Là một năm phấn đấu vượt bậc và thắng lợi vẻ vang của phe xã hội chủ nghĩa. Ngày đầu năm, tên lửa vũ trụ của Liên Xô bay thẳng lên quỹ đạo quanh mặt trời, đã báo hiệu thắng lợi ấy. Dư luận các nước tư bản cũng đều phải nhận rằng sự thành công phóng tên lửa vũ trụ đã làm cho “uy tín của Liên Xô trên thế giới được nâng cao hơn bao giờ hết”.
Tờ báo của đại tư bản Mỹ - báo Phố Uôn cũng phải nhận rằng: “Không thể không kính trọng một nước đã phóng được tên lửa lên quỹ đạo quanh mặt trời... Thắng lợi mới của Liên Xô có ảnh hưởng rất to đối với dư luận Mỹ, người Mỹ thấy rõ cần phải đàm phán với Liên Xô”.
Chúng ta đều nhớ rằng từ tháng 8 đến tháng 12-1958, Mỹ đã thử phóng vệ tinh lên mặt trăng bốn lần, nhưng bốn lần đều thất bại.
Trong khuôn khổ bài báo này, chỉ có thể tóm tắt vài ví dụ sau đây để chứng tỏ sự tiến bộ nhanh chóng của phe xã hội chủ nghĩa và sự sa sút không ngừng của phe tư bản, đế quốc:
1957 |
1958 |
1960 |
||
TRUNG QUỐC: |
Sản xuất lúa Sản xuất than |
185 triệu tấn 140 triệu tấn |
375 triệu tấn 270 triệu tấn |
525 triệu tấn 380 triệu tấn |
ANH: |
Sản xuất than |
223 triệu tấn |
215 triệu tấn |
195 triệu tấn |
(Anh đã phải đóng cửa 20 hầm, và sẽ đóng 36 hầm nữa).
Năm nay, Trung Quốc sẽ đuổi kịp hoặc vượt quá Anh về sản lượng thép, sắt, đồng, nhôm...
Một điểm quan trọng nữa là: Trung Quốc đã giải quyết xong vấn đề thất nghiệp, Anh thì hiện nay có một triệu công nhân thất nghiệp, đó là con số cao nhất trong mười mấy năm gần đây. Tờ báo Chuyển hướng viết: “Trong năm 1958 tổng sản lượng công nghiệp Anh đã giảm sút nhiều. So với năm 1957, thì:
Ngành luyện kim giảm sút 25%
Thép giảm sút 10%
Gang giảm sút 9%”
Báo Tiến lên viết: Năm 1959, tình trạng kinh tế Anh sẽ bi đát hơn nữa.
LIÊN XÔ: Trước Cách mạng Tháng Mười Nga là một nước lạc hậu nhất ở châu Âu, lạc hậu độ 50 đến 100 năm. Từ ngày Cách mạng thành công, trong 42 năm, Liên Xô đã trải qua 18 năm dẹp nội loạn, chống ngoại xâm, hàn gắn vết thương do chiến tranh gây ra, và thắt lưng buộc bụng để khôi phục kinh tế. Chỉ hoà bình phát triển trong vài mươi năm.
Trong thời gian đó, đất nước Mỹ không hề bị chiến tranh xâm phạm. Trái lại, Mỹ đã lợi dụng hai cuộc chiến tranh thế giới để phát tài to.
Thế mà ngày nay kinh tế Liên Xô đã lên hàng đầu ở châu Âu, và đã vượt quá Mỹ trong mấy ngành công nghiệp nặng như sắt, thép, than, dầu lửa, v.v..
Kế hoạch bảy năm (1959-1965) sẽ đưa kinh tế Liên Xô đuổi kịp và vượt quá Mỹ về tổng sản lượng cũng như về tính theo đầu người. Và đời sống của nhân dân Liên Xô sẽ sung sướng nhất trên thế giới.
Ở đây, tôi không nêu lên những con số từng ngành kinh tế, mà chỉ tóm tắt rằng: So với năm 1958, thì sản lượng năm 1965 sẽ tăng 80%, khoản thu nhập của công nhân và nông dân sẽ tăng 40%, các xí nghiệp sẽ làm việc năm ngày lại nghỉ ngơi một ngày.
1959 đến 1965, Liên Xô sẽ đào tạo 2 triệu 30 vạn chuyên gia, tức là nhiều gấp ba chuyên gia Mỹ.
