Bác Hồ với các anh hùng, chiến sĩ thi đua quân giải phóng miền Nam. |
Khi có chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chăm lo xây dựng mối quan hệ giữa Ðảng với nhân dân. Năm 1947, Bác đã viết tác phẩm "Dân vận", nêu bật vai trò quyết định của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng và Người đã chỉ ra rằng, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Theo đó, công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần tư tưởng yêu nước, thương dân của Bác. Từ lòng yêu nước, thương dân mà Bác bất chấp mọi nguy nan, gian khổ tìm đường cứu nước, cứu dân. Tình yêu thương quý trọng con người của Bác dành cho giai cấp cần lao, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc bị áp bức, bóc lột dưới chế độ thực dân, phong kiến.
Yêu nước, thương dân là phẩm chất cao đẹp nhất của người cách mạng và Người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân, đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Yêu nước thương dân, thương nhân loại bị áp bức, bóc lột thì đạo đức lớn nhất là làm cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội.
Trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và khéo dùng khái niệm "trung với nước, hiếu với dân" thể hiện một tư tưởng đạo đức cơ bản: yêu nước thương dân của người cách mạng.
Nội dung và yêu cầu của "trung với nước, hiếu với dân" trong điều kiện Ðảng cầm quyền có nhiều vấn đề mới do Ðảng và nhân dân có chính quyền làm công cụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, nâng cao đời sống nhân dân. Song, như Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo, ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, Ðảng cầm quyền thì cán bộ, đảng viên dễ mắc vào quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng, nhân dân; thoái hóa, biến chất, độc đoán, chuyên quyền, tham ô, lãng phí... vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.
Và để chống các bệnh ấy, Bác đã chỉ rõ rằng: Ðảng cầm quyền thì cán bộ, đảng viên càng phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Ðảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt "quan cách mạng" ra lệnh ra oai.
Phải nắm vững quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng, thành tâm học hỏi quần chúng, kiên quyết dựa vào quần chúng, giáo dục và phát động quần chúng tiến hành mọi chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Phải thật thà, ngay thẳng, không được giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm.
Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo; phải thực sự cầu thị, không được chủ quan; phải luôn luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải "chí công vô tư" và có tinh thần "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ". Ðó là đạo đức của người Cộng sản. (Tôi nhấn mạnh - TG) (Xem Hồ Chí Minh: Về Ðảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, 1993, tr.144).
Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân hiện nay không chỉ là bảo đảm quyền làm chủ về chính trị mà cần tạo điều kiện để mọi người dân làm chủ về kinh tế, không chỉ đáp ứng nhu cầu giải phóng tư tưởng mà còn là nhu cầu giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng tiềm năng của mọi người.
Sự nghiệp đổi mới đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước mở ra những cơ hội mới, cơ hội lớn cho mọi người dân vươn lên làm chủ về kinh tế, làm giàu, sớm thoát khỏi tình trạng nước nghèo, trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại đến 2020 và thực hiện những quyền, khát vọng của dân tộc, "sánh vai với các cường quốc năm châu" trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, mở cửa hội nhập với thế giới.
Sự nghiệp đó đòi hỏi người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị phải sâu sát với cuộc sống của nhân dân, thật sự phát huy quyền làm chủ của dân, tôn trọng ý kiến và quyền lợi chính đáng của nhân dân. Nói thì phải làm và làm nhiều việc ích nước, lợi dân. Ðặc biệt là đối với bộ máy Nhà nước, các cơ quan dân cử cần thấm nhuần lời dạy của Bác mà đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt bỏ những thủ tục phiền hà đối với nhân dân, thật sự phát huy vai trò người đại biểu của dân trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Vì dân, tận tụy phục vụ nhân dân là mục đích cao đẹp của đạo đức cách mạng mà Bác Hồ nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu nhất về đạo đức cách mạng, suốt đời tận tụy lo cho dân, "hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân".
Trong Di chúc, Người viết: "chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa". Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cốt lõi trong đạo đức mà người cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần và thực hành, rèn luyện suốt đời, không ngừng, không nghỉ là cần, kiệm, liêm, chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví bốn đức đó của con người như bốn phương của đất, bốn mùa của trời để khẳng định, thiếu một đức thì không thành người để nói lên ý nghĩa và quan hệ của cần, kiệm, liêm, chính trong đạo đức cách mạng.
