Chỉnh phong là một cuộc vận động cải tạo khắp toàn dân.

Để đẩy mạnh chỉnh phong, báo chữ to là một công cụ rất nhanh nhẹn, sắc bén và dân chủ.

Khắp các nhà máy, nông trường, cơ quan, trường học, hiệu buôn, doanh trại, đường phố... đâu đâu cũng có rất nhiều báo chữ to. Thật là muôn màu muôn vẻ. Nó là báo của nhân dân. Nhân dân viết, nhân dân đọc. Nó vừa giúp Đảng chỉnh phong, vừa giáo dục và nâng cao giác ngộ chính trị của quần chúng.

Nội dung của báo chữ to là phê bình, tự phê bình, và nêu ý kiến một cách rất thiết thực, cụ thể, “nói có sách, mách có chứng”, không ngần ngại e dè. Nó đánh thẳng vào những bệnh quan liêu, chủ quan, bè phái. Nó đập vào năm thói xấu là: quan dạng, uể oải, kiêu ngạo, phô trương và sợ khó sợ khổ.

Hình thức của nó rất gọn gàng, hoạt bát, phổ thông. Phần nhiều báo chữ to viết bằng câu thơ, điệu hát, bài vè. Bất kỳ bằng hình thức nào nó đều nói thẳng vào việc, vào người, chứ không ấp úng, hoặc dài dòng “từ dây cà ra dây muống”.

Lúc đầu chưa quen, quần chúng còn hơi ngần ngại: phê bình thì sợ mất lòng, e nói không đúng sẽ mất thể diện, ngại nêu vấn đề rồi có được giải quyết chăng? ...

Cấp lãnh đạo đã chịu khó tìm mọi cách giải thích rõ ràng và cổ động quần chúng mạnh dạn nói hết ý kiến của họ. Dù những ý kiến nhỏ, cấp lãnh đạo cũng lắng nghe. Những vấn đề cần giải quyết thì giải quyết ngay, cần giải thích thì giải thích ngay.

Cũng có khi những phần tử xấu lợi dụng “đại minh đại phóng” để nói bậy. Đối với những luận điệu bậy bạ ấy, cách tốt nhất là đưa ra cho quần chúng tranh luận trắng ra trắng, đen ra đen. Như thế, quần chúng vừa lột mặt nạ bọn xấu, vừa tự giáo dục mình. Quần chúng bao giờ cũng sáng suốt.

Bây giờ, tôi xin nêu một thành phố, một huyện và một tỉnh làm thí dụ:

Thượng Hải: Nhân dân thành phố bắt đầu chỉnh phong từ 8-3-1958. Cuộc đại hội vận động mở đầu tối hôm trước, thì sáng hôm sau báo chữ to đã dán khắp phố phường. Quần chúng hăng hái một cách không thể tưởng tượng. Cụ già Chu biết nhiều người, nhiều việc, đã hướng dẫn con cháu viết 1.250 tờ.

Chị Lâm Đệ đã viết 100 tờ. Khi nghe nói chị Ngô Ấp Tân viết 150 tờ, chị Đệ viết thêm 100 tờ nữa. Với tinh thần thi đua hữu nghị, chị Tân lại viết thêm 50 tờ nữa cho đủ 200 tờ.

Ở một đường phố khác, bà Lý Hà Anh, với sự giúp đỡ của chồng và các con, đã viết 300 tờ.

Đoàn thanh niên cộng sản đã tổ chức 850 đội đột kích, để viết giùm cho những người có ý kiến nhưng viết không được.

Từ tối ngày mồng 8 đến tối ngày mồng 9-3, các khu phố đã có hơn 2.500.000 tờ báo chữ to, để ý kiến với chính quyền (công việc vệ sinh, trật tự, trị an thuần phong mỹ tục...) và phê bình những cán bộ có tác phong và thái độ không đúng. Thí dụ: một nữ thanh niên đã phê bình một cán bộ của Đoàn như sau:

“Anh đến liên hệ với quần chúng,

Mà không nói năng, chỉ làm thinh.

Quần chúng tranh luận rất sôi nổi,

Nhưng anh không nói ý kiến mình.

