Nhiều báo chí tư sản Pháp chê trách Ngô Đình Diệm không dám phát biểu, hoặc cố ý bóp méo bức thư của hai Chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ khuyên y hiệp thương với Chính phủ ta để thực hiện tổng tuyển cử tự do, thống nhất nước nhà.

Các báo ấy cũng nói nhiều về tình hình bối rối của chính quyền miền Nam. Thí dụ:

Báo Diễn đàn các dân tộc (22-6) viết:

- Nhân dân miền Nam đòi hiệp thương với miền Bắc. Như vài tờ báo Sài Gòn đã lên tiếng hỏi: Vì sao không để người miền Nam ra Bắc xem, phải chăng miền Bắc không có tự do, như lời người ta tố cáo?

Nội bộ của Diệm lục đục. Ngô Đình Nhu và Trần Chánh Thành mâu thuẫn gắt gao. Có những nhân sĩ nổi tiếng đã viết thư trách Diệm độc tài.

Phong trào hòa bình trung lập ngày càng thêm mạnh ở châu Á (thậm chí Lý Thừa Vãn cũng nói hòa bình, thống nhất Triều Tiên), càng làm cho chính quyền miền Nam thêm bối rối.

Báo Chợ thuộc địa (2-6) viết:

- Sự đối đãi tư túng của Diệm làm cho người miền Nam bất bình. Gia đình họ hàng của Diệm được hưởng đặc lợi đặc quyền, việc đó từ lâu đã gây nên lòng bất mãn trong xã hội. Lòng bất mãn của các tầng lớp xã hội có thể tai hại cho chính quyền họ Ngô.

Báo Thế giới (2-6) viết:

- Ở miền Nam, các phần tử đối lập bị khủng bố. Trong trại giam có 2.000 lính và hàng chục sĩ quan, cùng 4.000 “chính trị” trong đó những nhân viên cao cấp và những trí thức nổi tiếng. Điều đó chứng tỏ sự bối rối của chính quyền Sài Gòn.

Nhiều người trước đây ủng hộ Diệm, nay cũng nhiều người bị bắt, như Nguyễn Văn Cát - nguyên Thứ trưởng Bộ nội vụ, Nguyễn Thành Sư - Ủy viên trong “Ủy ban cách mạng”, Lê Văn Phiên - Tổng bí thư Đảng xã hội.

Tình hình chính trị như vậy, tình hình kinh tế-xã hội cũng chẳng hơn gì.

“Kinh tế bấp bênh của chính quyền miền Nam chỉ dựa vào viện trợ Mỹ, và ngày càng kém sút. Mức sống giảm sút rất nhiều. Người thất nghiệp ngày thêm đông” (Báo Chợ thuộc địa).

Nạn tham ô tràn lan. Trong khi nhân dân thiếu gạo ăn, thì các tỉnh trưởng ở 5 tỉnh Trung Bộ đã buôn lậu hàng vạn tấn gạo. Một cựu bộ trưởng là Ung Bảo Toàn cũng liên quan vào vụ ấy… (các báo Sài Gòn).

Vài nét tóm tắt trên đây đủ chứng tỏ chính quyền Mỹ-Diệm là thế nào.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 860, ngày 12-7-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.