, công chức được làm nghiêm túc, chân tình và thẳng thắn. Qua đó, nhiều cán bộ thấy rõ hơn yếu kém, khuyết điểm của mình và có kế hoạch khắc phục. Bốn đoàn kiểm tra của Huyện ủy đến nhiều cơ sở đảng uốn nắn những việc làm chưa tốt và chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm.

Năm 2008, 18 đảng viên bị xử lý kỷ luật; bốn chủ tịch và ba phó chủ tịch UBND xã, thị trấn có số phiếu tín nhiệm thấp so với các đồng chí khác (chỉ đạt 50 đến 69%) phải có kế hoạch rèn luyện phấn đấu và báo cáo quá trình khắc phục trong các cuộc họp của cấp ủy. Việc thực hiện Cuộc vận động được gắn liền với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, rõ nhất là công tác giải phóng mặt bằng, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.  Mỗi kỳ họp chi bộ, họp cấp ủy các cấp, nội dung công việc này bao giờ cũng chiếm nhiều thời gian. Từng cán bộ, đảng viên nêu rõ việc làm được và phân tích, kiểm điểm sâu sắc những trường hợp làm chưa hết trách nhiệm được giao. Rồi công tác xóa đói, giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, do thực hiện tốt Cuộc vận động mà chất lượng được nâng lên.

Cũng như nhiều người khác, đồng chí Ðỗ Văn Tăng, Bí thư Chi bộ phố Bói, xã Thanh Phong tâm sự, thực hiện Cuộc vận động, trong từng khu dân cư có nhiều việc làm tốt. Vì thế, chi bộ có trách nhiệm lựa chọn những tấm gương thật điển hình để tôn vinh.

Ở phố Bói, trước hết phải kể đến Tổ tự quản an toàn giao thông do đảng viên Ðỗ Quốc Gia, trưởng thôn làm tổ trưởng. Hoàn toàn tự nguyện, nhiều năm nay, tổ tự quản này làm việc cả ngày đêm, để cứu người, bảo vệ tài sản và giúp các lực lượng chức năng duy trì trật tự an toàn giao thông trên quốc lộ 1A đoạn đi qua thôn, dài hơn một km. Hàng chục vụ tai nạn giao thông được các thành viên trong tổ xử lý cứu người kịp thời. Ðã mười tháng trôi qua, nhưng người dân xã Thanh Phong vẫn nhớ như in vụ tai nạn xảy ra tháng 5-2008. Chiếc ta-xi chạy hướng Phủ Lý - Ninh Bình đâm vào năm học sinh, làm một em chết tại chỗ, nhưng vẫn cố tình bỏ chạy. Tổ tự quản đã khẩn trương vừa đưa các cháu đi cấp cứu, vừa giúp công an bắt giữ chủ chiếc xe cho đối tượng thuê gây ra tai nạn về dò la tình hình.

Ðồng chí Hoàng Thanh Bình, Bí thư Ðảng ủy xã nói với chúng tôi, khi triển khai thực hiện Cuộc vận động, xã đã nhân rộng mô hình tự quản và mở ra nhiều lĩnh vực khác, để phát huy tính chủ động của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa mới ở tất cả các thôn trong xã.

Dù chưa đầy đủ, nhưng trong danh sách của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, chúng tôi thấy có khá nhiều tấm gương điển hình được ghi vào Sổ vàng người tốt, việc tốt: Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng thương bệnh binh nặng Liêm Cần; Công ty cổ phần xây dựng Ðồng Tâm, mỗi năm đầu tư khoảng 50 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho từ 400 đến 500 lao động; Chúng tôi thật cảm phục bác Nguyễn Cảnh Hưng ở thôn Nhất, xã Liêm Cần. Ðã 70 tuổi đời, lại gầy yếu, người đảng viên 40 năm tuổi Ðảng, thương binh hạng 2/4 này đã bao năm lăn lộn với đủ nghề, làm miến dong, nấu rượu, nuôi lợn, nhưng vẫn không thoát nghèo, sau cùng mới "bắt" được nghề trồng sinh vật cảnh. Có nghề rồi, bác lại giúp 40 hộ trong thôn biết làm nghề, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, cảm hóa giáo dục nhiều đối tượng tệ nạn xã hội, trở thành công dân tốt, có cơ sở kinh doanh sinh vật cảnh, kinh tế gia đình khá giả và hạnh phúc. Bác được cả vùng biết đến và quý trọng bởi lòng hảo tâm, như giúp hàng chục hộ nghèo vay vốn không tính lãi để sản xuất, dạy nghề cho các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, sẵn lòng giúp người tàn tật, cô đơn, đồng bào bị lũ lụt, thiên tai. Tổng số tiền bác cho vay lên đến hơn 400 triệu đồng. Vừa nói chuyện, bác vừa luôn tay xoa chân. Hỏi ra mới biết một bàn chân và nửa bàn tay của người cựu chiến binh già này đã nằm lại ở chiến trường Quảng Trị mùa xuân năm 1968. Cái chân trái của bác phải cưa đi, cắt lại sáu lần, cụt gần đến đầu gối. Giọng bác trầm trầm: Mình chưa giàu, nhưng còn biết cách làm ra đồng tiền. Dành một phần ít ỏi giúp người khó khăn là niềm vui của mình, cũng là để phúc lại cho con, cho cháu.

Thanh Liêm, vùng đất chưa giàu, nhưng đến đâu chúng tôi cũng thấy những con người thật giàu lòng nhân ái. Họ xứng đáng được tôn vinh ghi Sổ vàng người tốt, việc tốt đang làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.