- Đi tìm - Vào cuối năm 1940, chúng tôi một nhóm thanh niên Cao Bằng bí mật sang Trung Quốc đi tìm cách mạng, tìm lãnh tụ cách mạng. Trong nhóm có các bạn Quảng Ba, Hoàng Sâm, Bằng Giang,...

Đến biên giới Quảng Tây, chúng tôi tìm gặp Nguyễn Hải Thần và Trương Bội Công. Họ nói có giọng lãnh tụ ra phết. Nhưng kỳ thực chẳng cách mạng cách miếc gì cả. Chán quá.

Cũng trong lúc đó, lại nghe tin có một nhóm cách mạng khác đến Quảng Tây. Chúng tôi lại đi tìm, thì gặp các đồng chí Hoàng Văn Hoan, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng… Rồi chúng tôi gặp một ông cụ người gầy, trán cao, mắt sáng, ăn mặc như bác nông dân Trung Quốc. Chúng tôi cảm thấy ông cụ rất hiền lành và đối với chúng tôi rất bình đẳng…

Ít lâu sau, ba đồng chí Võ, Phạm, Hoàng ở lại Tĩnh Tây, ông cụ thì bí mật cùng chúng tôi về một làng Trung Quốc gần biên giới Cao Bằng, mở lớp huấn luyện. Ông cụ tức là Bác Hồ yêu kính của chúng ta. Cùng đi có ông Thược, thày thuốc và ông Lộc “anh nuôi”.

Ông Lộc là một người kỳ lạ. Quê ông ở Trung Bộ, trước kia ông ta là một tay buôn lậu, một khách giang hồ. Sau khi được giác ngộ cách mạng, Lộc trở nên một người cực kỳ tốt. Giữ tiền bạc của đoàn thể, Lộc không bao giờ sai suyển một xu, mà cũng không để cho ai lãng phí một xu. Việc gì khó khăn, nguy hiểm, Lộc đều xung phong trước. Dạy bình dân học vụ, cũng được. Giúp anh em tập quân sự, cũng khá. Tính ít nói, siêng làm. Đối với anh em, Lộc rất tử tế, nhưng nếu ai làm sai nội quy một tý là Lộc gắt lên như Trương Phi, mắng ngay vào mặt, không nể chút nào.

Phụ trách chăm nom sức khỏe Bác, hôm nào Lộc cũng xoay cho kỳ được vài con cua đồng hoặc một con cá nhỏ để nấu cho Bác một bát canh. Thấy Bác làm việc nhiều, Lộc tìm đủ mọi cách để làm cho Bác đỡ mệt nhọc. Bất kỳ công tác gì, Lộc đều cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Đồng chí Lộc đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến ở Việt Bắc.

- Ban huấn luyện - Anh Lê Quảng Ba quen thuộc vùng này. Anh dẫn chúng tôi đến nhà một thôn trưởng. Nhà này rộng rãi và thích hợp để mở lớp huấn luyện. Thôn trưởng tỏ vẻ ngần ngại trong thời kỳ chiến tranh mà chứa nhiều người lạ trong nhà. Thấy vậy, Bác đưa cho y xem một bức thư Trương Phát Khuê (Tổng chỉ huy quân đội Quảng Tây) gửi cho Nguyễn Hải Thần. Xem xong thư, thôn trưởng đứng phắt dậy và nói một cách lễ phép: “Thưa Nguyễn tiên sinh, tôi rất hân hạnh được tiên sinh và các đồng chí trọ ở nhà tôi…”. Thôn trưởng còn đi mượn thêm nhà bà con cho chúng tôi.

Bác dặn chúng tôi: “Ở nhà người ta, thì phải quét dọn sạch sẽ, ang nước phải đầy, bếp củi phải đủ”. Mỗi ngày, cứ sáng dậy thì Bác cùng chúng tôi quét dọn trong nhà ngoài sân. Xong rồi, mới vào lớp. Buổi chiều thì cùng nhau đi lấy củi. Vài hôm sau, cả làng tấm tắc khen ngợi. Ban huấn luyện chia làm mấy tổ, mỗi tổ ở chung một nhà. Buổi sớm Bác nói chuyện chung với cả ban. Chiều và tối, các tổ nghiên cứu riêng. Tôi nhớ Bác nói về mấy vấn đề: thời sự, cách mạng Nga, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa đế quốc, cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, cách tuyên truyền, cổ động, tổ chức, và tư cách người cách mạng…

Bác nói như kể chuyện, vui vẻ, dễ hiểu, dễ nhớ. Nói xong một đoạn, Bác lại hỏi mọi người đã hiểu rõ chưa? Có nhớ được không? Trong tổ chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau, cho nên hiểu và nhớ được hết.

Ăn Tết - Lớp huấn luyện gần xong thì cũng vừa đến ngày Tết.