MỸ: Đầu năm ngoái, Hãng thông tấn Mỹ UPI đã viết: “Trong ngày tết năm 1958, tâm trạng của người Mỹ là khó chịu, bực tức, thất vọng...”. Liên Xô đã thách Mỹ về mặt xã hội, kinh tế, chính trị và văn hoá. Nhưng chế độ tư bản Mỹ không có cách gì đối phó lại, vì ở Mỹ kinh tế khủng hoảng, sản xuất giảm sút, công nhân thất nghiệp ngày càng nhiều.
Trùm phản động là cựu Tổng thống Truman cũng phải nhận rằng: “Liên Xô đuổi kịp Mỹ, vì Liên Xô tiến lên mãi, còn Mỹ thì cứ sụt lại phía sau”.
Tờ báo tư bản Mỹ Thời báo Nữu Ước viết: “Đến 1965, các nước cộng sản sẽ sản xuất nhiều hơn các nước tư bản. Đến 1970, người Nga chắc sẽ sung sướng nhất thế giới”.
Thật vậy, trong tổng sản lượng công nghiệp trên thế giới, hệ thống xã hội chủ nghĩa đã phát triển như sau:
Năm 1917 chiếm non 3%.
Năm 1937 chiếm non 10% (hồi đó chỉ có Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa).
Năm 1958 chiếm non 35%.
Năm 1965 sẽ chiếm hơn 50%.
Người viết báo Mỹ nổi tiếng là Lípman viết: “Sự thật cụ thể là: Thành công của Liên Xô trong 40 năm và của Trung Quốc trong 10 năm đã vạch cho các nước chậm tiến con đường tăng cường lực lượng và nâng cao đời sống của họ”.
Liên Xô và Trung Quốc tiến lên, các nước anh em trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa cũng tiến lên.
Một ví dụ: Nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân TRIỀU TIÊN.
So với năm 1957, sản lượng công nghiệp 1958 đã tăng 37%.
So với năm 1958, sản lượng công nghiệp 1959 sẽ tăng 32%.
Sản lượng lúa năm 1958 là 3 triệu 70 vạn tấn. Năm 1959 sẽ tăng đến 5 triệu tấn.
Năm nay, khắp nông thôn sẽ có điện. Kế hoạch năm năm sẽ hoàn thành trước thời hạn hai năm.
TÌNH HÌNH Ở VIỆT NAM TA
Miền Nam - Một giáo sư Mỹ tên là Phan (Fanll) đã sang thăm miền Nam và đã viết về tình hình miền Nam, tóm tắt nội dung như sau: “Chính quyền Ngô Đình Diệm hoàn toàn là một “vệ tinh” của Mỹ. Người Mỹ nắm tất cả các bộ máy của chính quyền họ Ngô. Người Mỹ ở miền Nam có rạp chiếu bóng riêng, trường học riêng, người Việt Nam không được vào. Người Mỹ phạm tội, toà án Việt Nam không có quyền xử”. “Viện trợ” Mỹ chiếm 80% ngân sách miền Nam. “Viện trợ” ấy đã tạo cho miền Nam một cảnh phồn vinh giả tạo, ví dụ số người Sài Gòn bằng một phần năm số người Pari, mà số xe hơi Sài Gòn thì bằng một phần nửa số xe hơi Pari.
Chính sách “cải cách điền địa” mà chính quyền miền Nam tuyên truyền ầm ĩ, nhưng đã hai năm mà chỉ có độ hai vạn nông dân được mua bốn vạn mẫu ruộng, còn hai triệu nông dân vẫn không có ruộng đất.
Kinh tế ngày càng suy sụt. Vì hàng Mỹ cạnh tranh, mà công thương nghiệp của người Việt Nam bị đình đốn (Trước kia, miền Nam có 15.038 khung cửi dệt vải, nay chỉ còn 4.511 cái). Kế hoạch công nghiệp hoá và điện khí hoá miền Nam đều ngủ trong tủ giấy của các bộ.
Nạn tham ô rất phổ biến. Nông thôn và thành thị thiếu trật tự an ninh.
Ông Phan nêu những con số như sau:
Trước chiến tranh, mỗi mẫu tây ruộng miền Nam thu hoạch 13 tạ 2, ngày nay chỉ được 11 tạ 9.
Miền Nam có một triệu người thất nghiệp, riêng ở Sài Gòn có 70 vạn người thất nghiệp.
Mỹ đưa vào miền Nam nhiều xe hơi hạng sang, nhiều xa xỉ phẩm, và thị trường miền Nam đầy rẫy những hàng hoá không ích gì cho việc phát triển một nền kinh tế đang bấp bênh.
