Thưa các đồng chí. Tôi xin kể một câu chuyện rất bình thường. Chính vì bình thường mà có lẽ khá phổ biến trong xã hội ta, một xã hội mà chân phải đã bước vào thời đại mới, nhưng chân trái còn bị quan niệm cũ và tập quán cũ kéo lui. Câu chuyện này đã diễn ra trong một gia đình nửa cũ nửa mới.

Cụ Nam Sơn thi đỗ thủ khoa dưới triều Tự Đức. Con là cụ Trúc Khê đỗ tiến sĩ dưới thời Khải Định, nay tuổi hạc đã gần 80.

Con cụ Trúc Khê là ông L. đỗ cử nhân luật hồi thuộc Pháp. Về sau ông L. đã tham gia cách mạng và kháng chiến. Nay là cán bộ cấp bậc khá cao.

Bà L. là giáo viên dạy trường phổ thông cấp 3.

Vợ chồng ông L. có 2 người con. Con trai cả là M. đã đỗ kỹ sư, nay đang học thêm tại trường kỹ thuật ở nước bạn. Con gái là Bích Vân học lớp 10.

Có thể nói đó là một gia đình “văn hóa” 100%. Lương của hai ông bà L. cộng lại mỗi tháng hơn 200 đồng. Đời sống phong lưu, gia đình hòa thuận. Cụ Trúc Khê tuy tuổi đã cao nhưng vẫn quắc thước. Ông cụ thường tự hào rằng: “Tứ đại đăng khoa, là nhà to phúc”.

Gia đình ông L. đang vui vẻ, bỗng biến thành buồn rầu. Cụ Trúc Khê không hay nói chuyện ngâm thơ như trước nữa. Ông L. hay gắt gỏng. Bà L. thường thở dài. Bích Vân vốn là đẹp người đẹp nết, chị em bạn gái ai cũng yêu đương, nay bỗng trở nên lạnh lùng, ít cười ít nói…

Biến đổi này bắt đầu từ ngày Bích Vân học hết lớp 10.

Vân thiết tha muốn về nông thôn tham gia lao động.

Cụ Trúc Khê nghe cháu nói vậy, thì chỉ lắc đầu.

Khi nghe Bích Vân bày tỏ ý muốn của mình, ông L. liền cau mày và bảo: “Nuôi cho mày ăn học tưởng mày có chí khí cao xa. Đỗ lớp 10 rồi sẽ thi vào đại học. Mai sau sẽ thành bác sĩ, kỹ sư, cho bõ công đèn sách, đẹp mặt mẹ cha. Ai ngờ mày không muốn sang, mà lại muốn hèn, muốn thành một người dân cày chân bùn tay lấm…”.

Bà L. thì nửa muốn chiều lòng con, nửa muốn theo ý chồng. Vì vậy bà giữ thái độ tiêu cực.

Nhân dịp nghỉ hè về thăm nhà, cậu M. nghe rõ câu chuyện, rất tán thành nguyện vọng của Bích Vân. M. bàn với cha mẹ họp một cuộc “hội nghị bàn tròn” để cho Vân bày tỏ ý kiến. Được anh ủng hộ, Vân mạnh dạn trình bày, đại ý như sau:

“Thưa thầy mẹ. Đồng bào cả nước ta đang ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn chủ nghĩa xã hội thắng lợi thì phải có nông nghiệp tiên tiến và công nghiệp tiên tiến. Muốn vậy thì cần có thêm lớp công nhân và nông dân có văn hóa và hiểu kỹ thuật. Thầy mẹ thường nói như vậy ở trường học và trong các cuộc hội họp quần chúng. Thầy mẹ còn nói học phải đi đôi với hành, nhân dân nuôi cho thanh niên ăn học. Học xong, thanh niên phải đưa sự hiểu biết của mình để phục vụ nhân dân… Vả chăng, nếu thanh niên nào cũng muốn vào trung học và đại học thì đâu có đủ trường cho hết cả số học sinh càng ngày càng nhiều thêm…

Thầy mẹ cũng thường nói: lao động là vẻ vang. Có lẽ vì thầy mẹ thương con, e con không đủ sức lao động. Nhưng nhiều bạn ở lớp 10 và lớp 7 ở trường con đã xung phong xin về nông thôn lao động. Việc gì các bạn con làm được, thì chắc con cũng làm được…”.

