Vì sao tôn trọng và bảo vệ tài sản công cộng là nhiệm vụ thiêng liêng của mọi người công dân?

Tài sản công cộng là nền tảng, là vốn liếng để khôi phục và xây dựng kinh tế chung, để làm cho dân giàu nước mạnh, để nâng cao đời sống của nhân dân. Vì vậy, bảo vệ tài sản chung là nhất trí với lợi ích riêng của mọi người. Khinh thường tài sản chung tức là hại đến lợi ích riêng của mọi người.

Có nhiều thứ khinh thường tài sản chung, thí dụ:

- Những cơ quan tổ chức kềnh càng không hợp lý, việc ít người nhiều, tốn kém cho công quỹ một cách vô ích. Hoặc ham chuộng hình thức, trưng diện cho sang, phô trương, lãng phí.

- Những ngành làm việc luộm thuộm, bừa bãi, để hư hỏng nguyên liệu và dụng cụ. Hoặc không khéo kinh doanh, quản lý, kế hoạch không chín chắn, sổ sách không phân minh, hại đến sản xuất; hàng hóa bị ứ đọng, hư hỏng.

- Những người buôn lậu, trốn thuế, tổn hại cho công quỹ của Chính phủ và cho những bà con buôn bán thật thà.

- Những cán bộ không cảnh giác, để bọn bất lương trộm cắp của công, v.v..

Để chống những tai hại ấy, thì cần phải giáo dục cho mọi người thấm nhuần: tôn trọng và bảo vệ của công là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi một công dân. Đồng thời:

- Các cơ quan cần phải chống phô trương, lãng phí; cần phải bồi dưỡng đạo đức cần, kiệm, chất phác.

- Các ngành giáo dục cần phải bồi dưỡng cho thanh niên thói quen tiết kiệm, bảo vệ của chung; chống lãng phí xa hoa, xem khinh lao động.

- Mỗi công dân, mỗi cơ quan cần phải kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí, và nâng cao cảnh giác đề phòng địch phá hoại.

- Các cơ quan phụ trách cần phải nghiêm khắc ngăn ngừa tham ô, lãng phí và kịp thời thi hành kỷ luật đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi.

Hiện nay, ở các nhà máy và các công trường, công nhân, nhân dân và thanh niên xung phong đang thi đua nâng cao năng suất và tiết kiệm, nêu gương đạo đức công dân. Quần chúng đã tiến bước, các cơ quan và cán bộ cần phải thực hiện phong trào tiết kiệm và bảo vệ của công. Đó là một cách chắc chắn để đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế một cách thiết thực để mau chóng cải thiện đời sống của nhân dân.

C.B.

------

- Báo Nhân Dân, số 340, ngày 5-2-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.297-298.


Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.