Giặc Pháp và bù nhìn không mua chuộc được những người trí thức Việt Nam chân chính. Chúng bèn bịa đặt rằng Chính phủ kháng chiến khinh rẻ những người trí thức. Mục đích của chúng là chia rẽ tầng lớp trí thức Việt Nam, và tách trí thức với kháng chiến. Song âm mưu của chúng đã thất bại.
Dưới chế độ thực dân và phong kiến, những người lao động trí óc, những người trí thức chân chính, bị bọn thống trị biến thành những người làm thuê cho chúng, "sớm vác ô đi, tối vác về". Sinh hoạt tuy phong lưu, nhưng về tinh thần thì mờ mịt.
Dưới chế độ dân chủ mới, những người lao động trí óc, cũng như lao động chân tay, đều có dịp phát huy và phát triển tài năng của mình, nhằm mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, họ được đồng bào kính trọng, được Chính phủ và Đoàn thể nêu cao. Trong Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu, người ta thấy: Kỹ sư Trần Đại Nghĩa được bầu làm một trong ba Anh hùng lao động. Trong số 40 chiến sĩ lao động toàn quốc, thì có những người khoa học nổi tiếng như các bác sĩ Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Đức Khởi, kỹ sư Đặng Văn Vinh, thi sĩ Tú Mỡ và nhiều vị khác. Điều đó chứng tỏ:
- Chính phủ kháng chiến rất quý trọng những người trí thức chân chính.
- Những người trí thức chân chính đều hăng hái tham gia kháng chiến.
Chỉ một việc đó cũng đủ thấy: Ta nhất định thắng, địch nhất định thua.
C.B.
---------
- Báo Nhân Dân, số 70, ngày 14-8-1952, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.465-466.