Vì hạnh phúc người bệnh

NGUYỄN TRỌNG QUẾ (Ðồng Tháp)

Thứ Hai, 16/03/2015 17:41
Khắc ghi lời thề Hippocrates và lời dạy "Lương y như từ mẫu" của Bác Hồ kính yêu, với tôi, cứu được một bệnh nhân thoát khỏi "lưỡi hái tử thần", chăm sóc cho bệnh nhân khỏe mạnh là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất. Ðó là tâm sự của bác sĩ Trương Thị Hồng Nga, Bệnh viện Ða khoa Sa Ðéc, tỉnh Ðồng Tháp.
Bác sĩ Trương Thị Hồng Nga nhận Bằng khen đột xuất do UBND tỉnh Ðồng Tháp tặng.
Bác sĩ Trương Thị Hồng Nga nhận Bằng khen đột xuất do UBND tỉnh Ðồng Tháp tặng.

Tốt nghiệp THPT năm 1984, Trương Thị Hồng Nga thi đậu vào Trường đại học Nông nghiệp, nhưng theo đề nghị của địa phương, chị được chuyển sang học Khoa Sản, Trường đại học Y Cần Thơ. Năm 1990, chị tốt nghiệp Đại học Y và được phân công về làm việc tại Trung tâm y tế huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp.

Tận tâm với nghề, hết lòng vì người bệnh, năm 1992, bác sĩ Nga được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Phẫu thuật Trung tâm y tế huyện Tháp Mười, tiếp đó được điều động đến một số nơi khác rồi về làm việc tại Khoa Ngoại sản, Bệnh viện Ða khoa Sa Ðéc cho đến nay.

Bác sĩ Nga là người giỏi về y thuật, sáng về y đức, đã cứu sống nhiều bệnh nhân trong cơn nguy kịch mà điển hình là ca mổ cấp cứu chị Nguyễn Thị Kim Ngân, giáo viên Trường tiểu học Tân Xuân, xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp vào tháng 10/2013.

Giám đốc Bệnh viện Ða khoa Sa Ðéc Huỳnh Văn Huệ cho biết: Khoa Sản là đơn vị xuất sắc nhất của bệnh viện. Ðóng góp cho thành tích của khoa có công rất lớn của bác sĩ Trương Thị Hồng Nga. Lãnh đạo bệnh viện đánh giá cao cả về y đức và y thuật của bác sĩ Nga trong suốt 11 năm công tác tại đơn vị; là người có tâm, có trí, luôn hòa đồng với đồng nghiệp, tận tình với bệnh nhân. Tự tin, quyết đoán là những đức tính rất đáng quý của bác sĩ Nga. Thông thường, những ca mổ vỡ tử cung trên vết mổ cũ như sản phụ Nguyễn Thị Kim Ngân, người thầy thuốc chỉ cứu được mẹ hoặc con, trường hợp may mắn cứu được cả hai mẹ con thì sản phụ phải cắt bỏ tử cung, nhưng ca mổ này, bác sĩ Nga đã làm trọn vẹn những điều ít thực hiện được trong y học.

"24 năm làm việc trong ngành y, nhưng tôi vẫn nhớ lần mổ làm cho tôi sợ nhất, nhớ nhất là ca mổ sống cứu con của một sản phụ suy thai ở Trung tâm y tế huyện Lấp Vò năm 1995". Bác sĩ Nga nhớ lại, khi đó, mới 5 năm trong nghề và là lần đầu tiên bác sĩ gặp phải ca mổ quá nguy kịch, trong khi ấy cả Trung tâm chỉ còn lại 4 người trực ở các bộ phận khác nhau do phải đi công tác. Mệnh lệnh cao nhất lúc này là cứu sống bệnh nhân, mong cho "mẹ tròn, con vuông". Chị quyết định mổ sống cứu con, cho dù biết chắc đây là ca mổ "sinh tử" bởi khi đặt nội khí quản thì sản phụ có phản xạ co thắt khí quản, toàn thân bầm tím, cho nên không thể hội chẩn.

Theo y khoa thì trong trường hợp này, người mẹ chỉ được cứu sống trong vòng từ năm đến bảy phút, quá thời hạn đó, não bộ của bệnh nhân sẽ chết, cho nên mổ sống cứu con trong trường hợp này, theo bác sĩ Nga là "thượng sách". Quyết đoán và tự tin, bằng nghiệp vụ của mình cùng với sự cộng tác của ba đồng nghiệp ở các lĩnh vực chuyên môn khác nhau trong trung tâm, sau những giây phút đầy căng thẳng, bác sĩ Nga đã thực hiện thành công ca mổ, giao em bé cho bác sĩ khác, rồi chị tiếp tục tự mình xoa bóp tim ngoài và lồng ngực cho bệnh nhân, mặt sản phụ đã hồng trở lại. Dồn hết sức lực cho công đoạn cuối cùng là khâu an toàn vết mổ. Sự sống của bệnh nhân đã được hồi sinh nhưng do làm việc quá sức, bác sĩ Nga bị nhược cơ, cầm vật gì cũng không được, chị phải uống sữa bằng ống hút.

24 năm làm việc trong ngành y, luôn tâm niệm "nghề đã chọn mình nên cách tốt nhất để trả ơn nghề, trả ơn đời là phải sống trọn vẹn với nghề bằng cái tâm trong sáng" nên bác sĩ Nga được đồng nghiệp và bệnh nhân tin yêu. Với chị, hạnh phúc của người làm nghề y chính là hạnh phúc của người bệnh.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.