Vững vàng nơi biên cương

HIỀN HÒA

Thứ Sáu, 28/03/2014 22:01
Theo bước chân các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn), chúng tôi có dịp chứng kiến sự gian lao, vất vả, tinh thần chiến đấu, hy sinh của người lính nơi biên cương Tổ quốc.
Cán bộ Đồn Biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn) thường xuyên trao đổi với dân để nắm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Cán bộ Đồn Biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn) thường xuyên trao đổi với dân để nắm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

Câu nói "trung với nước, hiếu với dân,..." của Bác Hồ luôn là lời tâm nguyện với mỗi cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh nơi này...

Vì sự bình yên trong từng thôn, bản

Chúng tôi cùng Thượng úy Ngô Tiến Kiên, Đồn Biên phòng Tân Thanh đến bản Nà Khòa, địa bàn phức tạp về tệ nạn ma túy. Con đường gập ghềnh dẫn tới bìa rừng của bản, nằm sát biên giới nơi Thượng úy Ngô Văn Vinh, trinh sát viên của Đồn Biên phòng Tân Thanh, đã ngã xuống trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy năm 2010.

Không giấu nổi xúc động, anh Kiên nghẹn ngào kể: "Ngày đó, chúng tôi lập kế hoạch vây bắt cụ thể, thu hẹp vòng vây, không còn lối thoát, đối tượng đã rút súng bắn anh Vinh bị thương nặng và hy sinh trên đường đi cấp cứu". Giọng anh Kiên chùng xuống và đôi bàn tay rám nắng run lên khi thắp cho đồng đội nén hương tưởng nhớ. Chúng tôi đứng cạnh cũng không thể cầm lòng.

Là người trực tiếp chứng kiến đồng đội hy sinh ngay trong lúc làm nhiệm vụ, anh Kiên và những người đồng đội không ai bảo ai, cùng chung ý chí "biến đau thương thành hành động", truy bắt và phá án thành công. Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Vũ Quốc Ân, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng cho biết: Tân Thanh là một trong những địa bàn trọng điểm về buôn lậu, tội phạm và hành vi buôn lậu ngày càng tinh vi, thủ đoạn, phức tạp. Các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu qua biên giới, có chỗ chỉ mất năm đến bảy phút là được một chuyến. Trên địa bàn, đối tượng nghiện ma túy khá nhiều.

Để chống buôn bán và sử dụng ma túy, các cán bộ, chiến sĩ tăng cường tuần tra, phát hiện, bắt giữ, làm trong sạch địa bàn, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Với tinh thần luôn kiên quyết tiến công, truy quét tội phạm, từ năm 2010 đến nay, Đồn Biên phòng Tân Thanh đã phát hiện, bắt giữ 33 vụ, gồm 36 đối tượng mua bán, vận chuyển 13 kg heroin, 1.297 viên ma túy tổng hợp. Đồng thời, đơn vị phối hợp với địa phương cưỡng chế 34 đối tượng đi cai nghiện.

Dựa vào dân để xây dựng vùng biên giới vững mạnh toàn diện luôn là phương châm công tác của Bộ đội Biên phòng. Mỗi người dân trong các bản, làng luôn là "tai, mắt" giúp các anh đấu tranh với nạn buôn bán ma túy, từng bước đẩy lùi tình trạng nghiện ma túy. Mỗi năm, có hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tới nhà dân thăm hỏi, giúp dân xây nhà văn hóa, làm đường bê-tông, mở rộng đường vào bản và thu hoạch lúa mùa, chạy lũ... xây dựng niềm tin trong nhân dân.

Như những đứa con của bản

Chúng tôi cùng chiến sĩ Nông Văn Xuân về với bà con bản Thẩu, xã Tân Thanh. Lối đi men theo triền núi nay đã dễ đi hơn rất nhiều. Từng mét đường, hàng cây nơi đây đều có công của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh. Vừa vào tới sân nhà anh Hoàng Minh Tú, bị khiếm thị, đang dò dẫm bước từ nhà dưới lên nhà trên, nhưng anh đã nhận ra giọng nói của cán bộ Xuân, tươi cười tay bắt, mặt mừng.

Một ấm trà nóng quanh bếp lửa bập bùng, bộ đội Xuân và chủ nhà hỏi thăm sức khỏe, gia đình, chuyện nhà nào trong bản vừa mua được chiếc ti-vi, chuyện lúa mùa năm nay thắng to vì bà con đã áp dụng hình thức canh tác mới...

Chia sẻ với chúng tôi, bác Hoàng Minh Đại, bố anh Tú cho biết, bộ đội gần gũi với người dân, như những đứa con của bản vậy. Mọi chuyện vui buồn, lớn nhỏ của địa phương, Bộ đội Biên phòng đều có mặt.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã hỗ trợ, giúp dân bản Thẩu làm mới đường bê-tông với chiều dài hơn 600 m, xây dựng nâng cấp nhà văn hóa thôn, hướng dẫn người dân lao động sản xuất. Nhờ công sức của bộ đội, đến nay, bản Thẩu chỉ còn 4% số hộ nghèo, trong khi con số này năm 2008 là 20%. Bởi vậy, nhân dân trong bản đều xác định việc của bộ đội cũng là việc của dân.

Thiếu tá Vũ Quốc Ân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết, địa bàn đơn vị phụ trách có gần 20 đường mòn qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, số lượng người dân tạm trú có thời điểm lên đến gần sáu nghìn người cho nên công tác quản lý gặp không ít khó khăn. Chỉ huy đơn vị đã xây dựng kế hoạch rất chi tiết và tăng cường cán bộ bám địa bàn, thực hiện " bốn cùng" với dân. Từ đó có điều kiện để hiểu dân, làm tốt hơn công tác vận động nhân dân; đồng thời nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu với chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương giải quyết tốt các vấn đề phát sinh.

Cùng với đó, đơn vị đã giúp nhân dân trên địa bàn hơn 500 ngày công lao động, dọn vệ sinh môi trường; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí trị giá hơn 200 triệu đồng cho 2.000 lượt người; thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng...

Để phát huy vai trò người dân tham gia bảo vệ đường biên, Đảng ủy, chỉ huy đơn vị cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tốt phong trào "tự quản đường biên, cột mốc" đến từng hộ dân có ruộng nương, đồi rẫy tiếp giáp với đường biên. Cách làm đó giúp đồng bào có ý thức trách nhiệm hơn trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và tăng cường giao lưu, hợp tác giữa nhân dân hai bên biên giới. Vì thế, tình trạng xâm canh, xâm cư giảm đáng kể.

Chung sức với cán bộ chiến sĩ tham gia bảo vệ đường biên, người dân địa phương còn tích cực tham gia tuần tra biên giới, phòng, chống tội phạm các loại. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, thăm hỏi, tặng quà, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Tân Thanh với bà con các bản càng gắn bó, cùng nhau lao động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, vừa giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Những việc làm đó đã phản ánh kết quả thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Cuộc vận động "Phát huy truyền thống giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm" của Đồn Biên phòng Tân Thanh.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.