Và, cùng với cần, kiệm, liêm, chính, đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là trong điều kiện Ðảng cầm quyền thì chí công vô tư là yêu cầu, phẩm chất hàng đầu. Người đã từng chỉ rõ, giặc nội xâm, kẻ thù bên trong của Ðảng, Nhà nước, ở trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chính là quan liêu, tham ô, lãng phí. Nguyên nhân của tệ quan liêu, nạn tham ô, lãng phí, cái làm cho cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân.
Do đó, người cán bộ, đảng viên thật sự chí công vô tư thì phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải rèn luyện để trở thành tấm gương về đạo đức cách mạng. Song, Bác Hồ cũng nói rõ, "đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân" mà phải chăm lo những lợi ích cá nhân chính đáng, chăm lo cho cuộc sống của cán bộ, đảng viên và gia đình họ.
Ðiều có ý nghĩa sâu sắc đối với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là thực hiện những nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng. Ðó là xây đi đôi với chống; tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời; nói đi đôi với làm, nêu gương sáng về đạo đức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền, muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta noi theo, cho nên Người tự nêu gương về đạo đức cách mạng và lấy gương đảng viên, cán bộ dám xả thân vì Ðảng, vì dân, vì cách mạng mà hy sinh, chịu đựng gian khổ, dũng cảm chiến đấu, hăng say lao động, công tác, "người tốt, việc tốt" để giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương về đạo đức là phẩm chất rất cơ bản của người đảng viên, cán bộ. Ðó cũng là yêu cầu hàng đầu đối với cán bộ, đảng viên hiện nay. Nêu gương đạo đức của đảng viên phải được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh.
Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Người thì người đảng viên đối với mình tuyệt nhiên không tự cao, tự đại mà luôn học hỏi cầu tiến bộ, thật thà tự phê bình để sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, cái hay, cái tốt của bản thân.
Ðối với người thì chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thân ái, không a dua, nịnh trên, nạt dưới, dối trá, lọc lừa. Ðối với việc công, việc nước, việc của dân thì có quyết tâm làm cho tốt, không sợ khó khăn, không nề gian khổ, ham làm việc thiện, tránh việc ác, mỗi ngày đều cố gắng làm việc lợi nước, ích dân "việc gì hại cho dân thì phải tránh, việc có ích cho dân thì gắng sức làm".
Nêu gương đạo đức của người đảng viên hiện nay còn là gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Ðáng kể nhất là gương mẫu chấp hành Nghị quyết của Ðảng và pháp luật của Nhà nước, chăm lo xây dựng gia đình văn hóa. Vấn đề có ý nghĩa thực tiễn quan trọng của việc nêu gương đạo đức của người đảng viên là tính tự giác, tính chủ động. Muốn làm tốt điều đó người đảng viên cần chú ý tự tu dưỡng, tự mình học tập nâng cao kiến thức, năng lực làm việc, tự mình rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức của người đảng viên.
Nêu gương đạo đức của người đảng viên hiện nay còn là lấy chất lượng cuộc sống của nhân dân, tinh thần và thái độ của dân đối với Ðảng, đối với nhà nước và cán bộ, đảng viên, công chức để đánh giá vai trò, hoạt động của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Nêu gương tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức ngăn ngừa suy thoái về đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, lãng phí.
Người đảng viên không chỉ nói không với tiêu cực, tham nhũng mà từ trong suy nghĩ, việc làm phải kiên quyết, chống lại những tệ nạn này từ ngay bản thân mình và đồng chí, những người trong cơ quan, đơn vị mình có biểu hiện, dấu hiệu vi phạm.
Theo đó, tự phê bình và phê bình của người cán bộ, đảng viên, của cấp ủy và chính quyền các cấp cần được tiến hành thường xuyên như "rửa mặt hằng ngày" với tinh thần xây dựng, có tình thương yêu đồng chí, đoàn kết thật sự, nghiêm khắc sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, nâng cao được năng lực và sức chiến đấu, làm cho Ðảng thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.