Tiên phong phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa

Nguyên Tuấn

Thứ Tư, 30/03/2011 18:45
Lẫn trong đoàn bác sĩ mặc blue trắng giản dị nhưng tận tình khám, phát thuốc miễn phí cho những người nghèo, ít ai biết thạc sĩ, bác sĩ Mã Lệ Quân là thủ lĩnh nổi bật trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe về nông thôn của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân 115.

Thực hiện chủ trương của Ban giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 về việc tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, các chi đoàn khoa của bệnh viện đã triển khai nhiều chương trình khám, chữa bệnh. Trong đó, hoạt động năng nổ nhất là chi đoàn khối Cấp cứu gây mê hồi sức.

Từ năm 2007 đến 2009, trong thời gian làm Bí thư chi đoàn khối này, Mã Lệ Quân đã tổ chức bảy chuyến khám chữa bệnh về nông thôn các huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Tháp Mười (Ðồng Tháp), Trà Cú (Trà Vinh), Tam Trà (Quảng Ngãi), Núi Thành (Quảng Nam). Trong năm 2010, từ khi được bầu làm Bí thư Ðoàn Bệnh viện 115, bác sĩ Mã Lệ Quân tổ chức Chiến dịch 'Kỳ nghỉ hồng' với nhiều chương trình cấp phát thuốc cho hàng nghìn người thuộc đối tượng chính sách, người nghèo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.'Niềm vui cũng lắm, khó khăn cũng nhiều nhưng vấn đề quan trọng là những bác sĩ chúng tôi đều cảm thấy mình trưởng thành lên sau mỗi chuyến công tác như thế. Tôi đưa ra nguyên tắc và cố gắng thực hiện lần khám bệnh từ thiện sau phải tốt hơn, sáng tạo và hiệu quả hơn lần trước' - Bác sĩ Mã Lệ Quân tâm sự về công việc.

Lần đầu thực hiện chương trình cho người nghèo ở Củ Chi, công việc chỉ đơn thuần là khám và phát thuốc. Ðến lần khám phát thuốc tại Trà Cú, đoàn phục vụ thêm chương trình giáo dục sức khỏe tư vấn cho người dân cách phòng, chữa bệnh, giáo dục sức khỏe răng miệng, giữ vệ sinh cho trẻ em. Lần đi về miền trung gian khó tại hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi hồi tháng 9/2009, đoàn mở rộng hợp tác các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ giúp công tác khám, chữa bệnh.

Ðể thực hiện được một chuyến khám bệnh, các đoàn viên tham gia phải chuẩn bị trước vài tháng, từ chuyện chuẩn bị các trang thiết bị y tế, bố trí thời gian trực của các bác sĩ tham gia đoàn công tác, vận động các nhà hảo tâm tài trợ thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, Bí thư chi đoàn còn phải lo thêm quà tặng cho người dân. Nhiều khi, các nhiệm vụ trên được thực hiện rất nhanh nhưng vấn đề kinh phí lo nơi ăn chốn ở cho đoàn bác sĩ lại trở thành nỗi băn khoăn lớn. Cơ quan hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại nhiều khi các bác sĩ phải bỏ tiền túi.

Chuyến khám bệnh từ thiện tại huyện vùng núi Tam Trà là chuyến đi đầy mạo hiểm. Trong đêm tối, đoàn bác sĩ phải vượt qua nhiều núi đá cheo leo trong mưa gió, nhiều lúc tưởng xe đã lao xuống vực. Chiều tối, đoàn bác sĩ từ TP Hồ Chí Minh vừa ra đến nơi đã triển khai ngay công tác khám, phát thuốc cho 400 đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tác nghiệp cũng gặp khó khăn vì bà con không nói tiếng Kinh nên phải có thông dịch. Ðến 20 giờ tối mới xong việc. Người mệt lả, các bác sĩ chỉ vội húp bát cháo lót dạ lại lên xe đi tiếp về huyện Núi Thành. Tay chân rã rời, Bí thư chi đoàn Mã Lệ Quân vẫn cười tươi và bắt bài hát động viên tinh thần mọi người. Trong những chuyến đi này, kỷ niệm đáng nhớ nhất là tình cảm người dân ở vùng sâu, vùng xa đối với lực lượng y tế. 'Lần về công tác tại tỉnh Tiền Giang, tôi rất xúc động trước cảnh những người dân đứng chật sân chùa dù trời mưa to. Tại đây, một bà cụ xoay lưng cho tôi khám phổi thì tôi thấy lưng bà đã ướt đầm vì mưa. Hình ảnh này day dứt mãi trong tôi và thôi thúc tôi phải đến với bà con.'

Được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Ðảng từ năm 2009, bác sĩ Mã Lệ Quân ý thức rằng, trong mọi việc, đảng viên phải là người đi đầu, là mẫu mực cho quần chúng. 'Ngày trước tôi làm việc với trách nhiệm của bác sĩ là khám và chữa bệnh thôi. Bây giờ tôi nghĩ rằng cần phải quan tâm đến nhu cầu của người bệnh, nhất là quan tâm đến tâm tư tình cảm của họ'. Trao đổi về kế hoạch thực hiện các chương trình khám, chữa bệnh từ thiện trong năm mới, bác sĩ Mã Lệ Quân cho biết: 'Chúng tôi đã lên kế hoạch khám, chữa bệnh cho người nghèo. Các bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân 115 sẽ tiếp tục hành trình đến với người nghèo vùng sâu, vùng xa.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.