Về thăm xã Thụy Văn, tôi và nhiều đồng nghiệp khá ngạc nhiên khi thấy một xã sắp cán đích các tiêu chí về nông thôn mới nhưng trụ sở làm việc của cán bộ Ðảng ủy, UBND vẫn là hai dãy nhà cấp bốn xây dựng đã lâu, đang xuống cấp.
Trước thắc mắc này của chúng tôi, đồng chí Vũ Hữu Tiếp, Bí thư Ðảng ủy xã Thụy Văn cho biết, đây chính là điểm khác của xã Thụy Văn trong xây dựng nông thôn mới. Cũng như nhiều xã khác trong tỉnh Thái Bình, đầu năm 2010, xã Thụy Văn bước vào xây dựng nông thôn mới trong điều kiện khó khăn. Xét theo 19 tiêu chí nông thôn mới, xã chỉ đạt khoảng năm tiêu chí. Nhiều tiêu chí quan trọng như làm đường giao thông hay quy hoạch đồng ruộng có vẻ khó thực hiện. Bởi lẽ, đồng ruộng của Thụy Văn diện tích đã ít lại phân tán, đan xen với xã bên. Ðường làng, ngõ xóm dài nhưng nhỏ hẹp. Ðể mở rộng theo đúng tiêu chí thì phải phá vườn, phá nhà. Cái khó nữa là Thụy Văn không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, huyện nên kinh phí có hạn.
Từ thực tế này, Ðảng ủy xã Thụy Văn xác định biện pháp duy nhất là phát huy nội lực, huy động sức mạnh từ nhân dân. Sau nhiều lần bàn bạc, Ðảng ủy xã Thụy Văn quyết định ưu tiên: Làm từ ngoài đồng vào, từ nhà ra ngõ, cuối cùng là chỉnh trang trụ sở.
Theo các đồng chí trong Ðảng ủy xã, Thụy Văn xác định lấy nông nghiệp là chính nên phải bắt đầu từ đồng ruộng để nhằm giải phóng sức lao động cho nông dân, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bắt đầu từ đồng ruộng, từ ngôi nhà cũng chính là để nhân dân có điều kiện tham gia, hưởng lợi thành quả, từ đó tích cực tham gia. Thực tế đã chứng minh cách làm này của Thụy Văn đúng và hiệu quả.
Khi triển khai thực hiện tiêu chí số hai là làm đường giao thông nông thôn, xã Thụy Văn khởi đầu bằng phong trào "sạch nhà, đẹp ngõ". Ngày 24 hằng tháng được chọn là ngày cả xã ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Bác Vũ Minh Thư, 78 tuổi, thôn 3, làng Hoành Sơn chia sẻ: Từ khi thực hiện phong trào này, ý thức giữ gìn sạch đẹp nhà cửa, lối xóm của bà con tốt hơn. Khi ngõ xóm sạch sẽ rồi, dù không nói ra nhưng ai cũng muốn rộng đẹp hơn. Vì thế mà khi chính quyền xã lấy ý kiến nhân dân về việc mở đường thì bà con đồng tình ủng hộ ngay mặc dù trước đó nhiều người còn cho rằng bao năm như vậy có sao đâu, mở rộng thêm làm gì?
Trong xây dựng nông thôn mới, Ðảng ủy xã Thụy Văn luôn chú trọng đến thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở. Khi xây dựng đường giao thông nông thôn, mỗi thôn trong xã đều thành lập Tổ phụ trách xây dựng do chính nhân dân trong thôn cử ra. Trước khi làm, Tổ phụ trách họp bàn với dân, huy động nhân dân cùng làm và cử người kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Do đó, đường mới của thôn nào cũng đẹp và bảo đảm chất lượng. Khi tiến hành dồn điền, đổi thửa, chính quyền xã cũng mời nhân dân các thôn cùng họp bàn bạc, trao đổi. Mọi thắc mắc của nhân dân đều được đưa ra thảo luận để có phương án giải quyết thỏa đáng.