Như năm 1957, Mỹ đã bán vào miền Nam:
Vải trị giá 18 nghìn triệu phrăng,
Ngũ cốc trị giá 13 nghìn 800 triệu phrăng,
Quả tươi trị giá 362.932 đôla,
Xe hơi trị giá 7 triệu đôla,
Dầu xăng trị giá 13 triệu đôla và
Săm lốp trị giá 5 triệu 50 vạn đôla để phục vụ những xe hơi ấy. Một điều kỳ quái nữa là miền Nam đã mua của Mỹ 141.713 đôla pháo!
Miền Bắc - Dưới chế độ thực dân Pháp trước đây, miền Bắc mỗi năm phải mua của miền Nam 20 vạn tấn gạo. Từ ngày kháng chiến thắng lợi, hoà bình trở lại, ta đã tự túc về lương thực, và tổng sản lượng thóc được nâng cao như sau:
1957 - thu hoạch 3 triệu 95 vạn tấn,
1958 - thu hoạch 4 triệu 50 vạn tấn,
1959 - sẽ tăng 6 triệu 20 vạn tấn.
Về công nghiệp, do sự cố gắng của ta và sự giúp đỡ của các nước anh em, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc.
1957 ta có 107 xí nghiệp to và nhỏ,
1958 ta có 125 xí nghiệp to và nhỏ,
1959 sẽ có 156 xí nghiệp to và nhỏ.
Về giáo dục, hiện nay ta có 5.590 sinh viên đại học, 1.117.000 học sinh, tức là tăng 27% so với năm 1957 (nhiều hơn tổng số học sinh cả Việt, Miên, Lào dưới chế độ thực dân Pháp).
*
* *
Để giành lấy thắng lợi vẻ vang, toàn Đảng, toàn dân phải ra sức phấn đấu. Như đồng chí Khơrútsốp đã nhấn mạnh trước Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (12-11-1958).
Đảng cần phải đẩy mạnh công tác chính trị và tổ chức trong quần chúng, cần phải làm cho mọi người lao động hiểu rõ nhiệm vụ thiêng liêng của mình, triệt để tôn trọng kỷ luật lao động của Nhà nước. Tất cả đảng viên phải đấu tranh để làm cho kế hoạch Nhà nước hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Tất cả các ngành - tuyên truyền, báo chí, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, giáo dục - đều phải phục vụ kế hoạch ấy.
Đoàn Thanh niên và tất cả thanh niên cần phải đưa hết nhiệt tình và lực lượng vô tận của tuổi trẻ góp phần xứng đáng vào sự nghiệp vẻ vang xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Công đoàn có một vai trò cực kỳ quan trọng. Động viên và giáo dục công nhân thấm nhuần tinh thần người chủ của xí nghiệp, người chủ của nước nhà; đẩy mạnh thi đua xã hội chủ nghĩa, cải tiến quản lý xí nghiệp; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và những cái xấu do nó sinh ra; thực hiện khẩu hiệu: Nhiều, nhanh, tốt, rẻ - đó là nhiệm vụ của công đoàn.
Kế hoạch 7 năm hoàn thành sẽ tăng cường lực lượng của Liên Xô, đồng thời cũng tăng cường lực lượng của phe xã hội chủ nghĩa. Vì quan hệ giữa các nước trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa là đoàn kết hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau như anh em. Trong lúc đó thì giữa phe tư bản, đế quốc, mâu thuẫn ngày càng sâu sắc. Mỹ thì tìm mọi cách tranh thị trường của các nước tư bản khác. Mười một nước chủ trương “tự do trao đổi” do Anh lãnh đạo và sáu nước Tây Âu “Thị trường chung” do Pháp cầm đầu đã mở cuộc “chiến tranh kinh tế” rất kịch liệt từ 1-1-1959.
Những sự thật trên đây làm cho nhân dân Việt Nam ta càng tin tưởng vững chắc, càng quyết tâm hoàn thành thắng lợi kế hoạch 3 năm do Đảng và Chính phủ nêu ra để xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Vậy chúng ta có quyền nói rằng: 1959, đối với phe tư bản đế quốc là:
Một luồng ảm đạm tiêu điều,
Sa sút nhiều, thất bại nhiều hơn xưa.
Đối với phe xã hội chủ nghĩa là:
Mùa Xuân phảng phất gió Đông,
Trăm hoa đua thắm, thi hồng, sánh thơm.
T.L.
-----------------------
- Báo Nhân Dân, số 1774 và 1775, ngày 21 và 22-1-1959, tr.3.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.21-27.