Tự phê bình và phê bình theo quan điểm của Bác Hồ

GS, TS MẠCH QUANG THẮNG

Thứ Năm, 14/06/2007 02:54

Mục đích của tự phê bình và phê bình, như Bác Hồ quan niệm, là: "Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi". Ðảng ta gồm những người có tài, có đức; phần đông những người hăng hái nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm nhất đều có ở trong Ðảng. Tuy vậy, "không phải là người người đều tốt, việc việc đều hay". Do vậy, trong Ðảng luôn luôn thực hiện tự phê bình và phê bình để cho dần dần hết khuyết điểm, đồng thời làm cho ưu điểm ngày càng nhiều thêm.

Mục đích tự phê bình và phê bình, cũng theo Bác Hồ, là cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; mỗi cán bộ, đảng viên hằng ngày phải kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt, được như thế trong Ðảng sẽ không có bệnh và Ðảng sẽ mạnh khỏe vô cùng.

Tự phê bình và phê bình liên quan đến vấn đề đoàn kết trong Ðảng. Do vậy, mục đích của tự phê bình và phê bình còn nhằm tăng cường sức mạnh đoàn kết, như Bác nói: "Muốn đoàn kết chặt chẽ là phải thật thà tự phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến càng đoàn kết. Ðoàn kết, phê bình, tự phê bình thật thà để đi đến đoàn kết hơn nữa".

Xác định đúng mục đích tự phê bình và phê bình không dễ. Trong thực tế, đã có không ít tổ chức đảng sau khi tiến hành tự phê bình và phê bình thì tổ chức vốn đang yên đang lành thì lại bị kém nát, mất đoàn kết thêm. Như vậy là không đạt mục đích.

Nhưng, muốn đạt được mục đích thì cần có phương pháp phù hợp. Theo Bác Hồ, phương pháp phù hợp nhất là phải thành khẩn, trung thực, kiên quyết và phải có văn hóa trong tự phê bình và phê bình. Bác cho rằng, tự phê bình và phê bình phải "ráo riết", triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Người nhấn mạnh: Nếu không kiên quyết thực hiện tự phê bình và phê bình thì cũng giống như giấu giếm tật bệnh ở trong người, không dám uống thuốc và như vậy làm cho bệnh nặng thêm, nguy đến tính mạng (đó là thái độ "giấu bệnh, sợ thuốc").

Trong thực tế hiện nay, thường có những biểu hiện lệch lạc trong phương pháp tự phê bình và phê bình, như sau: Tự phê bình thì ít hoặc không chịu tự phê bình nhưng phê bình thì nhiều, làm ra vẻ ta đây hăng hái đấu tranh chống tiêu cực; Phê bình vu vơ, nghĩa là "bắn chỉ thiên", phê bình không có địa chỉ rõ ràng; Phê bình theo cách đặt điều, theo kiểu lợi dụng phê bình để bôi xấu nhau, nói cho hả giận, "đập cho tơi bời"; Phê bình để "hạ bệ" người mình không ưa, nhất là biết người đó sẽ được đề bạt; Trong các đợt sinh hoạt Ðảng tự phê bình và phê bình, thường có thái độ "nín thở qua đò", "giữ mình", ngồi im, nếu thấy đồng chí phê bình mình thì giả vờ thành khẩn nhận cho qua chuyện; Giả vờ thành khẩn nhận và hứa sửa chữa khuyết điểm khi được tập thể phê bình, nhưng thực chất nhận và hứa cho qua chuyện. Biết mình có khuyết điểm và đồng chí mình trong đơn vị cũng có khuyết điểm thì thỏa thuận với nhau che giấu theo kiểu "tôi không động đến ông thì ông cũng không động đến tôi".

Thiết nghĩ rằng, chúng ta cần phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ trong sinh hoạt Ðảng, theo ba điểm sau đây:

Một là, có những người có thái độ tự phê bình rất thật thà và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm; khi phê bình người khác cũng rất đúng đắn, trung thực; đối với những người có khuyết điểm nặng mà không chịu sửa thì các đồng chí ấy đấu tranh rất kiên quyết, không nể nang. Bác cho rằng, phải học tập tinh thần và tác phong của các đồng chí ấy.

Hai là, có một số người thì phê bình, giáo dục mấy cũng không chịu sửa đổi, "cứ ỳ ra", thì "chúng ta cần phải nghiêm khắc, phải mời họ ra khỏi Ðảng, để tránh con sâu làm rầu nồi canh".

Ba là, một số người có thái độ đối với người khác thì phê bình một cách rất hăng hái, nhưng tự phê bình thì quá yếu, không mạnh dạn công khai tự phê bình, không vui lòng tiếp thụ phê bình, không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của mình, thường tìm "những khó khăn khách quan" để tự biện hộ, "mang một ba lô chủ nghĩa cá nhân", sợ mất thể diện, sợ mất uy tín. Ðối với số người này, Ðảng cần làm cho họ có tinh thần, thái độ đúng đắn trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình.

Bác nhấn mạnh: Tự phê bình và phê bình phải có "tính chất xây dựng", "không mỉa mai, nói xấu nhau", "chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm", không được trù dập người phê bình mình. Bác còn nói: "phê bình chứ không phải là chửi", nghĩa là phê bình phải có văn hóa. Trong phê bình, phải đặc biệt thực hành dân chủ. Bác nói: "Có gì cứ bình tĩnh bảo nhau, bàn với nhau. Càng cáu càng khó nghe. Muốn dân chủ tốt, kỷ luật cao, cán bộ phải gương mẫu phê bình và tự phê bình. Ví dụ: Bác và các chú khai hội với nhau. Bác tự phê bình trước thì các chú mới dám phê bình. Các chú có khuyết điểm, Bác phê bình lại. Mục đích phê bình và tự phê bình là để học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau". Phải phê bình những thói hư tật xấu, ngay cả những "người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời".

Bác viết bản Di chúc từ năm 1965 khi ngoài 70 tuổi thấy sức khỏe của mình đã bị giảm sút, và năm nào Bác cũng sửa chữa, bổ sung cho đến năm 1969, khi Người qua đời. Có năm bổ sung nhiều, có năm ít. Riêng năm 1967, Bác chỉ bổ sung một câu: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Ðiều này rất đúng với tinh thần nhất quán của Bác khi Bác quan niệm về việc học tập, tiếp thụ chủ nghĩa Mác - Lê-nin: "Hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác- Lê-nin được!".

Trong tâm khảm của những người Việt Nam hiện nay đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có lẽ không ai là không nhớ lời căn dặn của Bác trong Di chúc khi Bác coi đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Ðảng và của dân ta; các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Và "trong Ðảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Ðảng".

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.