L.T.S. - Trên báo Nhân Dân, chúng tôi đã đăng một số bài về xây dựng Đảng do đồng chí Lê Văn Lương viết, bàn về ý thức phục vụ Đảng và nhân dân, lập trường và quan điểm giai cấp, đường lối quần chúng, và ý thức tổ chức.

Để giúp bạn đọc đi sâu vào những vấn đề đó và giúp ích cho phong trào phê bình và tự phê bình đang sôi nổi trong Đảng, chúng tôi chọn và trích đăng những bản tự kiểm thảo của một số học viên trường Đảng. Sau đây là bản tự kiểm thảo của đồng chí V.K., làm sau khi học xong vấn đề xây dựng Đảng. Trong bài này, đồng chí V.K. vạch rõ sự thiếu sót của mình về ý thức phục vụ Đảng và nhân dân, và ý thức tổ chức.

... Ban Thường vụ Tỉnh ủy hồi ấy có ba người: đồng chí bí thư và hai ủy viên (đồng chí X. và tôi). Đồng chí bí thư sắp được điều động lên khu. Người có thể thay không ngoài đồng chí X. và tôi. Riêng tôi rất hy vọng... Thế rồi liên khu ủy có nghị quyết chỉ định đồng chí X. làm bí thư, chứ không phải tôi. Hy vọng của tôi tan vỡ.

Tôi rất buồn và bất mãn. Tôi tự nghĩ xứng đáng làm bí thư hơn đồng chí X. về nhiều mặt: về tuổi Đảng, tôi không kém; tôi lại tham gia ban tỉnh ủy trước một năm. Về năng lực, tôi trội rõ rệt: tôi là một thanh niên hoạt bát, tháo vát, có văn hóa, lý luận, còn đồng chí X. thì kém văn hóa, chậm chạp, làm việc luộm thuộm. Công tác dân vận mà đồng chí X. phụ trách không tiến bộ bao nhiêu so với công tác chính quyền của tôi. Tôi cho là vì đồng chí bí thư cũ cảm tình riêng với đồng chí X. và không ưa tôi, nên mới đề nghị với liên khu ủy quyết định như thế.

Tôi càng thắc mắc, băn khoăn và khó chịu với đồng chí X. Tôi tự bảo: phải làm sao cho ban tỉnh ủy và cán bộ toàn tỉnh thấy mình xuất sắc hơn đồng chí bí thư mới. Tôi nghĩ cách chăm lo thúc đẩy cho bộ phận công tác chính quyền mà tôi phụ trách tiến vượt bậc. Việc tham gia công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi có làm nhưng chiếu lệ. Thí dụ như tổ chức một cuộc hội nghị chính quyền, thì tôi chú ý từ việc lớn đến việc nhỏ. Còn về tổ chức hội nghị cán bộ của Tỉnh ủy thì tôi cố ý để đồng chí bí thư làm nhiều hơn. Đối với bản đề án tôi phụ trách làm thì tôi gọt rũa từng ly từng tí. Còn các đề án khác, tôi chỉ có ý kiến qua loa, mặc dầu biết trong đó có những vấn đề đồng chí bí thư không được thạo. Trong thâm tâm, tôi có ý nghĩ để sau này các đồng chí trong tỉnh so sánh xem giữa đồng chí bí thư và tôi, ai tổ chức hội nghị giỏi hơn, ai trình bày đề án rõ ràng, súc tích hơn. Tôi không bỏ lỡ một cơ hội nào để làm cho mọi người thấy tôi trội hơn đồng chí bí thư. Nhưng tôi lại khéo léo bề ngoài, không bao giờ có thái độ bài xích hoặc công kích đồng chí bí thư.

Tôi coi thường đồng chí bí thư, không chú ý đến lời chỉ bảo của đồng chí ấy. Ý của tôi là thoát ra ngoài sự kiểm soát của đồng chí ấy.

Vì đâu mà tôi bất mãn? Chẳng có gì lạ, chỉ vì đầu óc tôi mang nặng bệnh cá nhân địa vị, anh hùng. Tôi vào Đảng không phải để phụng sự lợi ích của Đảng, lợi ích của nhân dân mà là mưu cầu địa vị... Tôi thích vượt lên đầu lên cổ người khác, thích chỉ huy lãnh đạo người, không chịu sự chỉ huy lãnh đạo của người khác. Lúc nào tôi cũng muốn xuất chúng, muốn cho ai cũng biết đến mình để huyênh hoang. Nếu tôi thật thà cộng tác với đồng chí bí thư thì công tác của Đảng có thể tiến bộ nhiều hơn nữa và chúng tôi cũng có thể giúp đỡ nhau tiến bộ. Sở dĩ tôi không làm như thế là vì tôi chỉ nhìn thấy lợi ích của cá nhân tôi. Đó là một sai lầm lớn. Bây giờ, tôi thấy việc đó rất rõ. Thế mà trước đây, tôi đã quên rằng lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích tối cao của Đảng, rằng vào Đảng là để phục vụ Đảng, phục vụ giai cấp và nhân dân.

Chỉ chăm lo bộ phận công tác của mình, không chú ý đến công việc chung là thiển cận và mắc vào chủ nghĩa bản vị. Bộ phận công tác chính quyền do tôi phụ trách, muốn tiến bộ, phải dựa vào sự chỉ đạo của cả Tỉnh ủy. Coi nhẹ công tác chỉ đạo của Tỉnh ủy, để nó sút kém, mà muốn cho công tác chính quyền tỉnh vượt lên là một điều không tưởng.

Lại xét về điểm coi thường đồng chí bí thư, không chịu cho đồng chí đó kiểm soát công tác, thì thấy biểu hiện tư tưởng vô kỷ luật, không phục tùng nguyên tắc tổ chức của Đảng. Đồng chí bí thư là hiện thân của sự lãnh đạo tập trung của Đảng; phục tùng đồng chí bí thư là phục tùng nguyên tắc dân chủ tập trung của Đảng. Có như thế Đảng mới thực sự là một khối thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động.

Phân tích sâu hơn nữa, tôi có thể đi tới kết luận: với tư tưởng cá nhân, địa vị, anh hùng nói trên, tôi có thể đi đến chủ nghĩa bè phái trong Đảng; gặp hoàn cảnh khó khăn, gian nan, lợi ích cá nhân bị xúc phạm, tôi có thể dao động tinh thần, xa rời hàng ngũ cách mạng, phản cách mạng, phản Đảng, vì "cái tiêu chuẩn để xét sự trung thành của người đảng viên đối với Đảng, với cách mạng, với sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản, là ở chỗ người đảng viên ấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng tuyệt đối, không điều kiện, phục tùng lợi ích của Đảng"[1]...

V.K.

---------

Báo Nhân dân, số 20, ngày 9-8-1951, tr.5.


[1]. Lưu Thiếu Kỳ: "Bàn về sự tu dưỡng của người đảng viên cộng sản".

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.