Trả lời bạn đọc: Hôm nay Quốc hội mới của Pháp họp buổi đầu tiên, vì Hiến pháp của Pháp định rằng Quốc hội mới phải họp vào ngày thứ 5, tuần thứ 3, sau tổng tuyển cử.

- Luật tuyển cử của Pháp rất phức tạp, khó hiểu. Một thí dụ: Sau tổng tuyển cử năm 1951, Đảng Cộng hòa bình dân (phe hữu) chỉ được 12 phần 100 tổng số phiếu mà được 82 ghế đại biểu.

Đảng Cộng sản được hơn 25 phần 100 tổng số phiếu, đáng lẽ được hơn 160 ghế đại biểu, mà chỉ được 94 ghế.

Đảng Đờ-gôn được 21 phần 100 tổng số phiếu lại được 107 ghế, tức là hơn Đảng Cộng sản 13 ghế…

- Phiên họp đầu, do một đại biểu nhiều tuổi nhất làm chủ tịch lâm thời; lần này do đồng chí Ca-sanh, 87 tuổi, làm chủ tịch.

- Buổi đầu, các đại biểu ngồi theo thứ tự tên của mình A, B, C,… Buổi họp sau, mới chia ra ngồi theo từng đảng phái, hoặc tả, hoặc hữu.

- Việc đầu tiên của Quốc hội là cử chủ tịch chính thức cho khóa này; và bầu (theo lối bắt thăm) 10 ban “giám sát” để xét lại sự hợp thức của các đại biểu. Ít nhất cũng vài tuần lễ mới xét xong một nửa số đại biểu; lúc đó, Quốc hội mới thật sự bắt đầu làm việc, thảo luận các vấn đề.

Công việc của 10 ban này, thường chỉ là hình thức thôi. Nhưng cũng có khi phát giác ra những việc kỳ quái: như năm 1951, một người được cử làm đại biểu xứ Vốt-giơ, nhưng sau xét ra, y đã dùng tên giả để ứng cử, lại là một tên can nhiều vụ xoay tiền, đang bị tòa án nhiều nơi tìm bắt.

Quốc hội Pháp gồm có nhiều đảng phái, nhưng có thể chia làm 4 nhóm chính:

153 đại biểu Đảng Cộng sản là đảng to nhất. Trong Quốc hội này có 19 đại biểu phụ nữ thì 15 người là cộng sản.

173 đại biểu của 4 đảng thuộc “Mặt trận cộng hòa”.

199 đại biểu của khối “ôn hòa” do nhiều đảng phe hữu hợp lại.

53 đại biểu của đảng phát xít mới của Pu-gia-đơ.

Dù sao, nhân dân lao động có khá nhiều đại biểu trong Quốc hội này. Điều đó sẽ có ảnh hưởng tốt cho chính trị nước Pháp.

C. B.

---------

Báo Nhân Dân, số 687, ngày 19-1-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.