"Tôi học Bác Hồ đức tính kiên trì và nhẫn nại"...

NGUYỄN KHÔI

Thứ Hai, 27/08/2012 19:12
Do tai nạn nghề nghiệp mà tay phải đeo bàn tay giả, còn bàn tay trái cầm nắm rất khó khăn, nhưng hơn 20 năm nay ông vẫn không ngừng sáng tạo khoa học. Ðó là GS,TS Trần Ðức Thiệp (cùng với GS,TS Nguyễn Văn Ðỗ) vinh dự được trao tặng giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2011 với công trình "Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và các phản ứng hạt nhân".
GS,TS Trần Ðức Thiệp và GS,TS Nguyễn Văn Ðỗ tại Lễ trao Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2011.
GS,TS Trần Ðức Thiệp và GS,TS Nguyễn Văn Ðỗ tại Lễ trao Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2011.

Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, lâu lâu, GS,TS Trần Ðức Thiệp lại dùng cả hai tay khó khăn nâng chén trà nhấp miệng. Nhưng câu chuyện của ông và những băn khoăn trăn trở của một số ít chuyên gia trong lĩnh vực vật lý hạt nhân ngày càng sôi nổi. Gần đây, lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong đó có vật lý hạt nhân ở ta mới được quan tâm, (có lẽ vì thế mà số người nghiên cứu về lý thuyết hạt nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn số chuyên gia về thực nghiệm cũng rất ít).

GS Trần Ðức Thiệp nhớ lại: Sau khi tốt nghiệp Khoa Vật lý hạt nhân, Trường đại học Tổng hợp Sofia (Bulgaria), rồi hoàn thành chương trình chuyển tiếp nghiên cứu sinh, ông về nước cuối năm 1970 và nhận công tác tại Viện Khoa học Việt Nam (sau này là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Trong khó khăn nhiều bề, kinh phí dành cho nghiên cứu cơ bản, nhất là ngành vật lý hạt nhân hết sức eo hẹp. Ðã có lúc giáo sư và một số ít đồng nghiệp được đi đào tạo ở nước ngoài nản lòng. Nhưng trước sự động viên của cán bộ quản lý, nghĩ lại bao năm đèn sách chuyên sâu một lĩnh vực khoa học-công nghệ cao đã giúp ông không "rẽ ngang" hay dừng lại.

Ðầu những năm 80 của thế kỷ trước, nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng, các bạn đồng nghiệp Liên Xô (trước đây) đã tặng Viện Vật lý thiết bị máy gia tốc đã qua sử dụng khoảng chục năm. PGS,TS Lê Huy Khiêm, Giám đốc Trung tâm Vật lý hạt nhân (Viện Vật lý) cho biết, những năm ấy, máy móc cũ, hỏng hóc suốt, cho nên các GS Thiệp và GS Ðỗ thức trắng nhiều đêm vận hành thiết bị để hoàn thành các công trình nghiên cứu.

Chính sự kiên trì và sáng tạo, khai thác có hiệu quả hai thiết bị gia tốc đầu tiên của Việt Nam là máy phát nơtron NA-3-C và Microtron MT-17 cộng với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế đã giúp hai GS Trần Ðức Thiệp và Nguyễn Văn Ðỗ triển khai thành công chương trình nghiên cứu cơ bản thực nghiệm đầu tiên về phản ứng hạt nhân ở Việt Nam.

Cũng bởi sự say mê nghiên cứu khoa học mà cách đây 21 năm, trong một lần đang làm thí nghiệm, không may máy gia tốc trục trặc, GS Trần Ðức Thiệp đã bị nhiễm xạ hỏng cả hai bàn tay. Những tưởng sự nghiệp khoa học của ông chấm dứt từ đó. Song, nhờ sự giúp đỡ của tổ chức IAEA, GS Trần Ðức Thiệp được đưa sang Pháp chạy chữa khoảng một năm, và may sao ông thoát khỏi "lưỡi hái tử thần". Hai bàn tay bị thương tật nhưng còn cái đầu sáng suốt, đôi mắt sáng và trái tim đam mê khoa học.

