Tháng 9 năm ngoái, Mặt trận Liên - Việt định ra 10 điều ghi nhớ của hội viên Liên - Việt, để toàn dân noi theo.
Tháng 5 vừa rồi, Hội nghị Ủy ban Liên - Việt toàn quốc lần thứ 3 bổ sung cho 10 điều ấy được đầy đủ hơn.
Trong 10 điều ấy, điều 1 đến điều 4 đều cùng một ý nghĩa liên quan với nhau. Tức là: Thật thà đoàn kết, ra sức thực hiện những chủ trương và chính sách của Chính phủ và Mặt trận. Trung với Tổ quốc, hiếu với nhân dân. Phải kiên quyết kháng chiến để tiêu diệt giặc Pháp, bọn can thiệp Mỹ và lũ chó săn của chúng là Việt gian bù nhìn, để tranh lại độc lập thực sự cho Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho đồng bào.
Điều 5 và điều 6 cùng một ý nghĩa. Tức là: Ủng hộ bộ đội đánh giặc giữ nước, và giữ bí mật.
Giữ bí mật là một điều rất cần thiết trong việc ủng hộ bộ đội. Trong chiến tranh, "biết ta, biết địch thì trăm trận đều thắng". Trái lại, nếu ta sơ hở, không biết giữ bí mật, để cho địch biết cơ quan của ta, bộ đội của ta, hành động của ta, thì chúng sẽ tìm cách đối phó, khiến ta không thể thắng chúng.
Chiến dịch Hòa Bình và đặc biệt trong trận Phát Diệm, ta thắng to, một phần vì chiến thuật ta khôn khéo, bộ đội ta dũng cảm. Nhưng một phần cũng vì bộ đội và đồng bào biết giữ bí mật. Đó là những kinh nghiệm rõ ràng.
Ở vùng tạm bị chiếm, ta phát triển mạnh du kích, ta thắng lợi trong những trận chống càn quét và phá tề trừ gian, cũng vì đồng bào từ trẻ đến già đều biết giữ bí mật. Có những cụ già 70, 80 và những em bé 9, 10 tuổi bị giặc tra tấn cực kỳ dã man, có khi bị chúng đánh chết, nhưng vẫn kiên quyết giữ bí mật cho bộ đội và cán bộ. Đó là những tấm gương anh dũng mà cán bộ, bộ đội và nhân dân ta cần phải noi theo.
Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng: Do thám là một thứ vũ khí rất lợi hại. Giặc tung mật thám đến các nơi. Bọn mật thám giả làm người buôn bán hoặc làm nghề khác để dò la tin tức quân sự, kinh tế và chính trị của ta. Do những tin tức đó mà giặc đặt kế hoạch phá hoại ta.
Vì không hiểu cái nguy hiểm ấy, nhiều người hay bô lô ba la, gặp gì cũng nói, gặp ai cũng nói, ở đâu cũng nói, không biết giữ bí mật. Kết quả là vô tình mà giúp cho giặc!
Một cách giữ bí mật dễ nhất và có hiệu quả nhất là làm cho mọi người đều thực hành đúng cách "3 không". Nghĩa là ngoài những người có trách nhiệm, thì dù ai hỏi gì cũng cứ trả lời: "Tôi không nghe gì, không thấy gì, không biết gì". Chúng ta phải nhớ câu: "Rừng có mạch, vách có tai; ta trong nói chuyện, giặc ngoài lắng nghe".
Điều 7 là: Quân đội thì thi đua diệt giặc lập công, nhân dân thì thi đua tăng gia sản xuất. Mọi người đều thi đua học tập để tiến bộ. Muốn tiến bộ, phải thực hành điều 8. Tức là: Thật thà tự phê bình và phê bình, giữ đúng cần kiệm liêm chính, ra sức chống bệnh quan liêu và nạn tham ô, lãng phí.
Vì người phụ trách mắc bệnh quan liêu: xa công việc thực tế, xa cán bộ, xa quần chúng, cho nên có nạn tham ô, lãng phí.
Đồng bào luôn luôn vui lòng đóng góp, bộ đội luôn sẵn sàng hy sinh để kháng chiến, kiến quốc. Trong lúc đó, một bọn không có lương tâm, tham ô, lấy của công làm của tư, hoặc lãng phí, tiêu xài bừa bãi; chúng làm thiệt hại đến bộ đội, đến nhân dân, đến Chính phủ và đoàn thể. Như vậy không khác gì giúp cho giặc phá hoại ta. Vì vậy, mọi người đều có quyền và có nhiệm vụ chống quan liêu, tham ô, lãng phí.
Điều 9 và 10 là gắn chặt tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế, gắn chặt công cuộc kháng chiến cứu nước với công cuộc giữ gìn hòa bình thế giới. Nước ta là một bộ phận của thế giới. Bọn đế quốc do Mỹ cầm đầu đang mưu gây chiến tranh thứ ba. Hòa bình thế giới giữ được tức là phe Mỹ thua, tức là có lợi cho kháng chiến của ta. Ta kháng chiến thắng lợi tức là làm yếu một phần lực lượng của bọn đế quốc, tức là góp một phần thiết thực vào công cuộc giữ gìn hòa bình thế giới. Hai điều đó quan hệ khăng khít với nhau.
10 điều ghi nhớ là cả một chương trình tóm tắt và thiết thực của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc; là "công ước yêu nước" của mọi người dân Việt Nam.
Để mọi người đều ghi nhớ và thực hành, thì ở các đơn vị bộ đội, xí nghiệp, cơ quan, trường học, gia đình, thôn xóm, đường phố, chợ quán và những nơi khác có nhiều người đi lại, ta đều cần viết ra rõ ràng và dán lên tử tế, để mọi người luôn luôn trông thấy, luôn ghi nhớ, luôn tự hỏi: Mình đã làm đúng 10 điều ấy chưa?
Trong các cuộc hội nghị, mít tinh, chỉnh huấn, cần nhắc đi nhắc lại 10 điều ấy, để mọi người tự kiểm thảo và kiểm thảo những người xung quanh mình.
Nếu chúng ta làm được như thế - mà chúng ta quyết làm cho được như thế - thì sẽ có kết quả rất tốt đẹp.
C.B.
----------
- Báo Nhân Dân, số 67, ngày 24-7-1952, tr.1.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.7, tr. 451-453.