Cuối tháng 12-1957, tờ báo tư sản Pháp Thế giới đăng ba bài bình luận tình hình kinh tế miền Nam Việt Nam.

Sau những đoạn tâng bốc Diệm, ca tụng Mỹ, khoe khoang Pháp, báo Thế giới phải ngậm ngùi thừa nhận sự sụp nát của chủ nghĩa thực dân. Báo ấy viết:

Trước đây, Pháp thống trị “toàn cả Đông Dương”, một nửa Thượng Hải, đường xe lửa Vân Nam, tô giới Quảng Châu Loan, tô giới ở Thiên Tân và ở nhiều thành phố khác của Trung Quốc. Tàu chiến của Pháp tha hồ ngược xuôi trên sông Trường Giang… Nhưng hiện nay thì Pháp không còn gì nữa.

Để đỡ buồn, báo ấy viết thêm:

“Không chỉ Pháp bị vắng mặt ở châu Á mà Anh cũng mất hết thuộc địa, Hà Lan và Nhật Bản cũng vậy, Mỹ cũng mất hết địa vị ở Trung Hoa”.

Về kinh tế miền Nam, báo ấy viết:

“3 phần 4 ngân sách của miền Nam là do Mỹ “giúp”. Xuất khẩu chỉ bằng 26% nhập khẩu; sự kém sút khổng lồ là 74%, cũng nhờ Mỹ “bù”. Điều đó chứng tỏ tình hình của miền Nam bấp bênh đến mức nào…

Miền Nam có thể tự mình làm cho sự buôn bán thăng bằng mà không nhờ đến Mỹ chăng? Chỉ có cách ra sức phát triển xuất khẩu bằng cách tăng gia sản xuất cao-su và gạo. Tiếc rằng tư bản Việt Nam không thích trồng cao-su vì phải bảy năm cao-su mới có nhựa. Muốn xuất khẩu mỗi năm mười vạn tấn, thì phải chờ một thời kỳ lâu.

Còn về gạo, thì người Nam Việt có thể làm một cách tích cực. Song tiếc thay, trước kia Pháp ở Đông Dương, mỗi năm xuất khẩu 1.500.000 tấn, nhưng năm 1956, người Việt không xuất khẩu một hạt gạo nào. Năm 1957 chỉ xuất khẩu độ 18 vạn tấn…

Sự cố gắng to lớn cần thiết về mặt nông nghiệp cũng chưa thực hiện như công việc vét kênh, sửa đê, tưới ruộng đều rất chậm trễ… 60 vạn mẫu tây ruộng ở miền Tây vẫn còn bỏ hoang… Việc cải cách điền địa thì chính quyền miền Nam thi hành một cách ít tin tưởng vì sự kháng cự của các đại địa chủ”.

Báo Thế giới viết tiếp:

“Đáng lẽ chính quyền Diệm đạt được một địa vị kinh tế thuận lợi… Miền Bắc thì nghèo và số người quá đông, xưa nay nó là một gánh nặng cho Đông Dương; còn miền Nam là nguồn gốc giàu có. Nhưng cho đến nay, chính quyền miền Nam đã chỉ làm chính trị mà bỏ quên kinh tế. Sự “viện trợ” của Mỹ đã làm cho họ tê liệt… Hiện nay, miền Nam đang gặp cuộc khủng hoảng khá nghiêm trọng vì số tiền lưu thông quá ít… Nhưng đã xuất hiện một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn và lâu dài hơn, nhất là vì sức mua của nhân dân kém sút.

Miền Nam cần phải làm cho nền tảng kinh tế phong phú hơn, và xây dựng một công nghiệp dù là một công nghiệp thường thôi, để bù đắp cho khoản nhập khẩu mà hiện nay phình lên quá to.

Nhưng khốn nỗi Mỹ không giúp họ giải quyết vấn đề này… Ngoài sự làm tràn ngập thị trường với những hàng hóa từ thuốc đánh răng đến xe hơi sang trọng, Mỹ chỉ giúp miền Nam thiết bị trong khuôn khổ kinh tế hiện có. Mỹ không muốn miền Nam xây dựng kinh tế mới và công nghiệp hóa.

Ở miền Bắc của Hồ Chí Minh dù sao người ta cũng xây dựng những nhà máy mới. Trái lại, ở miền Nam thì sự “phóng nhiệm” của Mỹ và thành kiến của Mỹ đối với mọi hình thức kế hoạch hóa, là những nguyên nhân nghiêm trọng của sự đình đốn…”.

Xem lời bình luận dè dặt của báo Thế giới, chúng ta cũng đủ phán đoán nền kinh tế ở miền Nam bấp bênh thế nào và đời sống của đồng bào miền Nam khó khăn thế nào. Đồng thời nó cũng thúc giục chúng ta ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để hoàn thành tốt kế hoạch kinh tế mà Đảng và Chính phủ ta đề ra, nhằm làm cho miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội làm nền tảng vững mạnh cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

T.L.

---------

Báo Nhân Dân, số 1448, ngày 27-2-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.