Tờ tuần báo Mỹ Tân Văn ngày 26-5 đăng một bài rất dài về phong trào chống Mỹ ở các nước ngoài. Sau đây là tóm tắt nội dung của bài ấy:

... Thậm chí những người lạc quan nhất cũng phải nhận rằng ở các nước tâm lý chống Mỹ ngày càng lên cao. Những ký giả của báo Tân Văn phái đến các nước ngoài đều nhận thấy rằng lòng tin cậy của thế giới đối với sự lãnh đạo của Mỹ đã giảm sút rồi.

Việc các nước đều oán ghét Đalét, đủ chứng tỏ điều đó.

Một việc kiểu mẫu nữa: Năm 1957, sở điều tra Ấn Độ thăm dò ý kiến nhân dân, kết quả là 47,5% nhân dân tỏ ra cảm tình tốt với Chu Ân Lai, mà chỉ có 14,9% tỏ ra cảm tình với Tổng thống Mỹ.

Đối với các nước bà con nghèo túng, cách “cậu ấm” xa xỉ của Mỹ càng làm cho họ thêm khó chịu. Thí dụ: Ở Pháp, theo sự thăm dò ý kiến gần đây, chỉ có 26% nhân dân cho Mỹ là muốn hòa bình. Còn những người chính trị thông thạo ở Pháp thì đều cho rằng Mỹ có dã tâm đối với Angiêri và Sahara [1].

Đối với người ngoài, chính sách kinh tế Mỹ ảnh hưởng cũng to. Một ký giả Nam Mỹ nói: “Khi Mỹ không cần đến tài nguyên của nước chúng tôi, thì họ chẳng đoái hoài gì đến chúng tôi”.

Các dân tộc mới thoát khỏi ách thuộc địa đều không tin Mỹ là một nước chống chủ nghĩa thực dân. Việc lộn xộn ở xứ Thành Đá nhỏ làm cho nhân dân Á và Phi tưởng rằng hoàn cảnh người Mỹ da đen hiện nay không khác gì thời kỳ nô lệ [2].

Trong con mắt của nhân dân Đông - Nam Á, Mỹ là một bức vẽ khôi hài xấu xí vô cùng. Thậm chí những người Á, Phi có học thức cũng cho rằng Mỹ là mọi rợ, ngu xuẩn. Một người văn nghệ Ấn Độ nói với một người Mỹ: “Ông không thể là một người Mỹ thật sự, mà đồng thời lại có hứng thú đối với văn nghệ”.

Những bức vẽ hình con gái và những tạp chí Cine Mỹ làm cho người ngoài cho rằng người Mỹ là một bọn cuồng dâm không yên tâm với đời sống có chồng có vợ.

Những bản kịch múa hát, những lạp sườn Phranphort, những máy hát Mỹ được thế giới tư sản hoan nghênh. Nhưng họ không hoan nghênh tư tưởng Mỹ. Họ cho rằng Mỹ quá sợ cộng sản. Người chủ tờ báo Tấm gương ở Tây Đức nói: “Mỹ không nên khẩn trương quá như thế, hễ ai chỉ nhìn một lần cung điện Kremlin [3] thì Mỹ liền cho rằng người ấy là phản bội thế giới tự do”.

Về quân sự, thậm chí những người bạn của Mỹ cũng nhận rằng vì Mỹ hiếu chiến, cho nên đã xây dựng khắp nơi những căn cứ tên lửa và bom khinh khí. Mặt khác, từ ngày có vệ tinh bay liệng trên trời, họ lại càng sợ rằng Mỹ không bằng Liên Xô. Chiếu bóng Mỹ chiếm 60% trên thế giới, song những phim giết người cướp của, say rượu lu bù, thanh niên phạm tội... đã gây những ảnh hưởng rất xấu.

Mỗi năm Mỹ chi tiêu 100 triệu đôla vào việc tuyên truyền. Những cán bộ già làm việc nhiều ở Bộ tuyên truyền đều nhận rằng: Công việc của họ khác nào lấy thìa mà tát nước trên một chiếc thuyền đã thủng. Nhiều quan lại Mỹ cũng nhận rằng không một cơ quan nào của Chính phủ Mỹ có thể đối phó được với tâm lý chống Mỹ. Một cán bộ phụ trách Đài Phát thanh “Tiếng nói Hoa Kỳ” nói: Tâm lý ấy đã thành một phong trào rộng lớn. Tiếng nói Hoa Kỳ không ảnh hưởng được nó.

Một ký giả Ácgiăngtin [4] nói: “Mỹ là một con sói mang lốt dê. Ngoài miệng thì nói giúp đỡ, trong lòng thì quyết bắt buộc nước ngoài làm theo chính sách của Mỹ”.

Một người buôn Thái Lan nói: “Khi tôi gặp một người Mỹ, ngoài chuyện cộng sản đe dọa và khoe khoang Mỹ tài giỏi, nếu người đó còn có thể nói đến Picátxô [5] hoặc một điều gì khác thì đó là một điều lạ thường”.

Báo Thương nghiệp Mỹ ngày 24-5 viết: Đến 30-6, ngân sách Mỹ sẽ thiếu hụt 300 triệu đôla. Vì chi tiêu quá rộng, ngân sách năm sau sẽ thiếu hụt từ 80 đến 100 triệu đôla.

TRẦN LỰC

----------------------------- 

 [1] Angiêri và Sahara là thuộc địa của Pháp (T.G).

[2] Thành Đá nhỏ là một thành phố Mỹ. Người Mỹ da trắng ở đó đối với người Mỹ da đen rất tàn nhẫn (T.G).

[3] Điện Kremlin: Trụ sở làm việc của Chính phủ Liên Xô (B.T).

[4] Ácgiăngtin: Áchentina (B.T).

[5] Picátxô là một họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng người Tây Ban Nha (B.T).

- Báo Nhân Dân, số 1538, ngày 29-5-1958, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.418-420.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.