"Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn"

Đội ngũ cán bộ, viên chức Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch vinh dự được làm những công việc vô cùng thiêng liêng, đó là bảo tồn và phát huy các giá trị to lớn của những hiện vật, tư liệu gắn liền với 15 năm cuối đời của Bác Hồ kính yêu. Với tình thương yêu Bác vô bờ bến, mỗi cán bộ, nhân viên Khu di tích luôn tâm niệm học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác; làm việc hết mình, giữ gìn nguyên vẹn các di tích để đón đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế đến với Bác, hiểu sâu hơn công lao trời biển của Người đối với dân tộc ta.
Nhà sàn - nơi Bác Hồ làm việc từ ngày 17/5/1958 đến cuối đời.
Nhà sàn - nơi Bác Hồ làm việc từ ngày 17/5/1958 đến cuối đời.

Ngay sau khi Bác Hồ qua đời, một quần thể di tích lịch sử-văn hóa-danh nhân được hình thành trong khu vực Phủ Chủ tịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Suốt 45 năm qua, tập thể cán bộ, viên chức và người lao động Khu di tích đã chung sức sáng tạo, kết hợp bảo quản thông thường với từng bước áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào công tác bảo quản các di tích, tài liệu, hiện vật và môi trường cảnh quan di tích.

Với lòng kính yêu và thương Bác khôn nguôi, cán bộ Khu di tích đã miệt mài làm việc, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần vô giá của những hiện vật, tài liệu trong Khu di tích; tham gia nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức hoặc phối hợp tổ chức hàng chục hội thảo, tọa đàm khoa học; xuất bản nhiều đầu sách, ảnh, bưu ảnh bằng cả tiếng Việt và các ngôn ngữ quốc tế thông dụng khác để giới thiệu với nhân dân ta và bạn bè thế giới hiểu thêm về danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh.

Những năm qua, Khu di tích đã trở thành nơi hội tụ, lắng đọng tình cảm và tấm lòng của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đến với Bác Hồ. Nhiều buổi sinh hoạt truyền thống, giao lưu giữa các thế hệ cách mạng, lễ báo công, kết nạp đảng viên; phát động, sơ kết, tổng kết việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ; khen thưởng đội viên, đoàn viên; triển lãm thành tích học tập và lao động của học sinh, sinh viên được tổ chức tại Khu di tích mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc như giàn hoa Phủ Chủ tịch, dọc đường xoài, dưới nhà sàn, trước nhà Bác mất. Các cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Bác Hồ, thi hướng dẫn viên du lịch giỏi, bình chọn vịnh Hạ Long được tổ chức tại Khu di tích và đạt kết quả tốt.

Để học tập và làm theo Bác, Khu di tích đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt giới thiệu những câu chuyện kể, thông qua từng hiện vật, về những việc làm cụ thể của Bác, để mọi người suy ngẫm và làm theo, như việc không dùng lò sưởi, quạt điện, điều hòa; câu chuyện Bác nhịn ăn, nấu cháo bằng cơm nguội, phong bì dùng lại của người gửi, tránh chúc thọ, nhận huân chương, làm nhà lưu niệm,...

Mỗi người nguyện cố gắng học thật tốt, quyết tâm làm theo Bác, hằng ngày, hằng giờ, trong mỗi công việc và tự hỏi mình đã làm đúng như Bác căn dặn hay chưa; tự soi mình vào tấm gương đạo đức của Bác. Học và làm theo Bác để tư tưởng, tâm hồn trong sáng hơn, hành vi tốt đẹp hơn, không ngừng hoàn thiện bản thân mình.

Là Khu di tích quốc gia đặc biệt có tính đặc thù riêng, do vậy công tác bảo tồn được thực hiện trong điều kiện là một kho mở hoàn toàn, vừa làm công tác bảo quản, giữ gìn, vừa phát huy tác dụng các tài liệu, hiện vật phục vụ khách tham quan. Để đáp ứng yêu cầu ấy, mỗi cán bộ, viên chức Khu di tích không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên rèn luyện, học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác qua từng việc nhỏ.

Mỗi khi tiếp cận một hiện vật, tư liệu gốc từ chiếc bàn, ghế nơi Bác ngồi làm việc đến chiếc giường nhỏ đơn sơ, chiếc quạt lá cọ..., cán bộ, viên chức Khu di tích lại rưng rưng nhớ Bác khôn nguôi. 45 năm qua, Khu di tích đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, giữ gìn an toàn tuyệt đối, lâu dài di sản mà Bác Hồ để lại. Các thế hệ cán bộ Khu di tích, trong mọi điều kiện, luôn phấn đấu hết mình, tận tụy với công việc, mở cửa phục vụ đón khách 365 ngày trong năm.

Từ năm 1970 đến nay, Khu Di tích đã phục vụ và đón tiếp 60 triệu lượt khách đến thăm, trong đó có khách của hơn 160 quốc gia và hàng trăm tổ chức quốc tế, trung bình mỗi ngày có từ 5.000 đến 8.000 người vào tham quan, tìm hiểu về Bác. Ghi nhận những kết quả đó, Khu di tích vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động...

Với tình cảm kính yêu Bác Hồ, nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Người, Khu di tích đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học 45 năm bảo tồn, phát huy các giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng bộ tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề, ôn lại và khắc ghi sâu hơn những lời Bác căn dặn trong Di chúc, đoàn kết một lòng, bảo quản, giữ gìn dài lâu, nguyên vẹn và phát huy giá trị một di tích đặc biệt về Bác Hồ.

NGUYỄN VĂN CÔNG

Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Tin liên quan

Tạo động lực phát triển từ thiết thực làm theo Bác

Tạo động lực phát triển từ thiết thực làm theo Bác

Chọn những vấn đề trọng tâm, đột phá của đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện là cách làm thiết thực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở tỉnh Ninh Bình. Hiệu quả từ chọn trúng, đúng vấn đề đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ tận tụy, trách nhiệm, tạo môi trường khích lệ thực hành đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị vĩnh hằng của Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị vĩnh hằng của Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - câu nói bất hủ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên trên làn sóng phát thanh từ Thủ đô Hà Nội vào tháng 7/1966, trong thời điểm miền bắc đang gồng mình trước bom đạn chiến tranh, còn miền nam chìm trong máu lửa. Đây không chỉ là khẩu hiệu kháng chiến, mà là tuyên ngôn bất diệt về quyền sống và khát vọng làm người của một dân tộc từng trải qua hàng nghìn năm mất nước, chia cắt và hy sinh.
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt trong âm nhạc. Hình ảnh Bác Hồ vẫn sống động và lan tỏa trong sáng tác của thế hệ nhạc sĩ trẻ với những cảm quan nghệ thuật hiện đại; góp phần gìn giữ, tôn vinh những giá trị đạo đức, tư tưởng và phong cách của Người.