Hội nghị xong, anh về trụ sở,

Chẳng giúp ích gì cho tình hình”.

Ngay trưa hôm đó, anh cán bộ viết báo tự phê bình và hứa sửa chữa.

Các cơ quan và đoàn thể đã phái nhiều cán bộ đi xem báo chữ to để thu thập ý kiến của quần chúng và sửa chữa những thiếu sót mà quần chúng đã nêu ra. Thấy cấp lãnh đạo có quyết tâm, quần chúng càng hăng hái nêu ý kiến.

Từ ngày chỉnh phong, tư tưởng chính trị, đạo đức công dân và tinh thần đoàn kết của nhân dân thành phố tiến bộ rất nhanh, rất nhiều.

- Huyện Ngọc Lâm: Chỉ ba tiếng đồng hồ sau khi phát động, nhiều cán bộ đã viết 30 tờ báo chữ to. Sáu hôm sau, hương Đông Minh đã có 126.000 tờ. Trong một tháng, cả huyện có hơn 1.120.000 tờ.

Khi ra đồng làm ruộng, cán bộ và nông dân mang bút giấy theo. Lúc nghỉ việc, họ ra sức viết. Tối về đưa báo ra dán ở đình làng.

Nội dung báo là phê bình, tranh luận, khen ngợi và nêu ý kiến. Họ tranh luận sôi nổi về hai xu hướng: làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ; hay là làm ít, chậm, xấu, đắt?

Báo chữ to đã giúp đẩy mạnh phong trào sản xuất. Thí dụ: trước chỉnh phong mỗi mẫu ta, nông dân chỉ bón 15.000 gánh phân. Nay họ thi đua bón 50.000 gánh.

Đội sản xuất của anh Hoán Du chậm cày hai mẫu ruộng đồi, anh bị báo chữ to phê bình:

“Ra sức thi đua xem ai giỏi,

Ngày đêm đấu tranh, cốt được mùa,

Hai mẫu ruộng đồi bỏ lơ lửng,

Hỏi anh: như vậy được hay thua?

Đội anh cần phải suy nghĩ kỹ,

Tư tưởng bảo thủ không ai ưa

Ai có trách nhiệm phải rõ rệt,

Phải chống hữu khuynh, phải thi đua”.

Ngay tối hôm đó, anh Hoán Du đã động viên cả đội đi cày đất và gánh phân cho hai mẫu ruộng đồi.

Một xã viên thanh niên đập lại 50 kilô rơm, được 1 cân 12 lạng thóc sót lại. Anh liền viết lên báo chữ to: “Hợp tác xã ta có 600 mẫu ruộng. Bình quân mỗi mẫu có 250 kilô rơm. Cứ 50 kilô rơm sót lại 1 cân 12 lạng thóc, như vậy là mỗi mùa gặt xã ta đã bỏ sót độ 10 tấn thóc...”.

Kết quả là mọi người đều đập lúa cẩn thận hơn trước, không để sót thóc trong rơm.

Báo chữ to đã thúc đẩy nhân dân cả huyện hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; mà phong tục tập quán cũng đổi mới và tiến bộ rất nhiều.

- Tỉnh Quảng Đông: Phát động được 20 hôm, nông dân trong tỉnh đã viết hơn 120 triệu tờ báo chữ to. Bình quân mỗi người nông dân đã viết năm tờ. Trên mặt báo đều là lời phê bình hoặc để ý kiến giữa xã viên với xã viên, giữa xã viên với cán bộ, giữa cán bộ với cán bộ và giữa cán bộ với xã viên. Cũng có cha con, anh em, vợ chồng dùng báo chữ to để tự phê bình và phê bình nhau. Vì vậy, báo đã có ảnh hưởng to, hiệu quả tốt.

Nói chung, các tờ báo đều nhấn mạnh hai việc chính: làm thế nào để cho vụ này được mùa, và chuẩn bị vụ sau cho tốt. Vài việc sau đây chứng tỏ lực lượng của báo chữ to:

Hợp tác xã Bồ Điền có 1.590 mẫu lúa hạng ba, các xã viên viết hơn một vạn tờ báo phê bình. Ban quản lý lập tức khai đại hội quần chúng, và liền sau đó đã tổ chức bón thêm hai lần phân. Lúa hạng ba đều tốt hẳn lên và biến thành hạng nhất và hạng hai.

