Tôi là Giăng Pho (Jean Fort), thợ điện, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Tôi quen biết đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ năm 1920-1921, vì hồi đó chúng tôi trọ một nhà, ở ngõ hẻm Công (Compoint).

Đấy là khu công nhân nghèo, mà Ngõ lại là nghèo nhất ở khu nghèo này. Gọi là Ngõ hẻm, vì nó chỉ có đường vào, và có đường ra. Cả "phố" chỉ vẻn vẹn có bốn cái nhà lụp xụp, ba nhà họ cho thiên hạ để đặt xe. Một nhà, tầng dưới là quán cà phê nhỏ, tầng trên có hai cái buồng tôi và anh Nguyễn trọ.

Buồng anh Nguyễn chỉ vừa đặt một cái giường sắt, và một cái bàn cỏn con. Trên bàn một cái thau, trong thau có một pô để rửa mặt. Thế thôi, không có đồ gì khác. Khi anh Nguyễn muốn viết thì phải đút thau và pô xuống gầm giường.

Anh em công nhân khu này sống rất eo hẹp, anh Nguyễn, tôi còn sống thanh đạm. Mỗi ngày anh chỉ đi làm thuê buổi sáng cho một xưởng phóng đại ảnh. Trưa anh nấu một xoong cơm, trên cơm hấp cái lạp xường, hoặc một con cá mòi. Ăn một nửa còn một nửa để tối ăn. Cả chiều anh đi xem sách ở thư viện, hoặc hoạt động cho báo Người cùng khổ và hội "Các dân tộc thuộc địa". Mùa đông giá lạnh không đủ chăn đắp, trước khi đi làm, anh đặt nhờ một viên gạch trên bếp bà chủ nhà; tối về, anh gói viên gạch vào một tờ báo, rồi đút vào giường cho đỡ rét cóng. Mỗi tuần, tối thứ hai, anh và tôi đi họp Chi đoàn thanh niên cộng sản, vì anh thích tham gia hoạt động với thanh niên. Tối thứ năm, anh đi họp chi bộ cộng sản. Tối thứ bảy, tôi cùng anh đến câu lạc bộ ngoại ô. Gọi tên nó như là theo truyền thống Đại Cách mạng Pháp từ năm 1789. Sự thật thì không phải là một câu lạc bộ chính cống mà cũng không ở ngoại ô. Một người trí thức phái tả tên là Ponđét (Poldes) có sáng kiến tổ chức "câu lạc bộ" lưu động, mỗi tuần họp một lần, khi họp chỗ này, khi họp nơi khác ở thủ đô Pari. Thường có độ ba trăm người đến dự, đủ các xu hướng chính trị và các tầng lớp xã hội. Đại đa số là công nhân và tiểu tư sản "khai minh". Nhưng, cũng có ông nọ bà kia. Họ thảo luận những vấn đề thời sự, chính trị hoặc văn hóa xã hội. Một người trình bày vấn đề (có chuẩn bị trước). Sau đó, mọi người tự do phát biểu ý kiến.

Cuộc bàn cãi luôn luôn sôi nổi, nhưng rất thân mật.

Mỗi lần họp anh Nguyễn đều phát biểu ý kiến. Và bất kỳ vấn đề gì, anh cũng khéo lái nó về kết luận lên án thực dân. Một ví dụ: Trong một cuộc thảo luận về thuật "thôi miên", sau khi nhiều người nói tin, nhiều người nói không tin, anh Nguyễn xin phát biểu ý kiến. Anh nói: "Tin cũng được, không tin cũng được. Nhưng tôi xin mạn phép nói thật rằng bác sĩ Cuê (người thạo giỏi thuật "thôi miên") chưa giỏi bằng thực dân Pháp. Mỗi năm, với hàng nghìn tấn thuốc phiện, chúng đang làm cho hàng triệu người Việt Nam ngủ say đến nỗi quên mình là vong quốc nô".

Anh Nguyễn được mọi người hoan nghênh. Vì thái độ anh khiêm tốn và lời lẽ của anh gọn gàng. Lại vì ở câu lạc bộ và có lẽ ở cả Pari chỉ có anh là người Việt Nam dám lên tiếng chống thực dân Pháp. Một kết quả tốt là nhiều người đã đồng tình với anh và trở thành những người tuyên truyền cho cách mạng Việt Nam.

