Theo lẽ thường, thì sản xuất càng nhiều, nhân dân càng no ấm. Nhưng dưới chế độ tư bản thì không như thế. Để nâng cao giá lương thực, bọn tư bản Mỹ hạn chế sản xuất nông nghiệp. Để hạn chế, chúng trả tiền “thưởng” cho những người bỏ ruộng hoang không cày cấy.

Để làm “gương mẫu”, Tổng thống Mỹ đã không cho cày cấy mấy thửa ruộng của mình. Và “ngân hàng đất ruộng” đã phụ cấp cho ông ta 2.009 đôla. Thật là ngược đời.

Nhưng đối với công nghiệp thì bọn tư bản không hạn chế được. Chúng thi đua sản xuất loạn xị, mạnh ai nấy làm, không có kế hoạch. Kết quả là sản xuất quá nhiều, trong lúc đó thì người nghèo không có tiền mua dùng, hàng hóa ế đọng, kinh tế khủng hoảng.

Kinh tế khủng hoảng thì sản xuất ngừng trệ, hàng trăm nhà máy đóng cửa, hàng nghìn hiệu buôn phá sản, hàng triệu công nhân thất nghiệp. Những thành phố đang phồn thịnh bỗng trở nên tiêu điều như một trận bão lớn vừa thổi qua.

Kinh tế khủng hoảng là một bệnh “sốt rét định kỳ” của chế độ tư bản. Tờ báo tư sản Thời báo Nữu Ước (23-3-1958) cho biết rằng: trong 100 năm qua, Mỹ đã bị 24 lần kinh tế khủng hoảng và càng về những năm gần đây thì cơn sốt rét khủng hoảng lại liên tiếp gần nhau. Như:

Năm 1929 đến 1949 (cách nhau hai mươi năm). 1954 (cách nhau 5 năm). 1958 (cách nhau bốn năm).

Sản xuất kém sút mãi; chỉ số tháng 1-1957 là 146. Tháng 1-1958 là 133. Tháng 2-1958 là 130.

Lực lượng sản xuất nói chung chỉ dùng hết 53%. Sản xuất dầu lửa sụt 20%. Sản xuất xe hơi sụt 31%… (hiện nay còn hơn một triệu chiếc xe hơi không bán được).

Số công nhân thất nghiệp ngày càng tăng:

Tháng 12-1957 là 3.400.000 người. Tháng 1-1958 là 4.500.000. Tháng 2-1958 là 5.200.000. Số thất nghiệp đang tiếp tục tăng thêm.

Đó là không tính hơn hai triệu người thất nghiệp một nửa, mỗi tuần chỉ có việc làm vài ngày. Tính trung bình cứ 100 công nhân thì hơn 10 người thất nghiệp. Theo luật lao động thì công nhân thất nghiệp được giúp đỡ từ 18 đến 26 tuần lễ. Nhưng sự thật thì hiện nay có hơn hai triệu người thất nghiệp vì lẽ này hoặc lẽ khác, không được giúp đỡ gì hết.

Tình trạng giai cấp vô sản ở các nước tư bản là “tay làm hàm nhai”. Thất nghiệp độ một tháng thì “bếp không có trấu, gà bới cóc. Niêu chẳng còn cơm, chuột khoét rùa”. Cực khổ không thể tả!

Vì nạn thất nghiệp mà nội bộ Chính phủ Mỹ chia rẽ làm hai phái. Một phái chủ trương “đi chầm chậm”, chờ đợi kinh tế chuyển tốt, nếu hấp tấp thì sẽ bị nạn lạm phát. Một phái chủ trương “làm nhanh nhanh” nếu không thì khủng hoảng sẽ thêm nghiêm trọng. Vì vậy hai đảng tư sản Mỹ đang công kích nhau kịch liệt.

Tư bản các nước tranh giành nhau, đồng thời phụ thuộc lẫn nhau. Kinh tế Mỹ khủng hoảng sẽ có ảnh hưởng rất xấu đến các nước tư bản khác. Vì vậy, hiện nay tư bản Canađa, Đan Mạch, Anh, Pháp… đang lo sốt vó. Hôm vừa rồi, đã có một triệu công nhân Pháp bãi công suốt 24 tiếng đồng hồ, nước Pháp đã tê liệt…

Ở các nước xã hội chủ nghĩa không bao giờ có kinh tế khủng hoảng, vì một lẽ rất dễ hiểu: kinh tế là của nhân dân, sản xuất có kế hoạch, sản xuất càng tăng gia thì nhân dân được tiêu dùng càng nhiều, đời sống càng được cải thiện, hàng hóa không bao giờ ế đọng.

TRẦN LỰC

------------------------

Báo Nhân Dân, số 1418, ngày 6-4-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.