Ðồng chí Mạnh Ðình Thịnh, trưởng thôn 1, làng An Ðịnh cho biết, khi dồn điền, đổi thửa, cán bộ xã, thôn và nhân dân họp bàn không dưới 15 lần. Nhưng nhờ vậy, bà con ai cũng vui vì việc phân chia công khai, công bằng. Sau dồn điền, đổi thửa, nhiều hộ đã đầu tư mua ngay máy làm đất đa năng và máy gặt đập liên hợp. Năm 2012, cả hai vụ lúa của thôn đều được mùa, năng suất bình quân đạt 135 tạ/ha, tăng cao nhiều so với những năm trước.
Một bài học lớn mà Ðảng ủy xã Thụy Văn rút ra trong xây dựng nông thôn mới là gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trọng tâm là nêu cao ý thức trách nhiệm, sự đi đầu gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Ðồng chí Vũ Hữu Giáp, Chủ tịch MTTQ xã cho biết, khi được phân công, các tổ chức đoàn thể luôn làm hết trách nhiệm. Tiêu biểu như Hội Phụ nữ xã được giao nhiệm vụ nòng cốt trong thực hiện vệ sinh môi trường đã vận động đông đảo hội viên và bà con tự giác thu dọn, sắp xếp nhà cửa, thu gom rác thải. Khi làm đường giao thông, các đảng viên luôn là người tiên phong đóng góp về nguồn lực, ngày công lao động nhưng sẵn sàng nhận phần đất xa, đất xấu trong dồn điền, đổi thửa. Những việc làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã góp phần xây dựng niềm tin của nhân dân chính quyền, từ đó hăng hái tham gia. Hàng chục gia đình tự dỡ bỏ hàng rào, phá nhà để hiến đất làm đường.
Bác Nguyễn Văn Sơn, thôn 2, làng An Ðịnh ngoài góp công, góp của còn vận động con trai, con gái đang công tác trên Hà Nội quyên góp hơn bốn triệu đồng để cùng bà con làm đường ngõ xóm. Ðến nay, hệ thống đường giao thông của bảy thôn trong xã đã hoàn thành với sự đóng góp 90% sức người, sức của từ nhân dân.
Khi tinh thần quyết tâm xây dựng nông thôn mới trong nhân dân được nâng cao, thì chính là lúc nhân dân tham mưu, hiến kế làm nên những đột phá. Thụy Văn có chợ Dành, một chợ truyền thống có từ cách đây hơn 700 năm, nằm trên trục đường huyện lộ, bao quanh là một vùng dân cư rộng lớn. Nhưng lâu nay chợ vẫn chỉ chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con trong xã.
Ðể phát huy thế mạnh, bà con bàn với chính quyền góp tiền mở rộng chợ. Với sự hợp sức của nhân dân, xã đã xây dựng được cầu bắc qua sông Sinh trên trục đường sang huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng); mở đường lớn tám mét từ chợ đến trung tâm xã; xây mới nhiều ki-ốt. Trước kia chợ họp 18 phiên/một năm, nay chuyển sang họp quanh năm. Chợ Dành góp phần tiêu thụ nông sản ở Thụy Văn và các xã lân cận và làm thay đổi cơ cấu lao động theo xu hướng tăng thương mại, dịch vụ.
Cũng trong năm 2012, trước nhu cầu học tập của con em, nhân dân lại hiến kế mỗi gia đình quyên góp 2,5 m2 đất để xây trường học. Từ đó, hai ngôi trường tiểu học và THCS mới được khánh thành góp phần đưa xã hoàn thành tiêu chí về giáo dục. Cùng với nhiều đóng góp tích cực khác của nhân dân, cho đến nay xã Thụy Văn đã hoàn thành hơn 16 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng như: thu nhập, hộ nghèo, chợ nông thôn mới...
Ði trên những con đường mới phẳng phiu, rộng rãi ở khắp ngõ xóm, ngắm những cánh đồng lúa bao la xanh tốt, trở lại với nơi làm việc khiêm tốn của đội ngũ cán bộ xã, chúng tôi cảm nhận được rằng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Thụy Văn đang làm tốt lời dạy của Bác Hồ đối với tỉnh Thái Bình là phải phấn đấu trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt.