"Đoàn quân văn hóa của nhân dân, trống rung cờ mở, ào ạt tiến lên, quyết chiến quyết thắng". Đó là câu nói hùng hồn của một nữ học sinh dạy lớp bình dân học vụ. Mà thật vậy. Tính đến tháng 5, cả miền Bắc đã có ngót 1.715.000 người đi học, từ các lớp i. t. đến các lớp bổ túc cấp 2.

Có thành tích ấy là vì nhân dân ta hiểu thấu rằng: Bất kỳ làm nghề gì, nếu không biết chữ thì khó tiến bộ, cho nên nhiều người cố gắng đi học.

Từ thành thị đến thôn quê, ở các đường phố, các nhà máy, các công trường, các chợ búa... khắp nơi có lớp học. Già, trẻ, gái, trai, ai chưa biết chữ đều tìm cách vượt khó khăn để đi học. Buổi sáng, buổi trưa, buổi tối, đến đâu cũng nghe tiếng học. Thật là một phong trào sôi nổi, một cảnh tượng tưng bừng của một dân tộc quyết rời bỏ chỗ tối, bước lên chỗ sáng.

Cảm động nhất là có những cụ tuổi đã rất cao, mà cũng xung phong đi học để khuyến khích con cháu, như bà cụ Nguyễn Thị Xuyến (100 tuổi, xã Nghi Tân, Nghệ An), cụ Lê Siêu (106 tuổi, xã Sơn Phố, Hà Tĩnh) và nhiều cụ khác.

Học sinh các trường công và tư là quân chủ lực tinh nhuệ của đội ngũ giáo viên bình dân học vụ. Nhưng cũng có nhiều cụ phụ lão (như cụ Dương 80 tuổi, cụ Mỹ 79 tuổi), các em nhi đồng, nhiều anh chị công nhân và cán bộ... cũng không ngại khó nhọc, xung phong đi dạy.

Ngoài cách dạy và cách học thông thường, lại có nhiều sáng kiến và hình thức như: Dán bài vào cánh tay, viết chữ trên mẹt hàng, găm bài học vào lưng áo người đi trước để người đi sau nhìn mà học, viết chữ cắm ở những nơi đông người qua lại... Như vậy, đồng bào có thể vừa lao động, vừa học chữ. Một dân tộc siêng làm, ham học như thế, thì làm việc gì cũng thành công!

Đồng bào các giới thì đều tuỳ khả năng của mình mà ủng hộ phong trào diệt giặc dốt, như: Tổ chức giữ trẻ để cho chị em có con mọn đi học được. Cho mượn nhà làm lớp học. Đóng bàn ghế không lấy tiền. Giúp dầu đèn, bút, giấy cho những học viên nghèo, v.v..

Bình dân học vụ đã trở nên một phong trào quần chúng. Tuy vậy, đó chỉ mới là bước đầu. Hiện nay còn nhiều người mù chữ chưa đi học.

Để hoàn thành nhiệm vụ thanh toán nạn mù chữ trong 3 năm (1956-1958), các cấp Đảng ủy và chính quyền, các chi bộ, các công đoàn, các tổ chức thanh niên, các cán bộ chỉ huy công trường và nhà máy... cần phải thiết thực phụ trách đẩy mạnh phong trào thanh toán nạn mù chữ một cách có kế hoạch và liên tục, bền bỉ. Các cơ quan văn hóa, giáo dục cần phải có sách và báo rất thông tục, dễ xem, dễ hiểu, cho những người đã biết đọc, biết viết có thể tiếp tục học thêm.

Với sự săn sóc của Đảng và Chính phủ, với lòng hăng hái, phấn khởi của nhân dân, chúng ta nhất định tiêu diệt giặc dốt trong thời gian đã định.

C.B.

---------

- Báo Nhân Dân, số 835, ngày 17-6-1956, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.347-348.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.