Thực hành cần, kiệm, liêm, chính chống tham nhũng, lãng phí

Ðức tính "cần, kiệm" của Bác đã nổi tiếng và lan tỏa ngay từ khi còn ở tuổi thanh niên. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc đã cần cù lao động trên đất Pháp để có thu nhập (dù rằng ít ỏi), trước hết hãy sống và quan trọng hơn hết là có tiền mua sách báo, giúp nâng cao hiểu biết, tìm ra con đường cứu nước, đồng thời có điều kiện (dù là tối thiểu) truyền bá những tư tưởng tiến bộ về nước.

Từ đó, suốt đời Bác đã tận tụy hy sinh, quên mình vì nhân dân, vì Tổ quốc, vì sự nghiệp cách mạng, vì Ðảng do chính Bác sáng lập và rèn luyện. Thật vô cùng xúc động, trước khi đi xa Bác đã nói với toàn dân, toàn Ðảng rằng: "Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa". Ðó thật là một mẫu mực tuyệt vời về "cần" trong "cần, kiệm, liêm, chính" của Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta.

Không chỉ lời dạy của Bác vốn đã có tác dụng to lớn đối với nhân dân ta, mà những hành vi đạo đức của Bác còn tỏa sáng, lan truyền gấp trăm, ngàn lần. Và, chính những hành vi đạo đức cao đẹp ấy của Người lại làm tăng gấp bội giá trị của những lời nói. Như thế là quan hệ biện chứng, thống nhất giữa lời nói hay và việc làm đẹp, có tác dụng to lớn động viên cổ vũ hàng triệu triệu quần chúng noi theo.

Ðó là bài học sâu sắc về công tác tư tưởng, công tác lãnh đạo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Ðảng ta. Ngay từ trong những ngày kháng chiến chín năm vô cùng gian khổ, thiếu thốn, Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân, toàn quân thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Miệng nói tay làm, tại chiến khu Việt Bắc, Bác đã tăng gia sản xuất, tự mình trồng trọt chăn nuôi để góp phần tự túc lương thực, thực phẩm.

Bác kêu gọi tiết kiệm giấy bằng cách dùng giấy đã viết làm phong bì gửi công văn, thư từ, rồi Bác gương mẫu làm trước. Việc đó đã được hưởng ứng trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, Phong trào kéo dài nhiều năm trong kháng chiến chống thực dân Pháp và mãi đến vài năm sau khi ký kết Hiệp định Genève, lập lại hòa bình ở Ðông Dương.

"Cần, kiệm", đó là cách nói thật giản dị, dễ hiểu, song chính là phản ánh những quy luật kinh tế khách quan. Ai cũng biết nhờ có lao động (lao động chân tay và lao động trí óc; lao động sản xuất và lao động dịch vụ; lao động trực tiếp và lao động quản lý) mới tạo được ra của cải vật chất.

Theo kinh tế học thì chỉ có lao động sống mới tạo ra giá trị mới, lao động vật hóa (còn gọi là lao động quá khứ) tuy vô cùng quan trọng, song như C.Mác nói, phải dưới tác động của lao động sống thì nó mới có thể chuyển dịch giá trị vào sản phẩm mới. Dĩ nhiên, ngoài lĩnh vực trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất thì còn nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, cho nên "cần" được hiểu rộng ra tất cả các hoạt động có ích của con người, làm việc gì có ích cho xã hội đều phải "cần", phải có trách nhiệm, làm đến nơi đến chốn, làm có tổ chức kỷ luật, làm với kết quả tốt nhất.

Thực hiện "cần" ở đây phải gắn liền với chống thói lười biếng, không chịu làm mà lại moi tiền của của người khác và của xã hội, tức là không chịu làm mà lại lừa đảo, tham ô, lãng phí, chẳng khác nào thứ giặc nội xâm. Ðó mới đúng là tinh thần của chữ "cần" mà Bác Hồ dạy chúng ta.

Còn chữ "kiệm", Bác Hồ đã không biết bao nhiêu lần chỉ bảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta thì thật là nhất quán với chữ "cần". Chúng ta dễ nhận biết rằng "cần" mà không "kiệm" thì "cần" cũng không còn mấy ý nghĩa, mấy ích lợi. Theo C.Mác, tiết kiệm là quy luật số một của nền sản xuất nhân loại, có tiết kiệm thì mới có tích lũy để tái sản xuất mở rộng, làm cơ sở cho sự phát triển mọi mặt đời sống xã hội, mới duy trì và phát triển đời sống nhân loại.

Phải nói rằng tiết kiệm càng tất yếu, càng là quy luật thép của quá trình CNH, HÐH nước nhà. Tiết kiệm vừa là đạo đức, vừa là văn minh. Chống lại tiết kiệm là lãng phí, tham nhũng, theo đó lãng phí, tham nhũng vừa là phi đạo đức vừa là phi quy luật kinh tế, trái với quy luật của tiến bộ xã hội.

