Khắp thế giới, Ngày Quốc tế lao động là một. Nhưng ở hai xã hội khác nhau, nội dung và hình thức chúc mừng ngày ấy cũng khác nhau.

- Ở các nước tư bản, 1-5 là ngày mà giai cấp lao động tỏ rõ ý chí và lực lượng đấu tranh của mình, đòi cải thiện đời sống, đòi bỏ chế độ bóc lột, đòi nắm chính quyền, v.v..

- Ở các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ, giai cấp lao động đã nắm chính quyền, đã làm chủ nước nhà, thì 1-5 là ngày mà giai cấp lao động tỏ rõ quyết tâm và lực lượng xây dựng của mình để làm cho dân giàu, nước mạnh.

- Ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chúng ta, 1-5 là ngày mà giai cấp lao động (lao động chân tay và lao động trí óc) kiểm điểm lại kết quả cuộc thi đua vừa qua và chuẩn bị cuộc thi đua sắp tới.

Kể từ ngày Thủ đô được giải phóng, công nhân ở các xí nghiệp và công trường, cán bộ và nhân viên ở các nhà thương, đồng bào nông dân ở các địa phương, chiến sĩ ở các đơn vị, anh chị em ở các ngành, các cơ quan, thầy giáo, cô giáo và học sinh ở các trường... đều cố gắng thi đua và đều thu được ít hoặc nhiều kết quả. Với kinh nghiệm đã thu lượm được và với lòng hăng hái của mọi người, chắc rằng sau 1-5, phong trào thi đua yêu nước sẽ sôi nổi hơn và kết quả sẽ to lớn hơn.

Muốn ăn quả thì phải chịu khó trồng cây.

Muốn uống nước thì phải ra sức đào giếng.

Hiện nay, chúng ta đang ở trong giai đoạn trồng cây, đào giếng. Sự chịu đựng và cố gắng ngày nay, sẽ biến thành kết quả tốt đẹp ngày sau. Mọi người, mọi ngành cố gắng thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, thì mai đây dân ta nhất định giàu, nước ta nhất định mạnh, và hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ khắp cả nước nhất định thành công.

C.B.

------

- Báo Nhân Dân, số 425, ngày 1-5-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.9, tr.446-447.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.