Hai Tổng cũ là Tuama (Truman) và Ai, cùng Tổng không mới lắm là Ken. Cũ và mới tuy khác nhau, nhưng đều giống nhau ở cái tính kỳ quặc của họ. Thí dụ: Trong việc chinh phục vũ trụ, nhân dân khắp thế giới đều biết rằng: hai con tàu vũ trụ của Mỹ cộng lại chỉ bay được 6 vòng quanh quả đất. Và hai con tàu vũ trụ của Liên Xô (Phương Đông 3 Phương Đông 4) cộng lại đã bay hơn 112 vòng. Nhưng Tuama thì khua tay, khua chân, lắc đầu và nói: “Tôi chả tin! Có gì chứng thực là Liên Xô quả thật đã phóng hai con tàu đó!”.

Còn Tổng Ai thì nói một cách cay cú: “Tàu vũ trụ Mỹ chả kém gì tàu vũ trụ Liên Xô!... Tôi đã chán ngấy với chữ KÉM ấy rồi!”. Dư luận thế giới cho rằng: hai ngài đầu óc hơi mất thăng bằng, và đã làm trò cười cho thiên hạ. Tổng Ken thì buộc lòng phải nhận rằng: Liên Xô đã vượt qua Mỹ, và Mỹ đã thua Liên Xô. Nhưng ông ta lại có tính kỳ quặc khác: Là một nhà giàu kếch xù, Tổng Ken thường cùng vợ con đi nghỉ mát ở những lâu đài riêng của y tại nhiều nơi. Y ra lệnh cho bộ đội phải bảo vệ một cách kín đáo. Chớ để vũ trang dữ tợn của bộ đội ảnh hưởng đến tinh thần của “các cậu các cô” con y!

Nhân đức thay, Tổng Ken vậy! Y không muốn cho con y trông thấy lưỡi lê và súng ống. Nhưng chính y đang ra sức chuẩn bị một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể tiêu diệt hàng trăm triệu người. Chính y đã phái bộ đội Mỹ đến miền Nam Việt Nam rải chất độc để phá hoại mùa màng, dùng khủng bố để lập “ấp chiến lược”. Chính y đã sai khiến bọn Mỹ cắt cổ, chặt đầu những người dân lương thiện miền Nam, mổ bụng, moi thai những người phụ nữ vô tội... Biết bao nhiêu trẻ con miền Nam đã bị chúng quẳng vào đống lửa và đập đầu vào tường.

“Miệng tụng nam mô, bụng đầy bồ dao găm”. Không! Cách giả nhân giả nghĩa của tên trùm đế quốc Mỹ không lừa gạt được ai! Chính vì để cho bản thân mình và con cháu mình khỏi bị bọn quỷ Mỹ - Diệm tiêu diệt, mà đồng bào miền Nam đã đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh. Cuộc đấu tranh chính nghĩa đó gian khổ, trường kỳ, song nhất định thắng lợi.

T.L.

--------------------------------

Báo Nhân Dân, số 3067, ngày 26-8-1962, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.