Chữ Pháp thì tôi biết nhiều hơn anh Nguyễn, điều đó không có gì lạ vì tôi là người Pháp. Nhưng xem sách lý luận bằng chữ Pháp thì nhiều khi tôi phải hỏi anh cắt nghĩa dùm. Tôi không biết viết báo, mà anh thì biết viết báo và đôi khi viết được tiểu thuyết ngắn nữa. Bài tiểu thuyết ngắn đầu tiên của anh được đăng trên báo Nhân đạo nhan đề Pari (Paris), tả một cách vừa rõ ràng vừa khôi hài vùng chung quanh ngõ hẻm Côngpoăng (Compoint). Tối nào dù bận công việc gì khuya mấy, anh cũng tranh thủ học tập hai tiếng đồng hồ.

Hồi đó, cách mạng Nga đang chiến đấu cực kỳ anh dũng mà cũng gặp nhiều khó khăn. Bọn phản cách mạng nổi loạn hầu khắp nơi, mười bốn nước đế quốc kéo quân đội đến giúp chúng. Mặt khác, bệnh tật và đói kém hoành hành. Trời rét như cắt mà Hồng quân thiếu áo, thiếu giầy. Công nhân làm việc không kể thời giờ, mà mỗi ngày chỉ được vài trăm gam bánh. Thiên hạ ốm lăn ra, nhưng than không có mà sưởi, thuốc không có mà uống. Lênin nói: "Chúng ta phải đánh thắng trên một mặt trận không có máu chảy, tức là đánh thắng đói và rét, bệnh dịch và điêu tàn, tối tăm và hỏng nát".

Đảng Cộng sản và Tổng công hội Pháp vận động quyên góp để giúp cách mạng Nga. Nhân dân lao động Pháp tham gia rất hăng hái. Anh Nguyễn thì vận động những công nhân Việt Nam ở Pari quyên giầy cũ, áo cũ. Anh góp vào bao tải mang về cho "Hội lạc quyên". Không có gì để quyên giúp, anh Nguyễn phóng đại ảnh Giôrét (Jaures) mang đến những cuộc mít tinh đông người bán đấu giá để lấy tiền quyên. Giá thành mỗi bức ảnh một đồng phơrăng, mà bán được vài ba chục đồng.

Những năm đó, thủ tướng Pháp là Poăngcarê (Poincare), trùm phản động trong nước và trên thế giới. Y là một trong những lãnh tụ cực lực chủ trương đánh Liên Xô, và đàn áp phong trào cộng sản. Trong cuộc tổng tuyển cử ở Pháp, y cho dán khắp cả nước một thứ áp phích to tướng, phía trên đề mấy chữ: "Bônsêvích, kẻ ngậm dao giết người". Nội dung bức vẽ: một người bônsêvích mặt mũi gớm guốc, miệng ngậm con dao đầy máu me, một tay cầm bó đuốc đốt nhà, một tay xách một cái đầu phụ nữ… Xa xa đằng sau là những thây người bị giết và những ngôi nhà đang cháy… Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân Pháp đấu tranh rất hăng. Nhiều lãnh tụ Đảng như cụ già Casanh (Cachin), đồng chí V.Cutuyriê (V.Couturier), v.v. bị bắt, bị giam.

Cũng trong thời kỳ ấy, luôn luôn có hai tên mật thám đi kèm anh Nguyễn như bóng theo người. Những khi anh đi họp chi bộ hoặc tham gia mít tinh, thì chúng đứng chờ đằng xa, không dám lại gần, chúng sợ bị công nhân đả.

Mỗi sáng chủ nhật, tôi cùng anh Nguyễn đi thăm các nhà máy, các viện bảo tàng, hoặc đi xem danh lam cổ tích, do hội "mỹ thuật và khoa học" tổ chức. Anh nói: "Đi xem là một cách tiêu khiển rất bổ ích, nó làm cho đầu óc thư thái và tầm con mắt được mở rộng. Anh bảo tôi rủ Mácgô (Margo) cùng đi. Mácgô là người yêu của tôi, cô ta kính mến anh Nguyễn như anh ruột. Mỗi lúc đến thăm tôi, Mácgô thường giặt giũ vá víu dùm anh Nguyễn. Có lần Mácgô ứa nước mắt và bảo tôi: "Đồng chí Nguyễn ăn uống kham khổ, mặt mày xanh xao, làm việc lại nhiều. Anh nên tìm cách giúp đỡ đồng chí ấy một cách kín đáo…".

