Với đồng tiền, hạt gạo của dân

Tháng ba Ất Dậu (1945) 28 vạn dân Thái Bình chết đói, hàng chục nghìn gia đình tha phương cầu thực.

Cách mạng Tháng Tám thành công, tiếp thụ cái "di sản" trống rỗng của thực dân, phong kiến để lại, ngân khố Thái Bình chỉ còn ba vạn đồng tiền Ðông Dương rách và vài trăm tấn thóc ở nông khố.

Thương dân Thái Bình dưới chế độ cũ chịu đói rách triền miên, lại bị nạn vỡ đê (tháng bảy Ất Dậu) ngập lụt cả 12 phủ huyện ngày 10/1/1946, sau Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, Bác Hồ đã về thăm, động viên và trực tiếp chỉ đạo Thái Bình khắc phục những khó khăn to lớn, đẩy mạnh diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Bác cùng phái đoàn Chính phủ lên tận nơi đê vỡ ở làng Ðìa, huyện Hưng Nhân (nay là Hưng Hà) xem xét. Bác ngậm ngùi đứng lặng hồi lâu nhìn bốn bề đồng trắng nước trong và những căn nhà dân lúp xúp, xiêu vẹo dưới rặng tre vàng vọt rồi nói với cán bộ lãnh đạo Thái Bình cùng đi: "Trước mắt phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cứu đói. Không được để dân đói. Dân đói là Chính phủ có lỗi!"

Chiều tối, phái đoàn Chính phủ do Bác dẫn đầu về tỉnh lỵ Thái Bình. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Ngô Duy Cảo, mời cơm. Bác xua tay:

- Ði thăm tỉnh lụt, dân đói, còn ăn uống gì?

Sau đó, Bác cùng phái đoàn giở cơm nắm đem theo ăn, rồi về Hà Nội.

Từ năm 1946 đến năm 1967, Bác Hồ về thăm Thái Bình năm lần, Bác động viên Thái Bình đạt được thành tích to lớn trong sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân và căn dặn không được chủ quan thỏa mãn với thành tích đạt được.

Lần cuối Bác về thăm khi Thái Bình đạt bình quân cả tỉnh năm tấn thóc/ha, dẫn đầu năng suất lúa miền bắc.

Trong buổi đón hôm đó, đồng chí Phạm Ngọc Quy, Bí thư chi bộ hợp tác xã Tân Phong, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, đơn vị hai năm liền đạt sáu rồi bảy tấn thóc/ha/năm - dẫn đầu tỉnh Thái Bình, trân trọng kính biếu Bác ba kg gạo nếp Quýt và hai kg gạo Di hương. Bác không chối từ, nhưng rút trong túi áo ra tờ bạc một đồng (mang số IC 53325) trả tiền số gạo biếu. Ðồng chí Phạm Ngọc Quy và đồng chí Ngô Duy Ðông, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình ngày đó, không dám nhận:

- Thưa Bác, đây là quà của Thái Bình biếu Bác.

Bác vẫn trao đồng tiền cho đồng chí Quy:

- Bác đã có tiêu chuẩn. Các chú không nhận tiền, làm Bác mắc lỗi tham ô!

Ðồng tiền đó được HTX Tân Phong lưu giữ trong cuốn Sổ Vàng ở địa phương; sau này chuyển lên trưng bày tại Khu lưu niệm Hồ Chủ tịch với nhân dân Thái Bình ở xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư.

Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của Ðảng suốt đời nêu cao đức cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư... Tất cả cán bộ chúng ta cần thấm nhuần gương đạo đức của Người để luôn trân trọng từng đồng tiền, hạt gạo của dân như Người.

Nguyễn Văn
(Hội Văn nghệ Thái Bình)

Tin liên quan

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị vĩnh hằng của Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị vĩnh hằng của Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - câu nói bất hủ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên trên làn sóng phát thanh từ Thủ đô Hà Nội vào tháng 7/1966, trong thời điểm miền bắc đang gồng mình trước bom đạn chiến tranh, còn miền nam chìm trong máu lửa. Đây không chỉ là khẩu hiệu kháng chiến, mà là tuyên ngôn bất diệt về quyền sống và khát vọng làm người của một dân tộc từng trải qua hàng nghìn năm mất nước, chia cắt và hy sinh.
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt trong âm nhạc. Hình ảnh Bác Hồ vẫn sống động và lan tỏa trong sáng tác của thế hệ nhạc sĩ trẻ với những cảm quan nghệ thuật hiện đại; góp phần gìn giữ, tôn vinh những giá trị đạo đức, tư tưởng và phong cách của Người.
Sức sống và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh

Sức sống và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong xã hội hiện đại, dấu ấn con người và các trào lưu tư tưởng dễ bị lu mờ bởi những vấn đề đương đại nóng bỏng. Vượt qua thách thức đó, Hồ Chí Minh là hiện tượng hy hữu của lịch sử khi đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống và “độ lùi” của thời gian càng tôn vinh sức sống, tầm vóc tư tưởng của Người.