Quần chúng lại có sáng kiến cắm ngay báo chữ to vào những đám lúa tốt nhất và những đám xấu nhất, để cho mọi người so sánh và khen chê. Kết quả là nhiều đám lúa xấu đã biến thành tốt.

Về việc phân bón, có nông dân và cán bộ không tin mỗi mẫu có thể bón 5.000 gánh. Họ mượn cớ rằng: không biết lấy phân ở đâu, không có thời giờ và không đủ sức để đi tìm phân. Sau khi “đại minh, đại phóng”, quần chúng đã tìm được 153 nguồn phân. Thế là luận điệu bảo thủ “ba không” bị đánh tan, và phong trào trữ phân lên vùn vụt.

Quan hệ giữa người này với người khác cũng nhờ báo chữ to mà cải thiện. Như chủ nhiệm hợp tác xã Mai Hoa thường có vẻ quan dạng, quần chúng không ưa. Nay được báo chữ to phê bình, đồng chí ấy đã sửa chữa hẳn; xã viên liền viết báo khen:

“Trước kia, gọi mãi không thưa,

Nay vừa mới gọi, thì vừa đáp ngay”.

Cán bộ thật thà tự phê bình thì càng được quần chúng tin cậy và ủng hộ. Họ nói: “Cán bộ đã sửa đổi, thì chúng mình nên sẵn sàng nghe lời cán bộ”.

Báo chữ to đã làm cho con người có “năm biến hóa”: người tốt biến thành càng tốt; người lạc hậu, biến thành tiên tiến; người lười biếng, biến thành siêng năng; người dối trá, biến thành người kính trọng của công, coi hợp tác xã như nhà mình.

Do đó, mà hợp tác xã càng phát triển và càng củng cố. Như 345 hợp tác xã ở huyện Hà Nguyên, trước chỉnh phong:

Xã hạng nhất là 37%, nay tăng lên 71%.

Xã hạng nhì là 40%, nay giảm còn 20%.

Xã hạng ba là 23%, nay giảm còn 9%.

Các đồng chí phụ trách cho biết rằng: đến ngày kết thúc đợt chỉnh phong này, cả tỉnh sẽ có độ 300 triệu tờ báo chữ to.

Sẵn đây, tôi xin dịch vài bài báo chữ to của hợp tác xã Xa Phúc, để các đồng chí thấy văn chương của nông dân Trung Quốc anh em.

Báo chữ to phê bình đội A:

“Tôi là ruộng mạ đội A,

Đói sống, đói chết, ai mà biết cho!

Cỏ sinh, cỏ nở cao to,

Trông vào ai chẳng ruột co, nước mắt tràn!”.

Đội A lúc đầu còn cãi lại:

“Đội tôi chỉ có ruộng trên đồi,

Không quản khó nhọc, đội thời chăm lo.

Phân bao nhiêu, cũng không vừa,

Mạ xấu vì đất xấu, chớ đổ thừa cho đội A”.

Các đội bạn tiếp tục phê bình và giúp đỡ, đội A cố gắng sửa chữa, mạ trở nên xanh tươi. Đội A tự phê bình và hứa hẹn:

“Đội tôi lạc hậu thật thà,

Ra sức sản xuất đã là mấy ai!

Cảm ơn các bạn giúp sức, giúp tài,

Chúng tôi quyết tâm sửa đổi, để thành người xung phong.

Nay tuy sửa đổi còn chưa xong,

Mai sau, xin hứa sản xuất, tiến lên vòng quán quân”.

Nói tóm lại: báo chữ to là một thứ vũ khí tinh thần rất mới và rất sắc bén của nhân dân để đánh tan tư tưởng và tác phong cũ, để tiếp thu tư tưởng và tác phong mới. Nó giúp cho mọi người, mọi việc tiến bộ nhảy vọt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vẻ vang.

TRẦN LỰC

---------------------

Báo Nhân Dân, số 1619, ngày 18-8-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.