Truyền thống bệnh viện là điểm tựa của chúng tôi

NGUYỄN KHÔI

Thứ Hai, 30/06/2014 19:27
Lãnh đạo, quản lý một bệnh viện có bề dày truyền thống gần 65 năm, Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) quan niệm: Công tác điều trị phải gắn với nghiên cứu khoa học, không ngừng ứng dụng các kỹ thuật cao vào phục vụ người bệnh; làm bất cứ việc gì cũng luôn nhớ lời Bác Hồ căn dặn, lương y phải như từ mẫu.
PGS, TS Hoàng Mạnh An kiểm tra sức khỏe cho người bệnh ghép tụy-thận.
PGS, TS Hoàng Mạnh An kiểm tra sức khỏe cho người bệnh ghép tụy-thận.

Bệnh viện 103 là một trong những nơi tiên phong trong ứng dụng các thành tựu tiên tiến của y học: năm 1992 ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện thành công; năm 2004, là ca ghép gan; năm 2010 tiến hành ca ghép tim; và tháng 3 vừa qua, lần đầu ở Việt Nam, bệnh viện thực hiện thành công ca ghép đa tạng (tụy-thận),...

Thiếu tướng, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103, Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu, ứng dụng ghép tụy-thận trên người" (giai đoạn 2013-2015), dẫn tôi đến thăm bệnh nhân Phạm Thái Huyên, người đầu tiên được ghép đa tạng đang nằm điều trị tại viện. Sau hơn ba tháng được ghép tụy-thận, với sự chăm sóc, điều trị tích cực của các bác sĩ và điều dưỡng viên, các chỉ số sức khỏe của bệnh nhân Huyên (quê Sơn La) gần như bình thường.

Anh Huyên phấn khởi trò chuyện: "Nếu không được ghép tạng kịp thời, chắc tôi không còn ở trên đời này nữa, bởi nhiều năm nay tôi vừa bị tiểu đường vừa bị suy thận nặng. Thật hạnh phúc, chỉ một, hai tuần nữa, tôi sẽ được về với gia đình...".

Theo PGS, TS Hoàng Mạnh An, từ thành công của ca ghép đa tạng này, mở ra triển vọng ghép tạng cho những người bị tiểu đường nặng vì căn bệnh này thường gây biến chứng suy thận; hoặc các trường hợp đã ghép thận nhưng sau đó mắc bệnh tiểu đường. Điều băn khoăn lớn nhất không chỉ với PGS, TS Hoàng Mạnh An mà còn là của chung những người làm công việc ghép tạng là, tuy Luật Ghép tạng đã ban hành cách đây hơn 5 năm, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa hình thành được "ngân hàng" tạng, mà nguyên nhân sâu xa là vướng mắc bởi tư tưởng của phần lớn người dân trong cộng đồng. Điều đó cắt nghĩa vì sao đã hơn 20 năm ra đời ngành ghép tạng nhưng đến nay Việt Nam chỉ mới ghép được khoảng 800 ca thận, riêng ghép gan và tim thì rất ít...

PGS, TS Hoàng Mạnh An cho rằng, việc gắn kết giữa đào tạo và điều trị, nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật cao là giải pháp không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Hằng năm Bệnh viện 103 triển khai hơn 100 đề tài các cấp, nhằm tiếp cận trình độ y học hiện đại. Vì thế, nhiều kỹ thuật chuyên sâu như phẫu thuật nội soi, vi phẫu, cấy máy tạo nhịp vĩnh cửu, tán sỏi qua da, can thiệp mạch, kỹ thuật ghép tạng... đã trở thành thường quy ở bệnh viện. Bản thân Giám đốc Hoàng Mạnh An, những năm gần đây đã tham gia không ít đề tài khó và phức tạp. Hiện, PGS đang chủ trì đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu, ứng dụng một số biện pháp giải độc không đặc hiệu cho người phơi nhiễm chất độc da cam/đioxin ở Việt Nam" (2013-2015). Qua việc áp dụng với 40 trường hợp bị phơi nhiễm đioxin ở Đà Nẵng, bước đầu cho kết quả khả quan.

Đây là phương pháp điều trị mới đang được kiểm chứng, đánh giá để trong tương lai gần, áp dụng nhân rộng cho hàng triệu trường hợp nhiễm chất độc da cam/đioxin trong cả nước.

Do mặt trái của cơ chế thị trường, tiêu cực trong khám, chữa bệnh đã len lỏi vào cổng bệnh viện dưới các hình thức khác nhau. Có lần tôi hỏi PGS, TS Hoàng Mạnh An: "Bệnh viện có mạnh tay với các hiện tượng trái với đạo đức nghề y không ?". PGS, TS Hoàng Mạnh An giọng điềm đạm nhưng kiên quyết: "Ở một bệnh viện mà mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đến khám và điều trị, nói là không có tiêu cực thì chắc không ai tin. Nhưng Bệnh viện 103 luôn kiên quyết với những trường hợp này".

Từ lâu, Bệnh viện ban hành các quy ước về giao tiếp, văn hóa ứng xử với người bệnh; không ngừng cải tiến các thủ tục khám, chữa bệnh để khắc phục kẽ hở có thể phát sinh tiêu cực, đồng thời lập đường dây nóng đến Ban Giám đốc. Những cán bộ có biểu hiện trái với đạo đức nghề nghiệp, lần đầu bệnh viện nhắc nhở và cho chuyển công việc, lần thứ hai tùy theo mức độ sẽ có hình thức kỷ luật thích đáng và đã có bác sĩ bị đình chỉ công tác sáu tháng liền.

Không thể xuê xoa với các vi phạm y đức, bởi phía sau chúng tôi là truyền thống gần 65 năm, là 2 lần bệnh viện được phong tặng danh hiệu Anh hùng; bốn bộ môn-khoa cũng đã vinh dự được nhận phần thưởng cao quý như thế. Bởi vậy, phương châm của tập thể thầy thuốc Bệnh viện 103 là: "... phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn, như lời Bác Hồ căn dặn trong bức thư gửi Hội nghị Y tế ngày 27/2/1955".

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.