Theo lời Bác, Văn Khê vươn lên làm giàu

Năm nào cũng vậy, cứ dịp tháng 5 này, Nhà Lưu niệm Bác Hồ ở thôn Văn Phú, xã Văn Khê, TP Hà Ðông (Hà Tây) người ra vào đông hơn. Không chỉ nhân dân trong thôn, trong xã, mà nhiều tổ chức đoàn thể địa phương đến thắp hương, tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính đối với Người. Trên bàn thờ, lúc nào cũng có hai lọ hoa tươi và thơm ngát hương trầm.

Năm nay đã 92 tuổi, ông Ðỗ Văn Thi, người vinh dự năm lần được gặp Bác Hồ, trông nom Nhà lưu niệm, say sưa kể lại kỷ niệm ngày đón Bác về thăm  Văn Phú, sáng mồng một Tết năm Bính Ngọ, 1966.

Khi ấy ông là Chủ tịch xã. Biết Bác về, bà con tập trung tại sân đình làng Văn Phú (ngay cạnh nhà Lưu niệm bây giờ) đông lắm. Nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng có mặt. Những gia đình được xã chuẩn bị để Bác vào thăm hồi hộp chờ đợi, nhưng Người lại vào hai nhà ông Ðĩnh và bà Ân, hỏi han chuyện đón Tết, rồi ra tận vườn kiểm tra hầm trú ẩn. Sau đó, Người mới ra nói chuyện với cán bộ, bà con tại sân đình...

Hơn 40 năm rồi, đến nay, nhân dân trong thôn, ai cũng nhớ lời Người căn dặn: Thôn ta là thôn Văn Phú. Văn là có văn hóa, phú là giàu có. Thế tức là ta phải làm sao, sản xuất ngày càng phát triển, thu nhập và đóng góp ngày càng tăng, đời sống nhân dân càng ấm no, sung sướng và có văn hóa. Người dân Văn Phú trước đây chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng đất chật, người đông, cuộc sống khó khăn. Những lời căn dặn của Bác vừa là nguồn động viên, nhưng cũng là nhiệm vụ đặt ra với cấp ủy địa phương.

Ông Ðào Công Tựa, Bí thư Chi bộ thôn, tâm sự: Bác dặn nhiều việc, từ phát triển kinh tế đến xây dựng đời sống văn hóa. Hơn 40 năm qua, chi bộ và nhân dân trong thôn lấy đó làm mục tiêu phấn đấu. Nhớ lời Bác phê bình để giếng nước bẩn, nhiều người bị đau mắt, thôn gắng sức khắc phục và hai năm sau thì có nước sạch để dùng; năm 1994, có nước máy và đến năm 2001, nước máy được đưa vào từng gia đình. Ðến nay, hơn 400 hộ trong thôn không còn nhà nào đói nghèo, nhiều người còn mua được ô-tô, hơn 80 % số gia đình được công nhận là Gia đình văn hóa.

Ðể khuyến khích con em thi đua học tập, nhiều dòng họ lập Quỹ khuyến học; thôn, xã, đều có Quỹ khuyến học, lên đến hàng trăm triệu đồng. Văn Phú phổ cập THCS từ năm 1999. Ði trên những con đường trong thôn đã bê-tông hóa hay lát gạch, thấy toàn nhà xây kiên cố san sát bên nhau, chúng tôi nghĩ Văn Phú đang cố gắng để trở thành làng văn hóa và giàu có như  Bác Hồ mong muốn.

Sự kiện Bác Hồ về thăm Văn Phú là niềm vinh dự chung của nhân dân xã Văn Khê. Phấn đấu làm theo lời Người căn dặn là tâm niệm của cả Ðảng bộ. Tết năm nào cũng vậy, Văn Khê đều tổ chức kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm, kiểm điểm xem việc thực hiện những việc Người nhắc nhở đã làm được đến đâu và bảo nhau cùng làm tốt hơn. Nhất là khi triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thời điểm mà Ðảng bộ xã phải dồn hết sức lực để lãnh đạo giải phóng mặt bằng, giao đất cho các dự án.

Ðây là việc khó, dễ nảy sinh nhiều mâu thuẫn, dẫn đến khiếu kiện phức tạp. Nếu không khéo còn mất cán bộ. Lường trước điều ấy, ngay từ khi triển khai học tập các chuyên đề của Cuộc vận động, Ðảng ủy xã đã lồng ghép với việc làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và hội viên các đoàn thể nhân dân. Ðảng viên được quán triệt trước, thông suốt, rồi từ đó làm nòng cốt triển khai rộng ra toàn dân. Chưa đầy một năm rưỡi, tổng diện tích 211 ha của 14 dự án được giao cho các nhà đầu tư.

Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Ðảng ủy xã, Ðặng Xuân Tứ nhiều lần nhắc lại những điều Bác Hồ dặn. Ðảng ủy lấy đó làm tư tưởng quán triệt đến mỗi cán bộ, đảng viên trong chỉ đạo giải phóng mặt bằng. Phải lắng nghe ý kiến nhân dân, biết dân đang băn khoăn, thắc mắc, chưa thông điều gì, để tìm hiểu cho kỹ, dân đúng thì phải nghe, chưa đúng thì giải thích cho nhân dân hiểu.

Là một xã thuần nông, giờ đây Văn Khê đã hoàn thành chương trình đô thị hóa, không còn hộ đói, hộ nghèo chưa đến 1%. Niềm vui là vậy, nhưng phía trước quả là bộn bề khó khăn. Xã không còn đất nông nghiệp, nhiều hộ dân do thu hồi đất chưa có việc làm ổn định. Ðúng dịp kỷ niệm 118 năm Ngày sinh của Bác Hồ năm nay, Văn Khê được chia tách thành hai phường. Những lúc này càng nhớ, càng phải làm theo những lời Bác Hồ căn dặn khi Người về thăm, Tết Bính Ngọ năm xưa.

NGUYỄN HOÀNG ANH

 

Phải thật đoàn kết, thật dân chủ (*)

Ðể lãnh đạo tốt, các cấp ủy phải thật đoàn kết, thật dân chủ, phải thực hành chế độ "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" và phê bình và tự phê bình để không ngừng tiến bộ.

(*)  Hồ Chí Minh - Toàn tập,  tập 10, trang 600. Ðầu đề là của Báo Nhân Dân.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.