Theo hướng dẫn của một y tá, tôi xuống phòng đặt máy siêu âm. Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ, Trạm trưởng Trần Ðình Thông đang siêu âm ổ bụng cho một người bệnh, đọc rõ ràng các chỉ số để cô nhân viên ghi lại. Gần 15 phút sau, ông mới siêu âm xong và tư vấn cho người bệnh mắc bệnh xơ gan cổ trướng.
Xong việc, bác sĩ Trần Ðình Thông kể: Cách đây hơn bốn năm, được một số doanh nghiệp và nhà hảo tâm hỗ trợ, trạm y tế xã có máy siêu âm, kính hiển vi, bộ dụng cụ xét nghiệm, máy điện châm, túi đỡ đẻ sạch, gần đây có thêm máy X-quang. "Có được các thiết bị này, tôi ra Hà Nội, TP Vinh học cách sử dụng. Thế là người dân trong vùng đỡ phải vất vả đi xa, tốn kém..." - Bác sĩ cho biết thêm, bằng nguồn vốn xã hội hóa, trạm y tế đang xây tiếp khu nhà 600 m2 để trong năm nay có thêm phòng làm việc và phòng lưu điều trị người bệnh.
Diễn Vạn là xã ven biển bị chia cắt thành ba khu vực bởi sông Bùng, sông Vách Bắc và kênh Nhà Lê. Gần đây mới làm được cây cầu nhỏ, nhiều năm trước, việc đi lại của người dân phải dựa vào thuyền, bè rất khó khăn. Người dân ở đây chủ yếu sản xuất muối, chế biến hải sản với sản phẩm nước mắm Vạn Phần từng nổi tiếng vào những năm 50 của thế kỷ 20, song cái nghèo vẫn đeo bám, hiện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn 30%.
Trong hoàn cảnh khó khăn, nhà trạm sơ sài, đời sống người dân bữa đói, bữa no và dịch bệnh luôn luôn rình rập, Trưởng trạm y tế xã Trần Ðình Thông đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, duy trì thường xuyên phong trào "Sạch từ nhà ra ngõ",... Hơn mười năm trở lại đây, công tác tiêm chủng sáu bệnh truyền nhiễm ở trẻ em luôn đạt từ 98% đến 100% (không có trường hợp nào bị tai biến sau tiêm).
Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Diễn Châu, nhưng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Diễn Vạn đến nay chỉ còn 13%. Những năm giữa thập kỷ 80 và đầu 90 của thế kỷ 20, Diễn Vạn thường xảy ra các bệnh dịch tả, dịch sốt xuất huyết gây xôn xao dư luận trong vùng, nhưng nay đã được ngăn chặn, đẩy lùi.
Năm 1994, bác sĩ Trần Ðình Thông đề xuất vận động bà con trong xã đóng góp xây dựng Quỹ sự nghiệp y tế; đưa về các xóm, thôn thảo luận, thống nhất; tùy vào điều kiện kinh tế của các hộ gia đình mà quy định mức đóng góp từ một nghìn đồng đến năm nghìn đồng/người/năm. Có nguồn quỹ này, người dân trong xã mỗi khi ốm đau đến khám và điều trị tại trạm y tế không phải trả các khoản dịch vụ; theo đó tình hình sức khỏe của người dân trong làng, xã được quản lý tới hộ gia đình. Phương châm của trạm là cố gắng điều trị tại cơ sở, hạn chế mức thấp nhất việc chuyển lên tuyến trên, gây tốn kém cho người bệnh. Hằng năm, cán bộ nhân viên trạm y tế Diễn Vạn đã khám, chữa bệnh cho khoảng 10 nghìn lượt người. Trong đó điều trị bằng y học cổ truyền đạt 35% nhờ có vườn cây thuốc nam rộng 2.000 m2 với hơn 60 loại cây thuốc khác nhau.
Ông Tài ở xóm Vạn Ðồng cho biết: Trừ khi bệnh nặng, phức tạp phải đến khám ở bệnh viện lớn, còn lại bà con đều đến trạm y tế xã cho tiện lợi vì các thầy thuốc ở đây rất tận tình, chu đáo.
Hiểu được sự tận tâm, hết lòng vì sức khỏe người dân của các thầy thuốc Trạm y tế Diễn Vạn, năm năm trở lại đây, một số doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm trên địa bàn đã quyên góp, ủng hộ lắp đặt trang thiết bị, đầu tư xây dựng thêm công trình cho trạm y tế ngày một khang trang hơn.
Từ chỗ chỉ có một y tá làm việc nhờ trong ngôi đình làng, đến nay Trạm y tế xã Diễn Vạn có một khu nhà kiên cố bề thế, với hơn 20 phòng làm việc (trạm đang có kế hoạch nâng lên 20 giường lưu người bệnh); có phòng đặt trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh bảo đảm quy cách của ngành y tế.
Quá trình đi lên của trạm, gắn liền với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, song yếu tố quyết định là tập thể cán bộ, nhân viên của trạm luôn thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: Thầy thuốc phải như mẹ hiền. 20 năm qua, xã Diễn Vạn luôn là lá cờ đầu của mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Nghệ An. Trạm y tế xã nhiều năm liền được nhận cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động các loại và hơn bốn năm nay luôn giữ vững và không ngừng phát huy danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.