Ở một công trường kia, có tổ trộn bê tông đã cho xi măng vào cối trộn quá mức. Một số công nhân thấy thế, kêu: "Lãng phí!". Nhưng mấy người khác lại nói: "Của công dùng vào việc công, có ai lấy làm việc riêng đâu! Bỏ thêm một ít xi măng vào thì bê tông càng cứng, có mất đi đâu mà kêu là lãng phí!".

Ấy, chỉ một việc bình thường ấy, cũng đã có hai cách nghĩ khác nhau. Trong công cuộc xây dựng kinh tế của chúng ta, hằng ngày xảy ra biết bao nhiêu việc như thế. Đối với mỗi việc, đều có cách nghĩ đúng và cách nghĩ sai. Nghĩ đúng, làm mới đúng. Nghĩ sai, ắt làm sai.

Nghĩ và làm thế nào có lợi cho chủ nghĩa xã hội, thì như thế là đúng. Nghĩ và làm thế nào không có lợi hoặc có hại cho chủ nghĩa xã hội, thì như thế là sai. Những lợi và hại nhiều khi cũng không dễ phân biệt.

Hãy trở lại câu chuyện của tổ trộn bê tông nói trên: Mới nghe qua, có thể tưởng rằng việc tổ này cho xi măng quá mức một chút cũng chẳng có hại gì. Nhưng nếu ai cũng nghĩ như tổ ấy, nếu ai cũng tùy tiện dùng xi măng, sắt, thép, gỗ, than, dầu, v.v., "quá mức một chút", thì chúng ta sẽ lâm vào tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, vật liệu, và công cuộc xây dựng kinh tế của chúng ta sẽ gặp thêm biết bao nhiêu khó khăn.

Hai chữ CẦN KIỆM thật ra không phải là quá đơn giản. Khẩu hiệu chung của chúng ta trong công cuộc xây dựng kinh tế ở miền Bắc là:

CẦN KIỆM XÂY DỰNG NƯỚC NHÀ

XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Vì sao phải CẦN KIỆM?

CẦN KIỆM như thế nào?

Chúng ta còn phải suy nghĩ nhiều trên công việc hằng ngày của mình, còn phải học tập, rèn luyện nhiều để hiểu đúng và làm đúng khẩu hiệu đó.

C.K.

---------------------

- Báo Nhân Dân, số 2128, ngày 14-1-1960, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.429-430.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.