Khi làm nhà, việc đầu tiên là đắp nền. Nền có chắc, nhà mới vững.

Khi phát động quần chúng, việc đầu tiên và quan trọng nhất là bắt rễ xâu chuỗi. Rễ và chuỗi tốt thì phát động mới thành công.

Muốn có rễ chuỗi tốt, thì cán bộ nhất định phải thật “ba cùng”, phải thật dựa vào bần cố nông - Đó là nguyên tắc bất di bất dịch.

Trong đợt 4, ở 79 xã tại 7 tỉnh Việt Bắc, các đội bắt 2.500 rễ thì hơn 1.150 rễ thối. Thậm chí có nơi như xã Đông Lai và xã Tinh Nhuệ thì đến 70, 80 phần 100 là rễ thối. Vì sao? Khuyết điểm ấy ai phụ trách?

- Rễ thối là vì cán bộ không thơm. Vì cán bộ lập trường không vững, nặng bệnh quan liêu, không thật “ba cùng”, xa rời quần chúng. Vì cán bộ chọn lọc không cẩn thận, kiểm tra không kỹ càng. Vì cán bộ làm nhà mà xem nhẹ việc đắp nền.

- Vì cán bộ quan liêu, ngại khó, dựa vào chi bộ cũ mà bắt rễ.

Mặc dầu kinh nghiệm các đợt trước đã tỏ rõ rằng: hiện nay chi bộ nhiều thành phần phức tạp, địa chủ và phú nông chiếm độ 10 phần 100. Chi bộ chưa được chỉnh đốn hẳn hoi, thì không thể dựa vào được.

- Vì cán bộ chủ quan khinh địch, xem thường mưu mô quỷ quyệt của giai cấp địa chủ. Chúng cho tay sai chui vào chi bộ và các đoàn thể ở xã để phá hoại từ trong phá ra. Chúng mua chuộc, bịa đặt, chia rẽ, khiêu khích, đe dọa… Chúng dùng đủ cách để bịt miệng nông dân và bưng mắt cán bộ.

Có người nói: vì cán bộ cũ ít, cán bộ mới nhiều, cho nên bắt phải nhiều rễ xấu.

Nói như vậy không đúng. Cán bộ cũ đợt này tức là cán bộ mới các đợt trước. Nắm vững chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, thì cán bộ cũ, cán bộ mới đều làm được việc. Vả lại, trách nhiệm của cán bộ cũ là phải giúp đỡ cán bộ mới, 1 cán bộ cũ cần phải dìu dắt 2, 3 cán bộ mới. Trách nhiệm của cán bộ mới là cố gắng học tập làm việc.

Khốn nỗi, một số cán bộ cũ thì uể oải, tự mãn, phớt chỉ thị cấp trên, khinh anh em trong đội. Một số cán bộ mới thì lập trường chưa vững, rụt rè không dám nói, dám làm, không dám phê bình. Vì vậy mà hỏng việc.

Trong đợt này, toàn thể cán bộ cần phải kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm kể trên. Cần phải thực hành “ba cùng”, dựa hẳn vào bần cố nông, chọn lọc và kiểm tra cẩn thận rễ chuỗi, ra sức bồi dưỡng rễ chuỗi. Cần phải ra sức chỉnh đốn chi bộ, làm cho chi bộ trở nên cỗi rễ trong sạch của Đảng và nền tảng vững chắc của dân.

C.B.

------------

Báo Nhân Dân, số 191, từ ngày 4 đến ngày 6-6-1954, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.