Dù bận rộn với công việc quản lý, nhưng Giám đốc Bệnh viện Ða khoa Vân Ðình bác sĩ Nguyễn Văn Chương vẫn thường xuyên đến các khoa, phòng để thăm bệnh nhân, xem xét công việc của các y, bác sĩ. Ði cùng anh, chúng tôi cảm nhận rõ tinh thần làm việc tận tụy của các thầy thuốc và nhân viên y tế ở đây.
"Ở xa thành phố, việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ và đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại thật không dễ, nhưng suốt nhiều năm qua, với sự nỗ lực của tập thể thầy thuốc, cán bộ, nhân viên bệnh viện, chúng tôi đã đáp ứng cả hai đòi hỏi ấy. Lời dạy của Bác về y đức luôn thường trực trong suy nghĩ, hành động của mỗi người thầy thuốc; từ đó chăm sóc người bệnh bằng sự tận tụy, thái độ ứng xử văn hóa, đúng mực", Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Văn Chương bộc bạch.
Ngày Bác về thăm, Bệnh xá Vân Ðình chỉ có 19 cán bộ, 20 giường bệnh; đến nay đã là một bệnh viện đa khoa với hơn 300 cán bộ, viên chức; quy mô gần 300 giường bệnh.
Không chỉ làm nhiệm vụ cấp cứu, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân khu vực phía nam TP Hà Nội, Bệnh viện còn được giao chỉ đạo tuyến đối với Trung tâm y tế Ứng Hòa, các bệnh viện huyện Mỹ Ðức, Phú Xuyên và là cơ sở đào tạo của các Trường cao đẳng Y Hà Ðông, Trung cấp kỹ thuật Y - Dược Hà Nội.
Ðể có chuyên môn vững, bệnh viện hợp tác hiệu quả với một số bệnh viện tuyến trên thực hiện được nhiều kỹ thuật cao, trong đó có kỹ thuật thay thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco - phương pháp hiện đại nhất hiện nay.
Bác sĩ Nghiêm Xuân Khương, một trong năm bác sĩ trẻ của Khoa Hồi sức cấp cứu cho biết: Bình quân mỗi tháng, khoa tiếp nhận khoảng 100 ca cấp cứu. Nhiều đêm chúng tôi thức trắng để cứu chữa bệnh nhân với tinh thần "còn nước còn tát", hết lòng với người bệnh. Nhiều trường hợp bệnh nặng và phức tạp, như bệnh nhân Ngô Văn Ðề ở thị trấn Vân Ðình đến viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn; Nguyễn Văn Tâm ở huyện Mỹ Ðức bị nhồi máu não, hôn mê sâu, đã được cấp cứu, điều trị tích cực và sớm phục hồi, không phải chuyển lên tuyến trên.
Ðể xây dựng đội ngũ cán bộ thầy thuốc có phẩm chất đạo đức tốt và trình độ chuyên môn vững vàng, luôn nêu cao lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm với người bệnh, những năm trước đây, Bệnh viện Ða khoa Vân Ðình thực hiện phương châm "ba ấm cúng, ba nhẹ nhàng" trong chăm sóc người bệnh. Quy định về y đức, Quy chế về giao tiếp ứng xử trong cơ quan do Bộ Y tế ban hành được bệnh viện triển khai với những yêu cầu cụ thể.
Thí dụ, khi bệnh nhân đến viện, nhân viên y tế ra tận nơi đón; với những người bệnh tâm thần, người bị tai nạn, người vãng lai gặp nạn, bệnh viện lo xong xuôi rồi mới gọi chính quyền đến giải quyết thủ tục... Nhiều trường hợp tưởng không còn hy vọng, vẫn được các thầy thuốc ở đây tận tình cứu chữa, như trường hợp bà cụ Chắt ở thị trấn Vân Ðình bị bệnh hiểm nghèo, bệnh viện tuyến trên trả về, bệnh viện đã tiếp nhận, chăm sóc, cho thở máy nhiều tháng.
Ông Ðỗ Ngọc Quý, xã Tảo Dương Văn, điều trị tự nguyện ở khoa Nội nói với chúng tôi: "Ở đây, tôi rất yên tâm vì thái độ của các y, bác sĩ lúc nào cũng cởi mở, chăm sóc tận tình, chu đáo lắm...".
Có rất nhiều câu chuyện cảm động về sự hy sinh thầm lặng, y đức sáng trong của các thầy thuốc ở đây. Mấy năm trước, khi còn là Trưởng khoa Nội, bác sĩ Nguyễn Văn Chương gặp một trường hợp đặc biệt, đó là bệnh nhân hơn 70 tuổi ở xã Phương Tú bị bệnh phổi mãn tính, phải cấp cứu trong tình trạng sốc nặng, người tím ngắt. Gia đình khẩn khoản xin được đưa bệnh nhân về nhà để chết, vì... thầy bói "phán" rồi, không qua được đâu... Bác sĩ Chương đề nghị được trực tiếp cứu chữa bệnh nhân. Sáng hôm sau, bệnh nhân tỉnh lại, sau nhiều ngày điều trị đã được ra viện.
Gợi lại chuyện cũ, Giám đốc Nguyễn Văn Chương tâm sự: Nghề thầy thuốc của chúng tôi là nghề cứu người, chữa bệnh bằng cái tâm sáng thì để lại tiếng thơm, còn vòi vĩnh người bệnh khi họ đang bị đau đớn - sao đành, nhất là ở một bệnh viện vinh dự được Bác Hồ đến thăm và đặt tên.
Giám đốc Nguyễn Văn Chương bồi hồi nhớ lại, cách đây năm năm, vùng chiêm trũng Ứng Hòa xảy ra dịch tiêu chảy cấp rất nghiêm trọng. Vùng dịch lớn, Khoa Truyền nhiễm khi đó chỉ có hai bác sĩ trực, chăm lo cho 80 bệnh nhân mỗi ngày (riêng xã Ðồng Tiến có gần 100 người bị tụt huyết áp). Cả khoa không còn một chỗ trống, giường nào cũng nêm chật người. Nhiều bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn, không có tiền ăn, bác sĩ trực của Khoa đưa tiền cho người nhà mua phở cho bệnh nhân ăn, còn mình thì ăn bánh mì cho qua bữa. Tiền trực cả ngày lẫn đêm khi đó vẻn vẹn 25 nghìn đồng. Nếu thầy thuốc không có tâm, đức thì chắc khó có thể chịu được.
Thầy thuốc phải như người mẹ hiền - lời Bác dạy luôn được các thế hệ cán bộ, thầy thuốc, nhân viên Bệnh viện Ða khoa Vân Ðình ghi nhớ và "làm theo" bằng những việc cụ thể như thế. Thông qua nhiều phong trào thi đua thiết thực từ các khoa, phòng, các đoàn thể, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn đơn vị.
50 năm qua, lời Bác dạy như nguồn lực tinh thần vô giá, để mỗi khi gặp việc khó, thì hình ảnh và những lời Bác dạy lại hiện lên trong tâm trí, như nhắc nhở thầy thuốc tận tụy phấn đấu và cống hiến, giữ vững danh hiệu Ðơn vị Anh hùng, địa chỉ tin cậy của y đức, mãi xứng với mong muốn của Bác kính yêu.