Dưới đầu đề ấy, tuần báo Pháp Paris Match (12-5) đã đăng một bài rất dài. Xin lược dịch mấy đoạn như sau:

Ngày thất bại ở Điện Biên Phủ là một ngày quan trọng, từ đó đế quốc Pháp bắt đầu tan rã… Trước ngày ấy, chưa hề có dân tộc thuộc địa nào đánh bại Pháp…

Những tướng tá Pháp - đánh hơn trăm trận, sức dư muôn người - mà nay đã bị những người bé nhỏ da vàng cho một bài học…

Cuộc thất bại ấy phá vỡ một mảnh uy tín của Pháp, và do chỗ hở đó mà người Việt, rồi đến người Ma-rốc, người Tuy-ni-di, người An-giê-ri ào ạt xông vào…

Hiện nay, Điện Biên Phủ đã trở lại một vùng yên lặng… Nhưng hồn phách của 1.500 tử sĩ Pháp còn ở đâu đây…

Người chiến sĩ Việt biết rõ họ chiến đấu cho mục đích gì: Đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước… để thoát khỏi ách những kẻ bóc lột, và để chia ruộng đất.

Lý tưởng của quân đội Pháp thì thay đổi luôn. Đầu thì họ chiến đấu để bảo vệ nền thống trị của Pháp. Sau thì chiến đấu để ngăn ngừa cộng sản. Họ không hiểu vì sao mà họ chiến đấu.

Sau 7 năm chiến tranh, trước ngày Điện Biên Phủ, tướng Na-va muốn mộ 12 vạn tân binh Việt Nam, nhưng chỉ có 7.000 người ra ứng mộ, trong số đó 5.000 người bị thải vì yếu ốm…

Tướng Na-va cũng nhận rằng du kích phát triển mạnh trong vùng Pháp kiểm soát… Trong thời kỳ Điện Biên Phủ, Na-va có 50 vạn binh và phải đánh nhau trên 7 mặt trận.

… Ở Điện Biên Phủ, quyết tâm của người Việt đã khắc phục những khó khăn về vận tải và vật chất.

Ở Điện Biên Phủ, quân đội Pháp gồm có những người thuộc 17 nước khác nhau… Tinh thần của họ không giống tinh thần táo bạo của chiến sĩ Việt. Vì vậy, hai cứ điểm bảo hộ trường bay Pháp đã bị thua ngay từ hôm đầu.

Tướng tá Pháp và chuyên gia Mỹ đều đồng ý, và viên chỉ huy pháo binh Pháp đã nói quả quyết: “Trong 2 hôm tôi sẽ đánh tan pháo binh Việt”. Nhưng sau 2 hôm, pháo binh Việt vẫn bắn dữ dội vào trường bay và bộ đội Pháp. Viên chỉ huy pháo binh Pháp đã tự sát bằng lựu đạn…

Quân đội Pháp bắt đầu nhảy dù xuống Điện Biên Phủ từ 20-11-1953. Hôm 7-5-1954, sau 57 ngày chiến đấu kịch liệt, tướng Cát-stri đầu hàng.

Kết quả chiến tranh ở Việt Nam, chỉ kể bộ binh, thì số người Pháp chính cống đã “hy sinh cho nước Pháp” là:

2 tướng
8 đại tá
18 trung tá
69 thiếu tá
341 đại úy
1.140 trung úy và thiếu úy
2.683 hạ sĩ quan
6.000 lính.
Mất tích: 1 trung tá, 5 thiếu tá, 60 đại úy, 134 trung úy và thiếu úy, 2.755 hạ sĩ quan và lính.
Tính tất cả binh sĩ Âu, Phi, Việt, thì Pháp đã mất ở Đông Dương 106.658 người chết hoặc là mất tích.

Báo ấy kết luận đại ý là:

Chớ quên kinh nghiệm Điện Biên
An-giê-ri cũng là miền Ngọc Quan.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 829, ngày 11-6-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.