Vốn là một trong số ít người được đào tạo tại các trung tâm nổi tiếng như Viện Nghiên cứu hạt nhân Dubna, Viện Vật lý hạt nhân Trường đại học Giessen (CHLB Ðức), GS Trần Ðức Thiệp đã vượt bao khó khăn, tiếp tục con đường mà mình đã đeo đuổi là nghiên cứu cấu trúc và phản ứng hạt nhân với nơ-tron, phản ứng quang hạt nhân và phân hạch hạt nhân. Ðó là thực hiện các phản ứng trao đổi diện tích trên các máy gia tốc, hay nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp phân tích hạt nhân và kỹ thuật hạt nhân, phục vụ công tác phân tích hàm lượng protein trong ngũ cốc, đơn và đa nguyên tố trong hoạt động khai thác khoáng sản...

Trong quá trình nghiên cứu, có những thí nghiệm phức tạp (tốn từ 500 nghìn đến 700 nghìn USD thậm chí hàng triệu USD) không thể thực hiện trong nước được, bằng uy tín về khoa học, GS Trần Ðức Thiệp đã tranh thủ thiết bị của các nước tiên tiến để hoàn thiện các công trình nghiên cứu của mình. Và cũng bằng uy tín chuyên môn, học thuật, những năm qua, ông tham gia nghiên cứu và dự hàng chục cuộc hội nghị, hội thảo khoa học tại các quốc gia Ðức, Mỹ, Nga, Italia, Pháp, Trung Quốc, Thụy Sĩ... với tư cách khách mời, không phải sử dụng công tác phí của Nhà nước.

Biết tôi băn khoăn về tình trạng sức khỏe, nhất là hai bàn tay không còn nguyên vẹn, khi thực hiện các thao tác thí nghiệm, GS Trần Ðức Thiệp chia sẻ: Hồi học cấp 3, được học và đọc "Nhật ký trong tù", bởi vậy tôi học được ở Bác Hồ đức tính "Kiên trì và nhẫn nại". Quả thực, nếu không kiên trì và nhẫn nại, say mê nghiên cứu và sáng tạo thì hơn 30 năm qua, GS Trần Ðức Thiệp làm sao thực hiện được hàng chục đề tài nghiên cứu cơ bản cấp Nhà nước, cấp bộ ở một chuyên ngành đầy phức tạp và tiềm ẩn rủi ro; đồng thời công bố hơn 150 công trình khoa học trong và ngoài nước, trong đó có gần 60 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Cùng với GS Nguyễn Văn Ðỗ, GS Trần Ðức Thiệp là người có đóng góp lớn cho lĩnh vực vật lý hạt nhân thực nghiệm ở trong nước và thế giới. Cũng chính vì vậy, bên cạnh cương vị là Chủ tịch Hội Hạt nhân Việt Nam lâu nay, ông còn được các tổ chức khoa học quốc tế bầu làm Ủy viên Ủy ban máy gia tốc châu Á, Ủy viên Hội đồng diễn đàn nghiên cứu bức xạ Synchrotron châu Á - Ðại Dương... Công trình "Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và các phản ứng hạt nhân" mà GS Thiệp là đồng tác giả vinh dự nhận Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2011.

GS, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho biết: "Về mặt khoa học, công trình của hai GS Trần Ðức Thiệp và Nguyễn Văn Ðỗ, chúng tôi phải gửi ra nước ngoài nhờ các giáo sư nổi tiếng, đánh giá, thẩm định. Những nghiên cứu này góp phần làm sáng tỏ các vấn đề về cấu trúc hạt nhân và cơ chế phản ứng hạt nhân. Mặt khác cung cấp thêm các số liệu hạt nhân mới có giá trị vào kho tàng số liệu hạt nhân quốc tế. Còn về đạo đức nghề nghiệp thì cả hai giáo sư là tấm gương sáng về nghiên cứu khoa học, nhất là GS Trần Ðức Thiệp luôn say nghề, kể cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất"...

Giờ đây, không làm công tác quản lý nữa, nhưng cũng như GS Nguyễn Văn Ðỗ, GS Trần Ðức Thiệp tâm sự: Còn sức khỏe thì cố gắng góp phần nhỏ vào công tác đào tạo nguồn nhân lực (trình độ sau đại học) tại Viện Vật lý, các trường đại học Bách khoa, Khoa học tự nhiên (Ðại học Quốc gia Hà Nội) để chuẩn bị phục vụ công trình Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nay mai.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.