Báo Tiền Phong có ra những số đặc biệt cho các em nhi đồng, đó là một việc hay. Sau đây là vài kinh nghiệm của báo Nhi đồng Trung Quốc có thể giúp thêm ý kiến cho báo Nhi đồng ta:

Tân thiếu niên là một tờ báo to nhất của nhi đồng Trung Quốc. Mỗi kỳ ra 1 triệu 19 vạn 8.000 số, bán khắp cả nước.

Mục đích và nội dung - Nhằm giáo dục trẻ em tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế một cách thích hợp với tuổi nhỏ của trẻ em, báo ấy đăng những chuyện đời xưa vắn tắt, thú vị và có ý nghĩa giáo dục; nhiều tranh vẽ giản đơn và dễ hiểu về những việc quan trọng trên thế giới; những kết quả tốt đẹp trong việc xây dựng nước nhà. Bài báo thì bài nào dài lắm cũng không quá 150 chữ.

- Báo đăng những chuyện anh hùng gương mẫu để bồi dưỡng cho trẻ em đức tính gan dạ, thành thật, giữ kỷ luật, chí công vô tư. Những bài ấy ảnh hưởng rất to. Vài thí dụ:

Hôm trước, báo đăng một bài "Không phải tiền tôi, tôi không lấy". Hôm sau, em B. đưa trả lại cái bút máy em ấy đã lấy cắp của bạn và xin lỗi.

Trẻ em ở nông thôn thường lấy đòng đòng lúa làm kèn thổi. Báo đăng một bức vẽ hai con chuột cắn lúa và bảo nhau: "Các chú bé kia là bạn của chúng ta đấy". Xem bức vẽ ấy, các em bảo nhau: "Quyết làm bạn với bà con nông dân, chứ không làm bạn của chuột". Từ đó, các em không lấy đòng lúa làm kèn nữa.

- Báo dạy trẻ em những thường thức khoa học, bằng những bức vẽ và những câu giải thích rất thú vị, rất dễ hiểu.

- Báo trả lời những câu hỏi của trẻ em như: "Vì sao khi tôi chạy thì ông trăng cũng chạy theo tôi?", "Vì sao bánh trôi nước lúc đầu thì chìm, lúc sau lại nổi?"...

- Báo dạy trẻ em cách giữ vệ sinh, cách chơi vui có ích, v.v..

- Báo tổ chức và hướng dẫn phong trào thi đua, giúp cho các trẻ em phát triển tinh thần tự động và đầu óc sáng tạo.

Báo Tân thiếu niên đã trở nên người thầy mến, người bạn thân thiết của các trẻ em. Nhiều em tự động lãnh trách nhiệm bán giúp báo. Mỗi tháng báo nhận được 4, 5 trăm bức thư của các trẻ em báo cáo công tác, cho tin tức, đặt câu hỏi, nêu ý kiến...

Những người giúp đỡ báo - Nhiều vị giáo sư, nhà văn, thầy thuốc, công trình sư... giúp báo viết bài, vẽ tranh, trả lời câu hỏi, v.v..

Hơn 600 cô giáo, thầy giáo thường xuyên liên lạc với báo. Hơn 300 giáo viên, đoàn viên thanh niên, các cô, các mẹ làm phóng viên cho báo. Nhờ vậy, báo ngày càng phát triển.

Đó là những kinh nghiệm mà báo Nhi đồng Việt Nam ta nên cố gắng làm theo.

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 478, ngày 24-6-1955, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.9-10.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.