
Ngay cả khi dịch cúm A (H1N1) bùng phát, chị đã tự nguyện làm thêm giờ, bỏ cả ngày nghỉ trực để góp sức cùng anh em đồng nghiệp triển khai thêm phòng khám, bảo đảm cho mọi người bệnh được cứu chữa kịp thời. Theo gương chị, những đồng nghiệp khác đều dốc sức cho công việc chung, đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu để thực hiện công tác chuyên môn sao cho hiệu quả nhất.
Là một thầy thuốc hết lòng yêu nghề, hằng ngày, ngoài việc rèn luyện nâng cao y đức theo lời Bác dạy "Lương y như từ mẫu", chị Thanh còn không ngừng học tập và tham gia nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2007, chị bắt tay vào thực hiện đề tài "Nhận xét tình hình ngộ độc phốt-pho hữu cơ tại Bệnh viện Ða khoa Krông Búc". Với việc thực hiện công trình này, chị đã tìm ra cách điều trị kết hợp Atropin với PAM và hồi sức tích cực sẽ cải thiện tình hình tử vong ở bệnh nhân ngộ độc phốt-pho hữu cơ nặng độ IV. Qua đó tạo cho đội ngũ bác sĩ trong khoa tự tin hơn khi tiếp nhận và điều trị cho người bệnh, không còn phải chuyển người bệnh lên tuyến trên thường xuyên như trước.
Thành công của đề tài này là cơ sở để chị tiếp tục những đề tài khác. Trong hai năm 2008-2009, chị thực hiện thêm hai đề tài "Nhận xét tình hình điều trị tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Ða khoa Krông Búc trong năm năm 2003-2007" và "Khảo sát tình hình nhiễm trùng sơ sinh được điều trị tại Bệnh viện Ða khoa Krông Búc trong năm năm 2004-2008". Tuy việc thực hiện những công trình nghiên cứu này xuất phát từ ý tưởng của cá nhân bác sĩ Thanh, song chúng lại có ý nghĩa rất lớn đối với công tác chuyên môn ở bệnh viện. Ðó là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, từng bước đáp ứng nhu cầu được chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn.
Có lẽ, hiểu được việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn không chỉ có ích cho mình mà còn đóng góp vào lợi ích chung của tập thể nên dù rất bận rộn với công việc chuyên môn, với gia đình nhưng chị vẫn nung nấu, ấp ủ những đề tài mới. Thổ lộ với chúng tôi, chị cho biết: Năm 2010, tôi sẽ thực hiện thêm đề tài "Nhận xét tình hình phẫu thuật đục thủy tinh thể tại Bệnh viện Ða khoa Buôn Hồ trong hai năm 2008-2009". Với đề tài này, tôi hy vọng sẽ tìm ra những giải pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân phẫu thuật đục thủy tinh thể trên địa bàn.
Chính việc luôn luôn gương mẫu đi đầu trong công việc cùng nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ mà bác sĩ Nguyễn Thị Thanh đã tạo sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động không chỉ của cán bộ, y sĩ, bác sĩ Khoa Khám cấp cứu mà còn là cả tập thể cán bộ, viên chức Bệnh viện Ða khoa Buôn Hồ.