Thực dân Pháp đang ra sức "đồng hóa" Angiêri. Phê bình chính sách vô lý ấy, giáo sư Êmêrít viết trong tờ báo tư sản Pháp Thế giới (6-10) một bài so sánh hai xứ An. Đại ý như sau:

Thực dân Pháp không "đồng hóa" Angiêri được, vì:

Pháp thống trị Angiêri đã hơn 100 năm, mà 82% người xứ ấy còn mù chữ. Pháp nói rằng muốn lập nhiều trường học cho Angiêri thì phải có 120 nghìn triệu phrăng, vì thiếu tiền cho nên chương trình xây dựng phải dàn ra 85 năm. Nghĩa là 85 năm nữa thanh niên Angiêri mới đủ chỗ học.

Nhưng hiện nay, để "giữ trật tự" ở Angiêri, mỗi tháng Pháp phải tiêu 10 nghìn triệu. Thế là khoản chi phí về quân sự trong 1 năm cũng đủ xây dựng một loạt nhà trường.

Bất bình hơn nữa, là trong số 5.000 học sinh ở trường đại học Angiêri hiện nay, chỉ có 200 học sinh Ảrập.

Số người Angiêri thất nghiệp lên đến 1 triệu. Công nhân nông nghiệp thì lương quá ít, không đủ nuôi mình.

Nếu muốn đồng hóa, thì Pháp phải làm ở Angiêri cũng như ở nước Pháp: Mỗi làng phải có một trường học, mỗi xã phải có ủy ban hành chính do nhân dân cử ra, phải có 200 đại biểu Angiêri trong Quốc hội Pháp...

Adécbaigiăng (một xứ dân tộc thiểu số ở Liên Xô) xưa kia cũng lạc hậu. Nhưng sau cách mạng, chỉ trong ba năm, họ có đủ trường, đủ thầy, tất cả trẻ con đều đi học. Trong 25 năm, nạn mù chữ đã thanh toán xong.

Người Adécbaigiăng tự mình quản lý các nông trường và các công xưởng. Các dân tộc ở đó đoàn kết như anh em một nhà. Người ta tự do đi lại rất an toàn, không phải đeo súng... Đó là chính sách "một nước gồm nhiều dân tộc", chứ không phải chính sách "đồng hóa".

Sự so sánh của giáo sư Êmêrít rất đúng. Nhưng ông quên một điều: Ở Liên Xô là chế độ xã hội chủ nghĩa, mà ở Pháp là chế độ tư bản chủ nghĩa. Chế độ khác nhau, thì chính sách dân tộc khác nhau, kết quả cũng khác nhau.

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 601, ngày 25-10-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.177-178.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.