Tư tưởng của Bác Hồ thật gần gũi

TIỂU PHƯƠNG

Thứ Năm, 31/07/2008 02:34

Ðó là cảm nhận của nhiều vị chức sắc, chức việc, tín đồ của cả Công giáo và Phật giáo ở Ninh Bình khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi theo họ, giáo lý đạo Công giáo là bác ái, với đạo Phật là từ bi, còn Chủ tịch Hồ Chí Minh là yêu nước, thương nòi.

Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" giúp đồng bào các tôn giáo hiểu hơn về Bác.

Về thực hiện Cuộc vận động, ông Nguyễn Mạnh Trường, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, một số điểm mới và riêng tại Ninh Bình, trong đó chú trọng đối tượng tham gia là thế hệ trẻ gồm đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên...

Ðặc biệt, Hội người mù tỉnh hưởng ứng rất nhiệt tình, tổ chức Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ, được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hỗ trợ tài liệu, tổ chức chu đáo. Ðối với các tổ chức tôn giáo, Tỉnh ủy chọn Kim Sơn làm điểm, vì Kim Sơn có hai đạo chính là Công giáo và Phật giáo, với tổng số người có đạo chiếm hơn 51% số dân toàn huyện...

Thực hiện sự chỉ đạo này, Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn xây dựng kế hoạch, triển khai học tập các chuyên đề tới các chức sắc, chức việc tôn giáo với nội dung được lựa chọn phù hợp; kết hợp giảng các chuyên đề tại lớp An cư kiết hạ 2008 (lớp giảng đạo Phật cho các tăng, ni hằng năm); thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức cho các chức sắc, chức việc, tín đồ tham quan những di tích lịch sử liên quan cuộc đời hoạt động của Bác Hồ.

Chúng tôi đến Kim Sơn đúng thời điểm Huyện ủy triển khai kế hoạch thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2008 trong các tổ chức tôn giáo.

Trước đó, Mặt trận Tổ quốc huyện Kim Sơn đã tổ chức hội nghị cho gần 200 chức sắc hai tôn giáo. Ðại diện ban khánh tiết các đình, chùa; đại diện dòng mến thánh giá Phát Diệm, ban chấp hành các giáo xứ đã nghe giới thiệu hai chuyên đề về Cuộc vận động, trong đó có nhiều nội dung đề cập vai trò, vị trí của các chức sắc tôn giáo ở địa phương trong việc tham gia tuyên truyền, vận động giáo dân, tín đồ phật tử học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.

Tại Nhà thờ Hướng Ðạo, Linh mục Bùi Ngọc Hoàng, Trưởng Ban đoàn kết Công giáo tỉnh Ninh Bình bày tỏ: "Sau khi đọc, và học tài liệu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy tư tưởng của Bác Hồ có nhiều điểm tương đồng với giáo lý đạo Công giáo đó là đều vì con người, đều bác ái- yêu thương. Qua Cuộc vận động này, các chức sắc, chức việc được hiểu thêm về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, từ cảm nhận đó mà soi rọi vào đời sống của người Công giáo".

Thực hiện Cuộc vận động, Giáo xứ Hướng Ðạo tổ chức các cuộc họp lồng ghép các nội dung, chuyên đề học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ; trong các buổi giảng đạo kết hợp tuyên truyền, phổ biến các phong trào ở địa phương như ngăn chặn nạn trộm cắp, tuyên truyền phòng, chống HIV, nhắc nhở bà con chấp hành quy định về an toàn giao thông...; động viên giáo dân ủng hộ đồng bào bão lụt, giúp đỡ các gia đình nghèo, gia đình chính sách, hoàn cảnh neo đơn.

Linh mục kể cho chúng tôi nghe chuyện khi còn ở nhà thờ Mướu Giáp (huyện Gia Viễn), một gia đình gần đó có bốn người con, nhưng vợ chồng thường xuyên xô xát, chính quyền đã phối hợp cha xứ để giải quyết. Ông đã mời hai vợ chồng đến để hòa giải, giao BCH xứ Mướu Giáp theo dõi và giúp đỡ. Từ đó đến nay, họ sống với nhau khá êm ấm.

Theo đồng chí Vũ Xuân Dự, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Kim Sơn, những năm qua sự phối hợp giữa chính quyền các cấp và các vị linh mục rất tốt trong giáo dục truyền thống tốt đẹp cho giáo dân, giúp chính quyền hòa giải những xích mích trong nhân dân... thường xuyên sáu tháng lại tổ chức gặp gỡ giữa Mặt trận Tổ quốc và Uỷ ban Ðoàn kết Công giáo để đánh giá các hoạt động và rút kinh nghiệm.

... Hôm chúng tôi thăm chùa Ðồng Ðắc, tại giảng đường Trường Hạ cơ sở 2, nơi vừa diễn ra Hội nghị triển khai Cuộc vận động tới 270 chức sắc đạo Phật tại lớp An cư kiết hạ. Ðại đức Thích Ðức Lợi chỉ cho chúng tôi xem khung kính treo trang trọng trước cửa nhà khách của chùa, trong đó là những bức ảnh tư liệu quý thể hiện sự quan tâm của Bác Hồ đối với Phật giáo.

Bằng tình cảm trân trọng và khâm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðại đức tâm sự: Qua các kênh thông tin đại chúng, tôi thấy Bác Hồ nghiên cứu rất kỹ về các tôn giáo, trong đó Người quan tâm và chăm sóc đồng bào Phật giáo.

Mục đích của đạo Phật là đem lại lợi ích cho chúng sinh, cho nhân loại thì tư tưởng của Bác Hồ luôn vì dân, vì nước; Ðức Phật luôn bảo vệ quyền sống của muôn loài, vì hạnh phúc chúng sinh thì trong bản Tuyên ngôn độc lập, Bác đề cao "quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"... Giới tăng, ni, Phật tử luôn trân trọng và học tập tấm gương đạo đức của Người.

Ðại đức Thích Ðức Lợi cũng cho chúng tôi biết những việc làm thiết thực của tăng, ni, Phật tử chùa Ðồng Ðắc hưởng ứng Cuộc vận động. Trong đó có những chương trình hoạt động riêng trong giới tăng, ni như tổ chức viết bài cảm nhận về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh; kế hoạch triển khai Hội thi kể chuyện và diễn thuyết về Bác Hồ; chuẩn bị ra sáu tờ báo tường, dành diện tích đáng kể để viết về Người; trong các buổi giảng kinh Phật sẽ kết hợp giảng những bài học, mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Sư cô Ngọc Trinh, thư ký Trường Hạ là người làm luận văn tốt nghiệp Học viện Phật giáo với đề tài Tư tưởng Phật giáo với vấn đề giải phóng phụ nữ. Sau khi nghe hai chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, do báo cáo viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kim Sơn giảng, trong đó có nội dung tư tưởng của Bác Hồ về vấn đề giải phóng phụ nữ, sư cô đã bày tỏ những cảm nhận sâu sắc và tự đề ra những việc làm cùng giới tăng, ni, Phật tử tổ chức hiệu quả Cuộc vận động lớn này, cùng xây dựng "Ðạo pháp, dân tộc và Chủ nghĩa xã hội".

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.