Xã Phú Lộc làm theo lời Bác

CAO TÂN

Thứ Tư, 24/04/2013 18:53
Trong sâu thẳm trái tim mỗi người dân Việt Nam, Bác Hồ luôn sống mãi. Học Bác từ những việc nhỏ nhất, nhiều người dân ở xã vùng sâu, vùng xa Phú Lộc, huyện miền núi Tân Phú (Ðồng Nai) đã thờ ảnh Bác trong nhà, ở nơi trang trọng nhất, để hằng ngày noi gương và làm theo Bác.

Dẫn chúng tôi đến nhà các hội viên Hội Phụ nữ xã trên con đường nhựa phẳng phiu vừa mới xây xong theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phú Lộc Ðặng Thị Kim Dung cho biết: "Kể từ khi xã triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong suy nghĩ và việc làm của mỗi người dân ở xã Phú Lộc đều cảm nhận sâu sắc rằng, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với cuộc sống đời thường vô cùng giản dị, thanh khiết của Người không chỉ là tấm gương sáng cho mọi người dân Phú Lộc học tập, mà còn thôi thúc họ cùng xây dựng quê hương giàu đẹp bằng những hành động thiết thực. Con đường nhựa này hình thành được là nhờ sự chung lòng, đoàn kết, nhất trí của bà con nơi đây. Các hộ dân không kể thành phần tôn giáo, dân tộc đều góp tiền, hiến đất để làm đường xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Ðảng và Nhà nước".

Chị cho biết thêm, toàn xã có 1.800 hộ dân, trong đó người Hoa chiếm khoảng 15%, đến nay có khoảng 70% số gia đình người Hoa rước ảnh Bác về thờ trong nhà ở nơi trang nghiêm nhất.

Cũng như nhiều hộ gia đình người Hoa khác, để học Bác, chị Nguyễn Thị Ánh ở ấp 7, xã Phú Lộc đã rước ảnh Bác về thờ ở nơi trang nghiêm nhất. Chị chia sẻ: "Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, một mình nuôi con tàn tật, nhưng hằng ngày nhìn ảnh Bác hiền từ trong căn nhà đơn sơ như động viên chị thắp lên niềm tin vượt qua sóng gió, chông chênh cuộc đời".

Chị tâm sự: "Việc thờ ảnh Bác xuất phát từ đáy lòng tôn kính Bác và học Bác từ việc tiết kiệm chi tiêu hằng ngày. Mỗi ngày mình dành vài nghìn đồng bỏ ống tiết kiệm theo chủ trương "góp gió thành bão" của Hội Phụ nữ xã. Cuối năm mọi người đập ống tiết kiệm để mua đồ dùng trong gia đình và hỗ trợ vốn cho các hội viên khó khăn làm ăn, tăng thêm thu nhập".

Cách nhà chị Ánh không xa, dù công việc vườn rẫy bận bịu, nhưng sáng nào chị Chướng A Bắc cũng thắp nhang trên bàn thờ Bác với sự tôn kính nhất. Sau khi thắp nén nhang thơm xong, chị bộc bạch: "Mình có được cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay là nhờ ơn Bác. Bác đã mang cuộc sống ấm no, hạnh phúc, độc lập cho chúng tôi nên ngày càng nhiều gia đình người Hoa ở xã mình tự nguyện xin chính quyền địa phương để rước ảnh Bác về thờ với sự trang nghiêm, thành kính nhất. Bác đã hy sinh cả cuộc đời để mang cuộc sống ấm no cho dân tộc hôm nay, bởi vậy, mình là người con đất Việt phải có trách nhiệm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu mạnh theo như tâm nguyện của Bác".

Trong căn nhà khang trang vừa mới xây xong, nhà giáo dân Nguyễn Thị Trúc Giang đặt ảnh Bác cùng với nơi tôn nghiêm thờ Chúa. Thờ Bác không chỉ bằng lời nói suông mà hằng ngày dù ít hay nhiều chị cũng bỏ tiền vào ống tiết kiệm để sau này góp quỹ giúp các hội viên phụ nữ khó khăn hơn. Theo chị: "Muốn làm một giáo dân tốt trước hết phải là một công dân tốt. Muốn làm một công dân tốt phải làm theo những điều Bác dạy".

Học theo đức tính tiết kiệm của Bác, đến nay, có gần 70% số hộ gia đình trong toàn xã "nuôi" heo đất. Và phấn đấu cuối năm 2013, có 80% số hộ dân trong toàn xã "nuôi" heo đất để lấy vốn giúp các hộ gia đình khó khăn trong xã.

Cùng với Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh xã Phú Lộc đi đầu trong việc thờ Bác và làm theo di huấn của Người. Những anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa học theo Bác trước hết là chăm lo lao động, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình mình, cũng là góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Một con số đáng phấn khởi là trong số 76 gia đình hội viên Hội Cựu chiến binh, hiện chỉ còn hai hộ nghèo.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Lộc, Nguyễn Thanh Sang cho biết: "100% số hội viên cựu chiến binh thờ ảnh Bác để hằng ngày học và làm theo Bác. Bác quá vĩ đại, chúng tôi chỉ học một phần nhỏ thôi, như tất cả hội viên đều bỏ ống tiết kiệm, nay đã được 62 triệu đồng, số tiền này để cho vay xoay vòng đối với những hộ hội viên cần tiền sản xuất nông nghiệp, nhất là tiếp tục cho hai hội viên nghèo vay vốn để đầu tư kỹ thuật khoa học, giúp họ thoát nghèo trong năm nay".

Những cách làm hay, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong việc học tập và làm theo gương Bác đã tạo nên những chuyển biến mạnh làm thay đổi nhận thức và hành động của mỗi cán bộ và nhân dân địa phương.

Phó bí thư Ðảng ủy xã Phú Lộc Tạ Trung Thật nói: "Kể từ khi phát động việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhân dân và chính quyền địa phương càng gắn bó, đoàn kết keo sơn. Tuy xã Phú Lộc còn nhiều khó khăn và không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới, nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất của nhân dân địa phương, đến nay đã có gần hai phần ba số tiêu chí xây dựng nông thôn mới hoàn thành, đây là tiền đề rất quan trọng để địa phương thực hiện thành công chủ trương xây dựng nông thôn mới trong thời gian sớm nhất".

Ông Thật cũng cho rằng: "Học Bác là học suốt cả đời, địa phương chú trọng đến chất lượng chứ không làm qua loa chạy theo số lượng. Và những hộ nào học, làm theo Bác bằng công việc cụ thể như nuôi heo đất chẳng hạn, địa phương mới đồng ý để rước ảnh Bác về thờ trong nhà. Bởi vậy, chúng tôi không đặt ra thời gian đến khi nào 100% số hộ dân trong xã rước ảnh Bác về thờ, mà chỉ đưa ra mục tiêu sẽ phấn đấu ngày càng có nhiều hộ dân thờ ảnh Bác".

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.