Nhân lúc đi lấy củi trên rừng, Bác bàn với chúng tôi (trước khi làm việc gì, Bác cũng đưa ra bàn để chúng tôi phát biểu ý kiến): “Dù chúng ta ít tiền, nhưng cũng cần phải “nhập gia tùy tục”. Đến Tết, chúng ta nên có một cuộc chiêu đãi giản đơn, để tỏ lòng biết ơn người làng đã giúp đỡ chúng ta. Các chú nghĩ thế nào?”. Chúng tôi đều tán thành ý kiến Bác.

Sáng 30 Tết, chúng tôi làm mấy mâm cơm nếp và thịt lợn, mời các vị phụ lão và những người tai mắt trong làng đến chén một bữa vui vẻ.

Để khỏi phạm đến phong tục mê tín của dân làng, Bác dặn chúng tôi: “Mồng 1 Tết, các chú phải ở trong nhà, không được đi ra ngoài. Nếu các chủ nhà mời ăn thì mỗi tổ cử một vài người đi thôi…”.

Mồng 1 Tết, suốt cả buổi sáng cả làng chỉ lo cúng quảy. Trước hết họ cúng tổ tiên, rồi họ cúng cả ràn trâu, chuồng lợn, cái cối giã gạo, cái cuốc làm vườn, cái liềm, cái rạ… mọi nông cụ làm ăn đều được cúng. Sau đó thôn trưởng vào mời chúng tôi ăn Tết.

Như đã định trước, Bác và anh Quảng Ba nhận lời, còn chúng tôi đều xin miễn. Chủ nhà không chịu, nhất định mời đi hết. Có người giả ốm, họ cũng nắm tay kéo đi!

Trước khi ngồi vào cỗ, Bác dặn khẽ chúng tôi: “Các chú phải tự hạn chế nhé”. Khi bữa tiệc đến nửa chừng, thấy anh em “xung phong” quá hăng hái, Bác hỏi khẽ: “Mấy lần rồi, chú?”. Một anh vừa xới cơm đi sau lưng Bác trả lời: “Thưa mới 7 bát rồi ạ!”.

Ăn chưa xong, thì đã thấy Cụ Ba, Cụ Tư, Cụ Năm (các chú của thôn trưởng) đến mời chúng tôi đến nhà họ ăn Tết! Cho đến chiều tối, chúng tôi bị mời đi ăn Tết khắp cả các nhà trong làng. Thì ra dân ở đây có phong tục chuộng khách. Vả lại, họ cho rằng không có bạn đến nhà ăn Tết thì cả năm sẽ “xúi quẩy”.

- Về trước - Tối mồng 1, có tin mật báo rằng chuyên viên Quốc dân đảng sắp đến khám xét vùng này. Bác ra lệnh: Sắp xếp sẵn sàng, ngày mai phải chuồn sớm!...

Sáng mồng 2, các chủ nhà đều quyến luyến muốn lưu chúng tôi ở lại (Họ không biết lý do bí mật của chúng tôi). Bố mẹ anh thôn trưởng ân cần nói với Bác: “Mời Cụ và các anh ở lại chơi Tết với các cháu, đến ngày hạ nêu hẵng đi. Ai đã “ăn” hết Tây đi đâu, mà vội!”.

Chúng tôi đi làm 3 toán, “hành quân” rất nhanh, vì e gặp chuyên viên Quốc dân đảng. Hôm đó sương mù đặc như bánh đúc, cách nhau độ 1 thước cũng nhìn không thấy.

Đi khoảng vài tiếng đồng hồ, Bác bảo: “Nơi đây kín đáo, chúng ta hẵng nghỉ chân". Chưa đầy 3 phút, thì sương tan sạch. Té ra chúng mình ngồi giữa quãng đồng bằng mênh mông, chẳng có đồi bụi gì hết! Bác cháu lại xách ba lô hướng về phía núi mà chạy.

Chiều hôm đó chúng tôi về đến Pắc Bó. Xa cách đã mấy chục năm, hôm nay mới về đến Tổ quốc, Bác có vẻ rất cảm động.

Chúng tôi vào làng mượn rơm, mượn ván để tổ chức “đại bản doanh” trong hang. Bác và các anh tổ trưởng thì bàn kế hoạch công tác. Tối hôm đó, trong lúc đồng bào đang vui Tết, chúng tôi từng nhóm bí mật về các địa phương bắt đầu hoạt động.

Các anh Quảng Ba và Hoàng Sâm ở lại Pắc Bó với Bác. Chỉ trong vài tuần, chúng tôi đã xây dựng được một số cơ sở Việt Minh và trở về Pắc Bó báo cáo để xin kế hoạch mới.

Từ đó, phong trào phát triển rất nhanh, chẳng bao lâu đã xây dựng được nhiều nơi căn cứ vững chắc của cách mạng. Cách một năm sau tổ chức Việt Minh đã khắp tỉnh Cao Bằng, và lan đến các tỉnh lân cận, chúng tôi lại được ăn Tết với Bác ở Pắc Bó, một cái Tết rất là vui vẻ.

T. LAN

--------------

Báo Nhân Dân, số 2523, ngày 14-2-1961, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.