Cuối năm 1923, tôi đổi chỗ làm việc không ở chung với anh Nguyễn nữa. Nhưng chủ nhật nào tôi và Mácgô cũng đến thăm anh. Bỗng hai chủ nhật liền không gặp anh. Hỏi bà chủ nhà, bà không biết anh đi đâu. Hỏi báo Người cùng khổ (Paria) và báo Nhân đạo cũng không ai biết, chúng tôi rất lo: có lẽ bọn thực dân Pháp đã giở trò gì với anh chăng? Mácgô rất buồn bã… Lâu về sau báo Nhân đạo đăng tin Đại hội lần thứ năm của Quốc tế Cộng sản, trong đó có lời phát biểu của anh Nguyễn. Vợ chồng tôi rất vui mừng được biết người bạn thân của mình đã bình an đến xứ sở Cách mạng Tháng Mười.

Năm 1930, nghe tin Đảng Cộng sản thành lập ở Việt Nam, chúng tôi lại một lần nữa vui mừng thấy tên anh Nguyễn. Cách ít lâu thì nghe tin anh bị bắt ở Hương Cảng, rồi có tin đồn anh đã chết trong tù. Suốt mấy hôm Mácgô đã khóc nức nở. Cách vài năm sau, đồng chí V.Cutuyriê (V.Couturier) đi Trung Quốc về, nói có gặp anh ở Thượng Hải, vợ chồng tôi lại vui mừng.

Sau năm 1940, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, Mácgô bị bắt đưa sang Đức làm nô lệ, sau trốn về nước. Hai vợ chồng tôi đi ra bưng biền.

Phát xít Đức, Ý, Nhật bị đánh tan, Liên Xô và đồng minh đại thắng lợi. Cách mạng Tháng Tám Việt Nam thành công. Chúng tôi tin chắc sẽ thấy tên anh Nguyễn, nhưng theo dõi mãi mà không thấy, chúng tôi hơi thất vọng.

Tháng 7-1946, được tin Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, Mácgô cùng tôi đến đón ở trường bay Pari, mong sẽ gặp anh Nguyễn trong đám người đi cùng với Hồ Chủ tịch. Nào ngờ, Hồ Chủ tịch chính là anh Nguyễn Ái Quốc của chúng tôi, chỉ khác là bây giờ có bộ râu.

Chúng tôi mừng quýnh lên, xô đẩy mọi người, hòng chạy đến ôm hôn người đồng chí yêu quý, nhưng bị hàng rào danh dự ngăn lại.

Chiều hôm đó, vợ chồng tôi mở một chai sâm banh chúc sức khỏe đồng chí Nguyễn - Hồ Chủ tịch.

Bọn đế quốc thật là đê tiện. Chúng vừa mới linh đình hoan nghênh Hồ Chủ tịch, mấy tháng sau chúng đã gây chiến tranh bẩn thỉu chống Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, công nhân và thanh niên Pháp tổ chức phong trào chống chiến tranh thuộc địa và ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam.

Tin Điện Biên Phủ đến với bọn thực dân Pháp như sét đánh ngang tai. Nhưng công nhân và thanh niên Pháp thì coi đó cũng là một thắng lợi to lớn của họ.

Lần này là lần thứ hai Mácgô đến ngân hàng lấy hết tiền tiết kiệm mua một chai sâm banh để chúc mừng thắng lợi của đồng chí Nguyễn - Hồ Chủ tịch và của nhân dân Việt Nam anh dũng.

Năm nay Hồ Chủ tịch (trong tâm trí chúng tôi vẫn là đồng chí Nguyễn Ái Quốc siêng năng, khiêm tốn và đáng yêu của chúng tôi như bốn mươi năm trước) - 70 tuổi; Mácgô, tôi và hai cháu bé đã thông qua nghị quyết mở một chai sâm banh nữa để chúc thọ Người.

TUYẾT LAN

-----------------------

Báo Nhân Dân, số 2231, ngày 27-4-1960, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.