Cuộc chiến tranh xâm lược Angiêri đã kéo dài hơn năm năm rưỡi, Pháp đã dùng hơn 50 vạn binh sĩ và mỗi ngày tiêu hết hơn 2.000 triệu đồng phrăng. Nhưng càng ngày thực dân Pháp càng sa lầy, không có lối thoát. Vì vậy, tướng Đờ Gôn phải nêu ra "quyền tự quyết" và yêu cầu Chính phủ lâm thời Angiêri đàm phán để ngừng bắn.
Tướng Đờ Gôn là một người tỏ ra yêu nước và ngoan đạo. Cách đây 20 năm, khi Pháp đầu hàng phát xít Đức, ông ta đã chạy sang Anh để kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Vậy để giải quyết tốt vấn đề Angiêri, ông ta nên nhớ lời Chúa dạy: "Chớ làm điều gì (như đi xâm lược đất nước người ta) đối với người khác mà mày không muốn người khác làm đối với mày".
Để tỏ ý sẵn sàng chấm dứt chiến tranh, hôm 26-6-1960, Chính phủ Angiêri đã phái người sang Pháp để chuẩn bị cho cuộc đàm phán và chỉ yêu cầu một điều là: Đàm phán trên cơ sở bình đẳng giữa hai bên.
Ai cũng mong cho cuộc đàm phán có kết quả.
Nhưng Chính phủ Pháp đã tỏ thái độ láo xược, độc đoán và đưa ra những điều kiện vô lý như: Pháp gọi Chính phủ lâm thời Angiêri là "bọn phiến loạn". Pháp chỉ bàn việc ngừng bắn chứ không bàn đến quyền tự quyết. Pháp đòi Quân giải phóng Angiêri ngừng bắn trước khi cuộc đàm phán bắt đầu. Pháp định không cho đại biểu Angiêri liên lạc với ai bên ngoài...
Cố nhiên Chính phủ Angiêri không chịu nhận những điều kiện nhục nhã đó; và hôm 4-7-1960 đã ra thông cáo, đại ý như sau: Vì Chính phủ Pháp không muốn đàm phán thật sự, vì Pháp cố ý đối đãi phái đoàn Angiêri như tù chính trị, vì Pháp cố bắt Angiêri đầu hàng... cho nên Chính phủ Angiêri sẽ không cử phái đoàn sang Pháp.
Nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới đều tán thành thái độ đúng đắn của Chính phủ Angiêri.
Phong trào giải phóng dân tộc sôi nổi khắp nơi. Cuộc kháng chiến của Angiêri ngày càng mạnh mẽ. Thực dân Pháp liên tiếp thất bại. Cuộc chiến tranh chính nghĩa của Angiêri được nhân dân Pháp và nhân dân thế giới ủng hộ nhiệt liệt. Chắc Tổng thống Đờ Gôn cũng thấy rõ điều đó, cho nên ông ta muốn đàm phán. Nhưng chính sách của ông ta thì lập lờ úp mở. Trong Chính phủ của ông ta lại có phái thực dân cực đoan phá hoại ngấm ngầm, nhất là Thủ tướng Đơ Bơrê. Vì vậy, cuộc đàm phán chưa bắt đầu đã bị tắc tị.
Nhân dân Angiêri thì không quên kinh nghiệm của Việt Nam. Năm 1946 Pháp đã ký hai hiệp định với Chính phủ Việt Nam. Nhưng chỉ mấy tháng sau Pháp đã bội ước và gây chiến. Trong thời kỳ kháng chiến, Pháp cũng đề nghị ngừng bắn với những điều kiện láo xược y như những điều kiện mà họ đề nghị với Angiêri ngày nay. Quân và dân ta đã nhổ vào những điều kiện vô lý đó và đã kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Ở Hội nghị Giơnevơ, Pháp đã ký kết đảm bảo đến năm 1956 sẽ có tổng tuyển cử tự do trong cả nước Việt Nam. Nhưng một lần nữa Chính phủ Pháp lại trốn tránh trách nhiệm của họ.
Tờ báo Khơme (3-7-1960) nói rất đúng: "Chỉ có một trận Điện Biên Phủ của Angiêri thì mới làm cho bọn thực dân Pháp mở mắt ra và cút khỏi Angiêri".
Hiện nay, nhiều thuộc địa cũ ở châu Phi đã thoát khỏi ách thực dân và giành được độc lập. Không lực lượng nào có thể ngăn được nhân dân Angiêri anh dũng giành lại quyền độc lập tự do. Cuộc kháng chiến của Angiêri phải trường kỳ gian khổ, song cuối cùng nhất định thắng lợi.
T.L.
-----------------
- Báo Nhân Dân, số 2301, ngày 7-7-1960, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.619-621.