Thanh, thiếu niên huyện Thuận Châu (Sơn La) xem triển lãm ảnh về lịch sử quê hương. |
Từ những điều bình dị
Bản Pán, xã Chiềng Ly, ngày Bác đến thăm chỉ có 18 hộ, nay đã phát triển thành 187 hộ, với 970 nhân khẩu. Đời sống của đồng bào đều ổn định, không có hộ đói, chỉ còn vài ba hộ nghèo. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, dịch vụ, buôn bán nhỏ (mô hình phố trong bản), cho nên thu nhập khá, nhiều hộ có tích lũy. Nhà cửa đều đã được sắp xếp, quy hoạch theo ô bàn cờ, kết cấu hạ tầng đạt tiêu chuẩn nông thôn mới với điện, nước sạch đầy đủ, toàn bộ đường giao thông được bê-tông hóa, môi trường sống ổn định, an ninh trật tự được giữ vững. Có thể nói, bản Pán là hình ảnh thu nhỏ của bao bản làng ở huyện Thuận Châu đang trong quá trình phát triển, đi lên.
Để có được điều này, theo đồng chí Lường Văn Mứt, Bí thư Chi bộ bản Pán là nhờ có vai trò của chi bộ. Chi bộ có 37 đảng viên (riêng năm 2018 kết nạp bốn đảng viên mới) là hạt nhân lãnh đạo mọi hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, an ninh trên địa bàn. Trong lĩnh vực giáo dục - khuyến học, mô hình dòng họ hiếu học của bản Pán được đánh giá là tiêu biểu nhất ở tỉnh Sơn La.
Mô hình dòng họ Lường ở bản Pán đã 15 năm liên tục dẫn đầu phong trào khuyến học, khuyến tài của huyện. 137 thành viên tham gia dòng họ hiếu học được chia làm bảy nhóm, hoạt động rất hiệu quả. Nếu trước kia còn có hiện tượng bỏ học, hết bậc THCS ở nhà làm ruộng, thì nay 99% số học sinh ở bản Pán được đi học, phần lớn học tiếp lên bậc THPT, rồi thi tuyển vào đại học, đã có những cháu là nghiên cứu sinh. Hàng trăm người trẻ tốt nghiệp đại học, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ đang công tác trong nhiều lĩnh vực ở huyện, tỉnh.
Ông Lường Văn Lo, 72 tuổi, kỹ sư giao thông đã nghỉ hưu, là người vinh dự được gặp Bác Hồ ngày ấy, nhớ lại: Bác nói được tiếng dân tộc Thái, ân cần thăm hỏi người dân và đặc biệt quan tâm đến đời sống, sản xuất. Bác căn dặn đồng bào đoàn kết, thi đua sản xuất, đuổi hết cái đói, cái dốt, giữ bản làng yên vui. Lời Bác dặn thật giản dị, đều là những điều làm cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nên gần gũi, thiết thực, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Ông Lo tâm sự, khi về nghỉ hưu, do biết chữ Thái cho nên đã mở lớp dạy chữ Thái cho con em trong bản. Biết chữ Thái hay lắm, đọc được sách cổ, nhất là sách xem thời tiết, phong thủy, thêm nhiều kiến thức rất bổ ích. Qua lớp học của ông, nhiều người biết viết, biết đọc chữ Thái; trong đó có con cháu của dòng họ Lường bản Pán. Sắp tới, ông Lo sẽ giúp Ban Tuyên giáo Huyện ủy mở một lớp dạy chữ Thái cho cán bộ huyện. Các đồng chí lãnh đạo huyện Thuận Châu rất tâm đắc về cách lựa chọn, thực hiện cuộc vận động, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ những việc làm nhỏ ở trong dân, gần gũi với đời sống như cách mà ông Lường Văn Lo đang làm.
Đến những nỗ lực vượt khó
Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí Thư thường trực Huyện ủy Thuận Châu cho biết: Tuy không phải là huyện đặc biệt khó khăn ở Sơn La, nhưng nhiều năm qua, Đảng bộ huyện vẫn còn loay hoay tìm hướng thoát đói nghèo. Chỉ mấy năm gần đây, khi thay đổi được cách nghĩ, cách làm, khai thác được tiềm năng lợi thế, Thuận Châu mới thật sự khởi sắc.
Từ ngày 4-4-2017, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phát động phong trào thi đua chào mừng 60 năm Ngày Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Tây Bắc tại Thuận Châu. Đây là vinh dự của quê hương, cần biến thành động lực thi đua, đem lại những hiệu quả thiết thực.
Huyện ủy đã lựa chọn những chương trình phát triển kinh tế, những việc làm có ý nghĩa, đưa ra các chỉ tiêu, mục tiêu phấn đấu cụ thể. Yêu cầu nội dung thi đua phải gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2018, trên địa bàn huyện, có năm công trình đã hoàn thành thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Trong đó, công trình Nhà tưởng niệm Bác Hồ đáp ứng lòng mong mỏi của đồng bào các dân tộc.
Để giải quyết những vướng mắc, bức xúc kéo dài, năm 2018, Huyện ủy đẩy mạnh công tác dân vận, chủ động đối thoại với nhân dân để tìm hướng tháo gỡ khó khăn. Nhờ đó, bốn trong tổng số bảy vấn đề tồn đọng đã được giải quyết dứt điểm, trong đó có những vấn đề kéo dài gần 20 năm. Trong lĩnh vực kinh tế, Thuận Châu có bước đột phá, đó là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng giống mới, phát triển cây ăn quả, cây cao-su.
Năm 2018, chỉ riêng quả chanh leo của Thuận Châu đã xuất khẩu được 700 tấn, thu về 170 tỷ đồng. Gia đình ông Quàng Văn Xiến, Chủ tịch UBND xã Mường É là một điển hình về trồng chanh leo thu tiền tỷ. Đáng chú ý, huyện đã tổ chức thành công ngày hội nông sản gắn với công bố nhãn hiệu chứng nhận “chè Phổng Lái” và “khoai so Thuận Châu” là những đặc sản mang hương vị đất, nước, không khí của xứ Mường Muổi” (theo cách gọi của người Thái)…
Luôn luôn ghi nhớ và thực hiện những lời Bác căn dặn, sớm đưa Thuận Châu trở thành huyện phát triển tốp đầu của tỉnh Sơn La. Nơi đây sẽ trở thành niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc các tỉnh Tây Bắc và Sơn La.