Vân còn muốn nói nữa. Nhưng ông L. thở dài một cái, rồi vừa đứng dậy vừa nói: “Thôi! Đủ rồi! Thời buổi này “măng mọc quá tre”. Cô muốn làm gì thì mặc cô. Ta không quản nữa”.

Sau đó 5 hôm, Bích Vân vui vẻ mang ba lô đi về một hợp tác xã miền núi. Vân tự bảo: “Thế là mình đã thắng lợi bước đầu”. Vân vừa đi đường vừa đặt kế hoạch trong đầu óc. Nào là xây dựng thủy lợi. Nào là cải tiến nông cụ. Nào là pha chế phân bón, v.v..

Đến hợp tác xã, Vân được mọi người hoan ngênh. Đồng chí chủ nhiệm nói ngay: “Đồng chí Vân mà làm kế toán thì tuyệt”.

Bí thư chi bộ là đồng chí Bùi Thị Ba nói một cách trìu mến: “Em Vân là một học sinh mới ra khỏi trường. Em lại là người thành thị, chưa quen với đời sống ở nông thôn núi rừng. Tôi đề nghị để Vân thực tập lao động vài ba mùa cho quen với ruộng đồi cày cuốc. Sau hãy làm việc kế toán càng tốt". Vân được ghép vào một đội sản xuất. Cả đội đón tiếp vồn vã, Vân cảm thấy yên lòng. Nhưng có điều, từ nơi ăn chỗ ở, cái gì cũng lạ, cái gì cũng khác với sự tưởng tượng của Vân. Các chị em trong đội hết lòng giúp đỡ chỉ bảo Vân. Nhưng nhổ mạ và tát nước suốt một ngày, Vân thấy lòng hai bàn tay đã phồng lên. Lưng đau như bị chày nện, mỏi khắp cả người. Thậm chí tóc, tai cũng mỏi. Còn ruồi vàng, còn vắt đất, thật là kinh khủng!.

Khuya hôm ấy, Vân trùm chăn kín đầu, vừa khóc thút thít vừa suy nghĩ: có lẽ bố mẹ mình nói đúng. Có lẽ mình không chịu nổi đời sống khó nhọc này? Có lẽ ta trở về Hà Nội vậy? Nhưng Vân thoạt nhớ lại câu Bác nói: “Không có việc gì khó, quyết chí làm thì nên”. Nghĩ đến đó, Vân tự thấy xấu hổ, ngồi chồm dậy, lau nước mắt và lẩm bẩm tự khuyến khích: Phải có quyết tâm, phải có quyết tâm!

Vài mươi hôm sau, Vân thấy mệt mỏi bớt dần, sức khỏe tăng thêm. Công việc ngày càng quen càng thạo. Nhờ sự săn sóc của Đoàn, sự giúp đỡ của chị em và sự cố gắng của bản thân, vài tháng sau Vân đã trở nên người nông dân thực thụ. Vân đã đưa những điều học được ở trường cùng chị em áp dụng vào công việc hằng ngày. Vân còn khéo đoàn kết chị em dân tộc thiểu số, giúp họ học văn hóa, và Vân cũng tiếp tục học thêm. Đội sản xuất của Vân tiến bộ rõ rệt.

Đến cuối năm, Vân được hợp tác xã bầu là lao động tiên tiến, và được cử đi dự Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua ở tỉnh.

Nhờ có quyết tâm bền bỉ Vân đã thắng lợi lần thứ hai và đã thành một cô gái học hay cày giỏi.

Còn thái độ của bố Vân thì thế nào?

Thưa các đồng chí, bố Vân đã nhận rõ Vân là đúng, mình là sai. Và để kết thúc câu chuyện, tôi xin thú thật chính tôi là bố Bích Vân.

CHIẾN SĨ

----------------------

Báo Nhân Dân, số 3374, ngày 23-6-1963, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.