Kênh Xuy-ê dài 168 cây số ở trong địa phận Ai Cập, nối liền đường giao thông phương Đông với phương Tây. Trong 10 năm kênh đào ấy, 12 vạn nhân dân lao động Ai Cập đã bị hy sinh. Nhưng từ ngày kênh hoàn thành đến nay đã 87 năm, nhân dân Ai Cập không được lợi ích bao nhiêu, vì Anh và pháp đã chia nhau làm chủ.

Kênh Xuy-ê trở thành cái cuống họng (cái mạch sống) của thực dân Pháp và Anh: Dầu lửa, cao-su, đồng, thiếc và nhiều thứ của cải quý báu khác từ châu Á và châu Úc kinh qua Xuy-ê chở về làm giàu cho Pháp và Anh. Lại do kênh ấy mà bọn thực dân chở quân đội đi đàn áp phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa phương Đông.

Do nhân dân Ai Cập đấu tranh anh dũng, hôm 13-6, quân đội Anh đã phải rời khỏi Xuy-ê (một tổ chức độc quyền của bọn tài phiệt Pháp-Anh ) vẫn nắm quyền tài chính của kênh ấy.

Hôm 26-7, Chính phủ Ai Cập tuyên bố quốc hữu hóa kênh Xuy-ê. Đó là một việc đúng đắn, hợp với quyền lợi của nhân dân Ai Cập.

Mất miếng mồi ngon nhất và to nhất, thực dân Anh-Pháp chấn động, bực tức, phát điên. Chúng vội vã cùng đế quốc Mỹ khai hội, để tìm cách dụ dỗ, lừa bịp và đe dọa Ai Cập, hòng nhân đó mà làm cho tình hình thế giới lại căng thẳng.

Lời ngay, lẽ thắng, Tổng thống Ai Cập bảo chúng: "Nước Anh không có quyền can thiệp vào nội dung chính của chúng ta... Ngoại trưởng Pháp nói những lời thô bỉ, láo xược, thì đã có nhân dân An-giê-ri dạy lễ phép cho y... Không một nước ngoài nào, không một bè lũ nào dọa dẫm được chúng ta... Nhân dân ta sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ chủ quyền và độc lập của đất nước...".

Việc Ai Cập quốc hữu hóa kênh Xuy-ê là chính nghĩa, đồng thời là thêm một vố nặng vào đầu chủ nghĩa thực dân hấp hối. Vì vậy, các dân tộc Á-Phi và các nước trên thế giới yêu chuộng hòa bình đều nhiệt liệt ủng hộ nhân dân Ai Cập.

Nhân dân Liên Xô thì "sẵn sàng giúp đỡ Ai Cập xây dựng công nghiệp và phát triển nông nghiệp. Sự giúp đỡ ấy không kèm theo một điều kiện chính trị hoặc kinh tế gì trái với lợi ích của nhân dân Ai Cập..." (báo Sự thật Liên Xô, 29-7).

Hai thái độ - thái độ quang minh chính đại của Liên Xô và thái độ ích kỷ đểu giả của bọn đế quốc - thật khác hẳn nhau như ngày với đêm.

Nhân dân Việt Nam ta đang ra sức đoàn kết đấu tranh để thống nhất nước nhà, chúng ta hoàn toàn đồng tình với Chính phủ và nhân dân Ai Cập anh em, và tin chắc rằng thắng lợi cuối cùng sẽ về họ.

C. B.

---------

Báo Nhân Dân, số 886, ngày 7-8-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.