Dân tộc nào đã đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh, quyết tâm hy sinh cho Tổ quốc - thì không có sức gì chinh phục được họ. An-giê-ri là một trong những dân tộc như vậy.
Thực dân Pháp chiếm An-giê-ri làm thuộc địa đã hơn 100 năm. Nhân dân An-giê-ri đã nhiều lần khởi nghĩa:
Cuộc khởi nghĩa từ 1832 đến 1847, do ông Áp-en Ka-đe lãnh đạo.
1859, dân Bê-ni-na-sen khởi nghĩa.
1864, dân U-lét-si-di-séc khởi nghĩa.
1871, hơn 80 vạn dân Ca-bi-ly khởi nghĩa.
1945, dân Công-stăng-ti-noa khởi nghĩa, 45.000 người đã hy sinh.
Và cuộc khởi nghĩa hiện giờ, bắt đầu từ tháng 11-1954 chỉ có 700 chiến sĩ nay đã lan khắp An-giê-ri.
Để đàn áp An-giê-ri, thực dân Pháp đã phái độ 300.000 binh sĩ, và mỗi ngày tốn độ 1.000 triệu phrăng.
Tình hình An-giê-ri ngày trước và ngày nay thế nào?
- Năm 1830, kỹ sư Pháp là ông Rô-dết đã viết: Các thành phố rất sạch sẽ. Mọi tôn giáo đều được tín ngưỡng tự do. Ở thủ đô có 100 trường học công và tư. Hầu hết mọi người A-rập đều biết đọc, biết viết. Nông nghiệp rất phồn thịnh.
- Để xâm lược An-giê-ri, thực dân Pháp đã dùng những thủ đoạn cực kỳ dã man: triệt hạ làng mạc, tàn sát nhân dân. Một thí dụ: Năm 1845, tướng Pháp Ca-vơ-nhắc đã hun chết hàng nghìn người An-giê-ri trú ẩn trong các hang đá. Viên quan tư Mông-ta-nhắc đã ghi trong quyển nhật ký: “Tôi đã đến xem ba cái hang rất rộng… trong đó có 760 cái thây người bị hun chết, đàn ông, đàn bà và trẻ con”.
- Ngày nay, ở An-giê-ri có hơn 1 triệu người Âu và 8 triệu người A-rập. Một số địa chủ Âu chiếm 2 phần 3 ruộng và ruộng tốt. Người A-rập chỉ có ít ruộng và ruộng xấu. Trước kia, tính đổ đồng, mỗi người A-rập mỗi năm thu hoạch 5 tạ ngũ cốc; hiện nay thì không đầy 2 tạ. Về chăn nuôi, số dê, cừu chỉ bằng một nửa ngày trước. Trong một triệu đàn ông và hàng chục vạn phụ nữ công nhân nông nghiệp, chỉ có độ 143.000 người có việc làm mỗi năm độ 90 ngày, ngoài ra, là thất nghiệp.
Năm 1954, chỉ có hơn 30 vạn trẻ con được đi học, còn 150 vạn trẻ con phải chịu dốt vì không có trường.
An-giê-ri chỉ có 9 triệu người, mà số người mắc bệnh lao cũng nhiều bằng ở Pháp (43 triệu nhân dân).
Về chính trị, trong “Viện dân biểu”, một triệu người Âu cũng có số đại biểu ngang với số đại biểu của 8 triệu người A-rập, và chỉ có những người A-rập được bọn thực dân nâng đỡ mới trúng cử.
Tóm tắt tình trạng cực khổ của nhân dân An-giê-ri, nghị viên Pháp Lơ-giăng-đơ-rơ đã nói: “Kiếp nghèo khổ khủng khiếp đang đè nặng trên nhân dân An-giê-ri… Những người đã 50 tuổi không hề biết một ngày nào, mà không phải nhịn đói”.
Trước tình hình ấy, người An-giê-ri chỉ có một con đường ra: Kháng chiến để giành lấy tự do, độc lập. Và nhân dân Việt Nam chỉ có một thái độ đúng: đồng tình với nhân dân An-giê-ri.
Chính phủ Pháp ngày nay tiến bộ hơn những chính phủ trước. Họ đã thừa nhận quyền độc lập của hai nước thuộc địa cũ: Ma-rốc và Tuy-ni-di. Họ nên cố gắng tiến một bước nữa: giải quyết vấn đề An-giê-ri bằng phương pháp hòa bình. Như thế thì họ mới nêu cao được danh dự của Pháp là một nước tôn trọng tự do, bình đẳng, bác ái.
C.B.
---------
Báo Nhân Dân, số 768, ngày 10-4-1956, tr.2.