Ðể đạo đức Hồ Chí Minh thấm sâu vào nhận thức mỗi người

Trong sự phát triển nhân cách, các giá trị đạo đức luôn luôn có khả năng thấm sâu vào bản chất của mỗi người, giúp mỗi người trở thành một nhân cách văn hóa. Vì thế từ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần phải khẳng định rằng chính Người đã trở thành một tấm gương đạo đức cao quý và tiêu biểu, sinh động và trong sáng mà toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta cần học tập và noi theo. Có như vậy, chúng ta mới có thể khơi dậy, phát huy được toàn bộ sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của toàn dân tộc nhằm đạt tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Từ sự lan tỏa, sự xâm nhập và vai trò định hướng của đạo đức với hành động của con người, mà trong sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức, gắn vấn đề đạo đức với thực tiễn cách mạng Việt Nam để có thể vừa tiếp thu tinh hoa của đạo đức truyền thống, vừa tiếp nhận các giá trị đạo đức tiến bộ của loài người, vừa vận dụng sáng tạo các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về đạo đức vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, từ đó xác lập hệ thống giá trị đạo đức mới được Người định danh là "đạo đức cách mạng" và Người khẳng định: "Ðạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Ðảng, của dân tộc, của loài người" (2).

Sự ra đời và khẳng định khái niệm đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết quả của phương pháp tư duy biện chứng để giải quyết vấn đề đạo đức của chủ nghĩa xã hội trong tính liên tục của nó. Hơn thế nữa, cần khẳng định rằng, với quan điểm về đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một bước đi rất quan trọng trong hoạt động lý luận và thực tiễn đạo đức, bởi quan niệm đạo đức của Người chứa đựng trong đó những nội dung khoa học và cách mạng sâu sắc, triệt để.

Một trong các vấn đề lý luận-thực tiễn có ý nghĩa then chốt được Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm và đưa ra ý kiến chỉ đạo thiết thực là vấn đề đạo đức của người cách mạng. Không những thế, Người còn trực tiếp xác lập các tiêu chí đạo đức cơ bản mà người cách mạng cần phải quán triệt và thực hiện, rồi chính Người thực hành các tiêu chí ấy trong quá trình sống và hành động vì cách mạng, vì nhân dân, vì dân tộc của mình.

Coi tu dưỡng đạo đức là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất để xây dựng, hình thành nhân cách của người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"(3), "Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang" (4) và Người nhấn mạnh: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh" (5)...

Từ những ý tưởng có tính chất chấm phá đến việc hệ thống hóa thành các tiêu chí, năm 1958 trong bài viết Ðạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: "Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Ðảng, cho cách mạng. Ðó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Ðảng, giữ vững kỷ luật của Ðảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Ðảng. Ðặt lợi ích của Ðảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Ðảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ" (6).

Khi nhấn mạnh vai trò của đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của quá trình tự rèn luyện đạo đức trong thực tế cách mạng, biến điều đó thành một quá trình rèn luyện nghiêm túc, hiệu quả và không thỏa mãn với những hoạt động, những phong trào mang tính hình thức, và không dừng lại ở những khẩu hiệu chung chung.

Ðạo đức cách mạng là điểm sáng của đạo đức xã hội, vì vậy cần phải làm cho "điểm sáng" ấy ngày càng được nhân rộng, phổ biến, trở thành bản chất đạo đức của toàn xã hội mới là "cái đích" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn hướng tới. Từ phương diện đạo đức, chúng ta chỉ có thể xây dựng một xã hội tiến bộ và phát triển bằng những con người tiến bộ và phát triển, nói cách khác, là phải làm cho đạo đức cách mạng trở thành mẫu số chung của đạo đức xã hội, trở thành nền tảng quyết định tính tiên tiến và lành mạnh của đạo đức toàn dân.

Trong khi đó, xã hội là một kết cấu hết sức phức tạp và đa dạng, gắn liền với lợi ích của các giai cấp, các thành phần kinh tế khác nhau, các tập quán văn hóa và trình độ tầng lớp, rộng hơn là còn gắn với các đặc điểm lớp tuổi, nghề nghiệp khác nhau... Như vậy, các tiêu chí của đạo đức cách mạng cần thiết phải thích ứng với sự phức tạp, đa dạng của kết cấu xã hội để qua đó hình thành một định hướng chung.

Nhận thức được tính tất yếu của sự phát triển đạo đức mới trong toàn bộ xã hội, bên cạnh việc tập trung xác lập các tiêu chí đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chú ý xác lập các tiêu chí mang ý nghĩa "phái sinh" của đạo đức cách mạng trong các lớp tuổi, các tầng lớp và thành phần xã hội. Vì thế, từ công nhân, nông dân, trí thức, bộ đội, công an,... tới phụ nữ, thanh niên, các tín đồ tôn giáo, người cao tuổi, các cháu thiếu nhi... đều được Người xác định những yêu cầu riêng và cụ thể về tu dưỡng đạo đức, phù hợp với từng đối tượng, dựa trên cơ sở của cái chung là đạo đức cách mạng.

Trong lịch sử của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, một trong các nguyên nhân lý giải tại sao chúng ta đã có thể đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác để giành lại độc lập dân tộc và đang tiến hành sự nghiệp đổi mới với nhiều thành tựu không thể phủ nhận... có vai trò quan trọng của quan điểm và hành vi đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ðảng ta đã dày công vun đắp, xây dựng.

Phải nói rằng, tinh thần của lý tưởng và đạo đức cách mạng đã tạo nên động lực giúp hàng triệu người con ưu tú của dân tộc hiến dâng cả tính mạng vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngày nay, bối cảnh mới của tiến trình cách mạng cũng đang đặt ra các yêu cầu đạo đức mới mà Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Bộ Chính trị phát động trong toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân chính là sự đáp ứng các yêu cầu đó.

Ðây là một chủ trương lớn của Ðảng nhằm tạo ra sự chuyển biến cơ bản về tư tưởng, về ý thức từ mỗi cán bộ, đảng viên tới toàn thể nhân dân nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị về đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và một bộ phận của xã hội.

Trong hoàn cảnh mà các thách thức về đạo đức thể hiện qua sự sa ngã trước những cám dỗ vật chất, lối sống thực dụng, đang có nguy cơ trở nên trầm trọng thì đợt sinh hoạt chính trị này đòi hỏi ở mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân một ý thức tự giác, một nỗ lực không ngừng nghỉ để từng bước tạo nên nếp nghĩ, nếp sống mới, lành mạnh trong mỗi người và toàn xã hội. Ðể đạo đức cách mạng tiếp tục thấm sâu vào phẩm chất con người, vào đời sống tinh thần của xã hội, từ đó chi phối mọi hành vi của con người trong khi đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta nhất thiết phải tiến hành một quá trình hành động hiệu quả nhằm hiện thực hóa các tiêu chí của đạo đức cách mạng vào cuộc sống.

Với ý nghĩa đó và như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Ðạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong" (7). Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cần phải được tiến hành lâu dài, thường xuyên, liên tục, như thế chúng ta mới có thể tiếp tục phấn đấu đạt tới mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". 

Nguyễn Hòa

------------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H. 1996, tập 9, tr.296 

2. Sđd, tập 5, tr.252.

3. Sđd, tập 5, tr.252

4. Sđd, tập 9, tr.283.

5. Sđd, tập 4, tr.56 - 57.

6. Sđd, tập 9, tr.285.

7. Sđd, tập 9, tr.293.

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.