Ðề cao sự gương mẫu và nhân rộng các điển hình tiên tiến

HẢI ÐƯỜNG

Thứ Năm, 23/07/2009 02:28

Gương mẫu trước hết từ Ban Chỉ đạo

Trong Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Tỉnh ủy Vĩnh Phúc quy định cụ thể về: chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, quan hệ và chế độ làm việc; công tác kiểm tra, giám sát; chế độ hội họp và báo cáo. Một yêu cầu xuyên suốt các quy định đó là sự gương mẫu, trách nhiệm cao, sáng tạo trong công tác của các thành viên Ban Chỉ đạo. Quy chế quy định rõ: Thường trực Ban Chỉ đạo mỗi tháng họp một lần vào ngày thứ sáu, tuần đầu trong tháng; ba tháng họp một lần đánh giá kết quả, bàn phương hướng chỉ đạo. Mỗi thành viên đều phải báo cáo kịp thời, nghiêm túc tình hình các đơn vị được phân công phụ trách về Thường trực Ban chỉ đạo trước ngày 29 hằng tháng.

Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Ðức Tẩm, lưu ý rằng "nói mà không làm", phải coi là một khuyết điểm lớn, nhưng lại rất khó xử lý. Ban Chỉ đạo mà không thực hiện nghiêm túc công việc được giao, không thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị được phân công phụ trách thì đã mắc khuyết điểm "nói mà không làm". Vì vậy, sự gương mẫu thể hiện trước hết là: nói đi đôi với làm.

Trọng tâm chỉ đạo của Vĩnh Phúc trong sáu tháng cuối năm là làm theo gương Bác, nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ðể thực hiện chỉ đạo này, các ban, ngành trong tỉnh, các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp nhiệm vụ của đơn vị, gắn với những lời dạy của Bác. Công an tỉnh cụ thể hóa Sáu điều Bác Hồ dạy, thực hiện "năm xây về đạo đức, lối sống; bốn chống về suy thoái". Ngành Giáo dục và Ðào tạo có phong trào: "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng mô hình và phát động phong trào ghi sổ vàng: "Nhật ký làm theo lời Bác". Ðã có hơn 5.000 cuốn nhật ký, trong đó 2.072 cuốn sổ vàng xuất sắc được biểu dương ở các cơ sở đoàn. Hội Cựu chiến binh tỉnh sôi nổi phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu", với "bảy nhiệm vụ, năm chuyên đề" cụ thể. Hội đã lựa chọn 68 gương điển hình tiên tiến in trong cuốn sách Gương sáng Cựu chiến binh Vĩnh Phúc...

Nhận xét về những phong trào, những việc làm cụ thể làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo ở các tổ chức cơ sở đảng đều cho rằng, sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Ban chỉ đạo các cấp đã chống được tình trạng "đánh trống bỏ dùi". Và hơn bao giờ hết, cấp trên muốn chỉ đạo được cấp dưới thì phải làm thật tốt ở cấp mình, luôn luôn gương mẫu, nói ít làm nhiều.

Gương sáng cùng soi

Một tấm gương tốt, một việc làm tốt có sức thuyết phục hơn nhiều những lời nói suông. Tấm gương ấy không phải "đi tìm" mà có được. Các điển hình tiên tiến luôn bên cạnh, luôn đồng hành cùng mọi người, nhiều khi chỉ là những chuyện bình dị trong cuộc sống hằng ngày. Ðó là những ý kiến tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo Vĩnh Phúc. Nhưng, cùng với biểu dương, khen thưởng phải coi trọng nhân rộng điển hình.

Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn nói: "Trọng tâm của phong trào làm theo tấm gương Bác của thanh niên Vĩnh Phúc là: Học tập gắn liền với làm theo. Về học tập, chúng tôi có phong trào thanh niên ghi "Nhật ký làm theo lời Bác". Về làm theo, có phong trào: "Kể chuyện về những tấm gương tuổi trẻ làm theo lời Bác". Những phong trào này luôn xuất phát từ cuộc sống, không "bay lơ lửng" (chung chung, hình thức). Những tấm gương phải cụ thể, càng cụ thể càng dễ học tập càng tốt".

Chúng tôi đã đọc kỹ cuốn sách Tuổi trẻ Vĩnh Phúc học tập và làm theo lời Bác vừa được xuất bản. Cuốn sách giới thiệu 32 gương đoàn viên, thanh niên tiêu biểu và một số mô hình hoạt động tiêu biểu của các tổ chức đoàn thanh niên.

Ðó là Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Huy Việt, 30 tuổi, quê ở xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường. Việt quê cùng xã với Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Xuân, với lời hô đanh thép: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn".

Việt nói: Lạc hậu, đói nghèo cũng là thứ giặc, như Bác Hồ đã nói. Lớp trẻ phải phấn đấu để chiến thắng thứ giặc này. Ðó là Thạc sĩ Nguyễn Văn Quân, cán bộ Trung tâm giống cây trồng Vĩnh Phúc. Anh là tác giả của nhiều đề tài khoa học, nghiên cứu đưa vào sản xuất thành công các giống lạc L14, đậu tương DT96, giống lúa chất lượng cao HT1... trên đồng đất Vĩnh Phúc.

