Chủ nghĩa đế quốc mạnh hay là yếu? Sự thật lịch sử đã trả lời câu ấy:

40 năm trước đây, toàn cả thế giới ở dưới quyền thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Từ ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công trên 1 phần 6 quả đất, nhất là từ sau cuộc Thế giới chiến tranh lần thứ hai, chủ nghĩa đế quốc ngày càng tan rã.

- Chủ nghĩa đế quốc Đức, Ý, Nhật mất hết thuộc địa.

- Chủ nghĩa đế quốc Hà Lan mất Nam Dương.

- Chủ nghĩa đế quốc Anh mất các thuộc địa Ấn Độ (India, BT), Miến Điện (Myanmar, BT), Xây Lan (Sri Lanka, BT), Ai Cập (Egypt, BT), Xu-đăng (Sudan, BT), Ga-na (Ghana, BT)...

- Chủ nghĩa đế quốc Pháp mất các thuộc địa Xy-ri (Siria, BT), Li-băng (Lebanon, BT), Việt Nam, Cao Miên (Campuchia, BT), Lào, Ma-rốc (Maroc, BT), Tuy-ni-di (Tunisia, BT) và sắp mất An-giê-ri (Algeria, BT).

- Chủ nghĩa đế quốc Mỹ cậy thế đô-la và bom nguyên tử, bị đuổi ra khỏi Trung Quốc. Mỹ và quân đội 16 nước phe Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Triều Tiên. Mỹ đã thất bại trong việc giúp thực dân Pháp xâm lược lại Việt Nam. Đã thất bại trong việc xúi Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey, BT) đánh Xy-ri. Mỹ đã thất bại về mặt chạy thi khoa học kỹ thuật: Liên Xô đã chế tạo được đạn tên lửa vượt đại châu, đã thả hai vệ tinh bay vòng quanh quả đất, mà Mỹ thì đang ì ạch thí nghiệm chưa làm được đạn tên lửa vượt đại châu và vệ tinh.

Người có tiếng là “cha đẻ của bom nguyên tử” Mỹ, bác sĩ Tay-le, nói: So với Mỹ thì khoa học Liên Xô phát triển chóng hơn nhiều, rộng hơn nhiều... Độ 10 năm nữa Liên Xô có thể khống chế được thời tiết, nhưng Mỹ thì sẽ cứ bị hạn hán... Ít nhất cũng 10 năm nữa Mỹ mới theo kịp khoa học của Liên Xô.

Viên Chủ tịch Ủy ban quân sự của Quốc hội Mỹ nói: Do việc phóng hai vệ tinh mà Liên Xô đã làm cho Mỹ thất bại... Cuộc chiến đấu trên mặt trận khoa học kỹ thuật, Mỹ đã thua Liên Xô rồi.

*
*    *

Sự thật lịch sử đã chứng tỏ rằng trong khi chủ nghĩa đế quốc xuống dốc thì chủ nghĩa xã hội ngày càng phát triển lên cao:

91 năm trước đây, ở cuộc Đại hội đầu tiên, Đệ nhất Quốc tế chỉ có 25 chi bộ ở bốn nước Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ.

Về sau khuôn khổ của Đệ nhị Quốc tế rộng hơn, nhưng cũng chỉ có những chi bộ ở mấy nước Anh, Mỹ.

Trước ngày Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Đệ tam Quốc tế Cộng sản đã phát triển khắp thế giới với 43 đảng cộng sản và hơn 4 triệu đảng viên.

Hiện nay trên thế giới có 75 đảng cộng sản và đảng lao động với hơn 33 triệu đảng viên, đoàn kết thành một lực lượng khổng lồ dưới ngọn cờ vẻ vang của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Trong 64 đảng cộng sản và đảng lao động tham gia Hội nghị ở Mát-xcơ-va (Moskva, BT) vừa rồi, có 13 đảng đã nắm chính quyền. Nhiều đảng cộng sản khác uy tín rất to lớn. Thí dụ như Đảng Cộng sản Pháp là đảng chính trị to nhất ở nước ấy, trong các cuộc tổng tuyển cử, cứ bốn người cử tri Pháp thì một người bỏ phiếu cho Đảng Cộng sản; trong 100 người cử tri ở nước Ý, thì 36 người bỏ phiếu cho Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội phe tả là bạn đồng minh của Đảng Cộng sản.

Trước đây chỉ có Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa với 200 triệu nhân dân. Ngày nay trên thế giới đã có một đại gia đình gồm 13 nước xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô vĩ đại, với 950 triệu nhân dân (hơn 1 phần 3 số người trên thế giới).

Lại có những nước thuộc địa cũ ở châu Á và châu Phi đã giành được tự do, độc lập, gồm có 700 triệu nhân dân. Thế là hơn 1.650 triệu người thành một mặt trận vững mạnh để giữ gìn hòa bình, chống lại chiến tranh, chống lại chủ nghĩa đế quốc.

Nói tóm lại: Chủ nghĩa đế quốc là như con “ác vàng” đã ngả về Tây. Chủ nghĩa xã hội là như mặt trời mới mọc.

Nói như vậy không phải là những người cách mạng tự kiêu, tự mãn, chủ quan, khinh địch; vì hãy còn chủ nghĩa đế quốc thì hãy còn có thể sinh ra chiến tranh. Trái lại, những người cách mạng càng phải cảnh giác hơn nữa, đoàn kết hơn nữa để giành lấy thắng lợi to hơn nữa, nhiều hơn nữa trong công cuộc giữ gìn hòa bình thế giới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những người cách mạng cần phải đoàn kết rộng rãi, đấu tranh không ngừng để thực hiện những chính sách chung đã nêu rõ trong hai bản tuyên ngôn vĩ đại do các đảng cộng sản và đảng lao động đã nhất trí thông qua trong hai cuộc Hội nghị ở Mát-xcơ-va.

TRẦN LỰC

---------

- Báo Nhân Dân, số 1368, ngày 7-12-1957, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.203-205.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.