Trong bài viết "Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu" từ năm 1952 Bác Hồ đã chỉ ra rằng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là sự nghiệp của toàn dân, cả cán bộ, công nhân, nông dân, bộ đội... không trừ một ai, càng nghèo càng phải tiết kiệm, càng phải chống lãng phí; tham ô đã là tội ác, nhưng lãng phí không phải là nhẹ hơn. Tư tưởng và hành vi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bác còn sống mãi với thời gian.

Hiện nay, đối với chúng ta vẫn còn vô cùng nóng hổi, vẫn mang tính thời sự cấp bách trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Không chỉ tình trạng tham nhũng ngân sách Nhà nước và tài sản của nhân dân đang diễn ra mà tình trạng sử dụng lãng phí ngân sách Nhà nước và tài sản của nhân dân cũng không kém nghiêm trọng. Nhiều đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu với chi phí lớn, nhưng không có giá trị sử dụng bao nhiêu. Nhiều công trình tiêu tốn hàng trăm nghìn tỷ đồng, nhưng chất lượng thì đáng lo ngại, xây trụ sở, mua sắm thiết bị đắt tiền quá tiêu chuẩn, chưa thật cần thiết. Nhiều việc, nhiều nơi chạy theo phô trương hình thức, gây tốn kém, mà không đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều cuộc họp kéo dài thời gian, tốn sức lực, tốn tiền của, nhưng chuẩn bị không chu đáo, kết quả thu được chẳng bao nhiêu. Nhiều lễ hội, liên hoan, tiếp khách từ nguồn chi ngân sách Nhà nước không được tính toán cẩn thận. Nhiều đám ma đám cưới tổ chức tốn kém.

Còn phải kể đến những tiêu dùng cá nhân rất xa hoa, vượt xa mặt bằng đời sống xã hội. Tình trạng thất thoát điện, nước và sử dụng vô tội vạ những phương tiện còn được ngân sách bao cấp hiện nay cũng xảy ra không ít. Nhiều cuộc hội thảo còn hình thức, gây tốn kém, nhưng kết quả chưa thật rõ. Nhiều tổ chức bộ máy còn trùng lắp nhiệm vụ, chức năng, công việc... Ðó đều là những biểu hiện của lãng phí - lãng phí thời giờ, tiền của, sức lực, đi ngược với đức tính cần kiệm mà Bác Hồ đã dạy, trái với những quy luật kinh tế và những quy luật khác của tiến bộ xã hội nước ta.

Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy ai có phẩm chất "cần, kiệm" thì thường cũng là người "liêm, chính", sống trong sạch, ngay thẳng, trong sáng. Còn người sống xa hoa, lãng phí thì thường dễ bất liêm, bất chính, thiếu trong sáng. Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" Bác Hồ đã chỉ rõ "Liêm" là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không tham người tâng bốc mình, vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ "ham học, ham làm, ham tiến bộ".

Qua lời Bác Hồ dạy, chúng ta dễ hiểu rằng người cần, kiệm thường sống liêm khiết và đã liêm thì nhất định ngay thẳng, thật thà, không phải luồn cúi nịnh bợ ai, cũng không phải "mị dân" để trốn tránh con mắt giám sát của dân, không phải "mị lãnh đạo", chạy chọt, đút lót để lên chức thêm quyền. Và, thật rõ ràng, liêm và chính có quan hệ biện chứng, thống nhất, cần kiệm và liêm chính có quan hệ biện chứng, thống nhất. Ðiều đó cũng giúp chúng ta rút ra bài học về công tác giáo dục đạo đức: phải "xây" để "chống", phải "chống" để "xây", phải kết hợp xây và chống.

"Xây" lúc này là phải giáo dục và tự giáo dục ý thức và hành vi cần, kiệm, qua đó mà có cả ý thức và hành vi liêm, chính. "Chống" lúc này là chống tham nhũng, lãng phí. Dĩ nhiên xây tốt sẽ là phương thức, là cơ sở để phòng tham nhũng, lãng phí. Hơn lúc nào hết, trong cuộc vận động, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay chúng ta phải ra sức học tập và làm theo tấm gương cần, kiệm, liêm, chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ði đôi với việc thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", có nghĩa là đi đôi với việc giáo dục, thuyết phục, động viên, chúng ta phải ra sức phát huy dân chủ cơ sở, để nhân dân thực hiện quyền kiểm kê, kiểm soát xã hội, trước hết thực hiện quyền kiểm kê, kiểm soát đối với mọi công chức và các cơ quan của hệ thống chính trị nước ta.

Cùng với giáo dục, động viên ý thức, tư tưởng thì phải phát động phong trào quần chúng, gây khí thế của quần chúng, phát huy khả năng của quảng đại quần chúng để giám sát và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành "cần, kiệm, liêm, chính".

Vũ Hữu Ngoạn
(Thường trực Ban Chỉ đạo biên soạn Toàn tập văn kiện Ðảng)

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.