Ðó là Lê Hồng Phong ở xã Thanh Trù, TP Vĩnh Yên, người thanh niên đã vinh dự nhận Giải thưởng Lương Ðịnh Của năm 2007. Từ một người đi đóng than tổ ong thuê ở Hà Nội, Phong trở về quê, tham gia công tác đoàn. Rồi anh xung phong nhận làm chủ dự án trồng nấm. Từ 40 m2 lán trại ban đầu, nay Phong đã có tám lán trại, với 1.600 m2. Thu nhập hằng năm của gia đình anh được hơn 100 triệu đồng. Hỏi về bí quyết thành công, Phong nói: Nghĩ đến lời Bác, mình thêm quyết tâm, bền chí "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...".

Còn rất nhiều tấm gương khác ở trong các lực lượng quân đội, công an, cựu chiến binh, phụ nữ ... Những tấm gương tiêu biểu, những phong trào thi đua thật sự là những luồng gió mới trong cuộc sống hôm nay của người dân Vĩnh Phúc.

Từ "điểm" nhân ra "diện"

Khi tổ chức cho các đơn vị làm điểm, tỉnh Vĩnh Phúc đã chọn các đơn vị ở ba mức: mạnh, trung bình và yếu. Ban Chỉ đạo cũng tập trung chỉ đạo đối với các ngành thường xuyên tác động trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân, như: công an, y tế, giáo dục...

Cụ thể, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chọn Ðảng bộ TP Vĩnh Yên, Ðảng bộ thị xã Phúc Yên, Ðảng bộ Sở Kế hoạch và Ðầu tư làm những đơn vị chỉ đạo điểm. Một thành công chung là, các đơn vị đều có chuyển biến rõ nét, phát huy được điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Kinh nghiệm chung của các đơn vị làm điểm là, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị qua kết quả phát triển kinh tế - xã hội, qua đời sống người dân; thường xuyên liên hệ chặt chẽ, đối thoại với dân.

Ở xã Hợp Châu, huyện Tam Ðảo, một xã yếu, nay vươn lên khá đã tổ chức tốt việc đối thoại giữa người dân với chính quyền địa phương, người dân với công an. Công an tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức cho cán bộ chủ chốt đối thoại giám đốc. Những băn khoăn, thắc mắc qua đây đều được giải đáp công khai, minh bạch. Và thông qua các cuộc đối thoại, lãnh đạo Công an tỉnh đã nắm vững tình hình tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, kịp thời bổ sung, thay thế một số quy định cho phù hợp tình hình mới. Công an các huyện tổ chức diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến nhân dân", tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân.

Vấn đề quan trọng là các "điểm" phải được nhân rộng, từ cách làm, kinh nghiệm tới phong trào chung. Có như vậy Cuộc vận động mới đi vào thực chất, có sức sống lâu bền. Thí dụ, từ kinh nghiệm của xã Vĩnh Tường, Yên Lạc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới xin, việc tang, đã nhân rộng ra toàn huyện và toàn tỉnh. Các thôn, làng quy định rõ trong hương ước những điều khoản rất cụ thể nhằm tiết kiệm về thời gian, vật chất, chống mê tín, dị đoan.

Từ kinh nghiệm qua các đơn vị làm điểm, Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã cụ thể hóa việc đăng ký, phấn đấu của cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh, với bảy nội dung chủ yếu là: "Phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; trách nhiệm cao trước công việc được giao; đặt lợi ích của tập thể lên trên hết; trọng dân, gần dân, trách nhiệm với dân; tham gia tích cực hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư nơi sinh sống; thẳng thắn, trung thực trong đấu tranh tự phê bình, phê bình; kiên quyết chống cục bộ, bè phái, chống tham nhũng, lãng phí".

Tổ chức học tập nghiêm túc, tuyên truyền sâu rộng, chỉ đạo chặt chẽ, có nhiều tấm gương tiêu biểu, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân - đó là những đánh giá khái quát nhất trong việc thực hiện Cuộc vận động lớn ở Vĩnh Phúc. Ðương nhiên, những hạn chế, thiếu sót cần tập trung khắc phục đã được Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động chỉ rõ: Việc nhân rộng điển hình triển khai còn chậm, hiệu quả chưa cao. Ý thức tự giác làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa cao. Các nhiệm vụ, mục tiêu Cuộc vận động chưa gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của một số địa phương, đơn vị, v.v.

Thấy rõ và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót để khắc phục chính là một giải pháp để Cuộc vận động lớn thành công hơn ở chặng đường tiếp theo.

Tin liên quan

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ miền nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Mấy ngày qua, nhiều đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân ở các xã, thị trấn trong và ngoài huyện Vĩnh Lợi đến viếng, thắp hương, báo công với Bác Hồ tại Đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy kết quả đạt được của các giai đoạn trước.
 Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Mùa Xuân Tân Sửu 1961, Bác Hồ có Thơ mừng năm mới gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, trong đó Người viết: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Đó là mùa xuân đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội III (tháng 9/1960) của Đảng, đẩy mạnh cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc vì cuộc sống ấm no, sung sướng, hạnh phúc của nhân dân.