Đảng và Chính phủ khéo kết hợp lực lượng các xí nghiệp nhỏ, vừa và to; tinh thần toàn dân rất hăng hái, cho nên ngân sách nhà nước phải chi tiêu ít, mà sản lượng thì tăng rất nhanh, rất nhiều. Nhà nước lại dùng số tiền tiết kiệm được để xây dựng thêm xí nghiệp mới, sản lượng càng tăng nhiều hơn nữa.
Đại hội lần thứ 8 của Đảng (9-1956) nêu khẩu hiệu: “Trong 15 năm hoặc lâu hơn một ít, những công nghiệp chính của Trung Quốc sẽ đuổi kịp nước Anh”.
Phiên họp lần thứ hai của Đại hội Đảng (5-1958) đã sửa lại khẩu hiệu ấy thành “Trong 15 năm hoặc sớm hơn một ít...”.
Chữ “lâu” sửa thành chữ “sớm”. Chỉ một chữ mà biểu hiện bao nhiêu sự phấn đấu anh dũng, bao nhiêu sự cố gắng bền bỉ, bao nhiêu tiến bộ nhảy vọt và thành tích vẻ vang của Trung Quốc anh em.
Hiện nay có vài ngành công nghiệp Trung Quốc đã vượt hoặc sắp vượt quá nước Anh. Như sản xuất thuốc nhuộm, nước Anh chỉ có 21 loại, Trung Quốc có 32 loại.
Về sản xuất than:
Năm 1957, Trung Quốc sản xuất 130 triệu tấn, Anh 227 triệu tấn.
Năm 1958, Trung Quốc sản xuất 180 triệu tấn, Anh 228 triệu tấn.
Năm 1959, Trung Quốc sản xuất 230 triệu tấn, Anh 230 triệu tấn.
Vả chăng, trong hơn 2.000 huyện Trung Quốc, hơn 1.500 huyện có mỏ than. Năm 1957, những mỏ ấy đã sản xuất 36 triệu tấn, dự định đến 1962 sẽ sản xuất 160 triệu tấn. Do số lượng than nhiều và tốc độ sản xuất tăng nhanh, đến năm 1960, Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt quá nước Anh về sản xuất than.
Về công nghiệp, so với tháng 4 thì tổng sản lượng tháng 5 tăng 7%, so với tháng 5 năm ngoái thì tăng 46%, so với sản lượng kế hoạch cả năm là 47%.
Về nông nghiệp, so với vụ chiêm năm ngoái, vụ chiêm năm nay sẽ tăng mười triệu tấn.
“Đi bước trước, xem bước sau”, đầu tháng 6 năm nay các cơ quan lãnh đạo đã chuẩn bị kế hoạch sản xuất cho năm sau.
*
* *
Thành tích là thành tích chung của tập thể, nhưng sẵn đây tôi cũng nên nói đến một số anh hùng và chiến sĩ lao động.
- Thanh niên công nhân Hê Phúc, ở nhà máy Sơn Tây, trước đây là một công nhân nổi tiếng lạc hậu. Nhờ cuộc chỉnh phong, anh đã biến đổi hẳn. Từ một người lêu têu, anh đã trở nên một công nhân gương mẫu và đã có sáng kiến sửa chữa lại máy ép khuôn, tăng năng suất 1.110%.
- Công nhân thanh niên Lương Thụ Khải ở xưởng dệt lụa Thiên Tân, đã chế ra 18 thứ thuốc nhuộm tơ lụa.
- Nghe nói anh Khải chế được thuốc mới để nhuộm tơ lụa, anh Uông Hữu Thụ ở xưởng dệt vải Thiên Tân tự bảo: Lụa có thuốc nhuộm mới thì vải cũng phải có thuốc nhuộm mới. Sau những ngày tìm tòi khó nhọc, anh Thụ đã chế được 20 thứ thuốc nhuộm mới để nhuộm vải.
- Anh Tô Quang Minh ở nhà máy xe lửa Kha Rơ Bin, đến trung tuần tháng 1-1956, anh đã làm xong công tác của kế hoạch năm năm lần thứ nhất. Trung tuần tháng 3-1958, anh làm xong kế hoạch năm năm lần thứ hai. Anh đã đề ra đến cuối năm 1962 thì sẽ hoàn thành công tác của kế hoạch năm năm thứ tư.
- Công nhân thanh niên Liêu Thế Cương ở nhà máy Trùng Khánh, được bầu làm chiến sĩ lao động liền trong 5 năm. Từ mỗi ngày làm 480 bộ phận máy, anh đã tăng đến 10.800. Trong hai năm và bốn tháng, anh Cương đã hoàn thành kế hoạch năm năm thứ nhất, trong bốn tháng anh đã làm xong kế hoạch năm năm thứ hai.
- Anh Phùng Bân, lái xe hơi miền núi, từ tháng 4-1953 đến tháng 12-1957 đã chạy 1.252.028 cây số không hề có vấn đề gì, và đã tiết kiệm được 12.052 lít xăng.
- Anh Lưu Kiến Hoa, công nhân nhà máy lửa Trường Sa, trong bốn năm làm xong nhiệm vụ sản xuất của bảy năm rưỡi. Luôn trong tám năm, sản phẩm của anh không phải loại cái nào.
- Anh Dương Hậu Phát ở xưởng điện Nam Kinh, luôn trong bảy năm được bầu làm chiến sĩ lao động. Tháng 2 năm nay, anh đã sửa đổi tám cung cách công tác, sáng tạo 30 kỷ lục mới, tăng năng suất 1.000%. Anh đảm bảo nội trong năm nay, sẽ sáng tạo thêm một trăm kỷ lục mới.
- Anh Lưu Mậu Tước là một công nhân phổ thông ở nhà máy Trùng Khánh, chỉnh phong đã khuyến khích anh tìm tòi nghiên cứu. Từ chỗ chỉ đứng một máy, anh tiến đến đứng mười máy. Trong 21 ngày anh đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất cả năm nay.
- Anh Chu Nam Hưng ở nhà máy Vô Tích, trình độ văn hóa chỉ đến lớp một sơ trung. Sau ba năm nghiên cứu học hỏi, anh đã viết ba quyển sách “Lý luận kỹ thuật khoa học”. Sách này đã được đưa dạy ở các trường.
Trong phong trào chỉnh phong, các xí nghiệp Trung Quốc đã nảy nở hàng trăm hàng nghìn công nhân xuất sắc như vậy.
TRẦN LỰC
-----------------------------
Báo Nhân Dân, số 1584, ngày 14-7-1958, tr.3.