Xem báo Tư sản, anh Nhạ Dẹ thấy những tin tức sau đây:

- 27-8-1962. R.Kennơđi (em ruột Tổng Ken, làm Bộ trưởng Tư pháp) nói:

"Nên để học sinh và các đoàn thể nước ngoài đến thăm Mỹ, họ sẽ thấy rõ chế độ và nếp sống Mỹ là tốt đẹp nhường nào…".

- 18-9-1962. Nhân dịp kỷ niệm 175 năm hiến pháp Hoa Kỳ, Tổng Ken nói: "Hiến pháp này là một văn kiện cách mạng nhất trong lịch sử loài người. Nó là sự hy vọng của nhân dân thế giới, là kiểu mẫu chói lọi cho các nhà nước khác…".

Xem xong, Nhạ phấn khởi, và định đi thăm Mỹ. Tối 30-9, sáng 1-10, Nhạ đến thành phố Mítxítxipi. Việc đầu tiên Nhạ thấy là: Trên con đường to, trước mặt Trường đại học Ócpho, quang cảnh rất náo nhiệt: Một bên là độ 6.000 binh lính súng ống sẵn sàng và độ 600 nhân viên của tòa án. Một bên là độ 2.000 công nhân Mỹ da trắng, mặt mũi hung hăng "sẵn sàng chiến đấu", liền miệng chửi rủa: "Đồ da đen bẩn thỉu! Cút đi!". Giữa hai đám người đó, một thanh niên Mỹ da đen, tay ôm cặp sách, chân bước khoan thai, có mấy tên hiến binh bảo vệ. Đường xa, có 20 người bị thương và 2 xác chết (1 phóng viên thông tấn xã Pháp AFP đã chết oan…).

Nhạ ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Một cụ già Mỹ da trắng vẻ mặt hiền lành, khẽ kể cho Nhạ nghe đầu đuôi câu chuyện:

"Gã thanh niên Mỹ da đen tên là Mêrêđi, một học sinh da đen độc nhất có trình độ tốt nghiệp lớp 10 ở bang này. Đã ba lần anh ấy xin vào trường đại học. Nhưng chủ tịch bang nhất định không cho… 9 năm trước đây, do người Mỹ da đen đấu tranh hăng và được dư luận thế giới ủng hộ, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã phải ra một đạo luật cho phép người Mỹ da đen được vào học các trường như người Mỹ da trắng. Nhưng các nhóm phản động cứ giữ chặt "hàng rào màu da", và phớt cả tòa án. Nhất là ở các bang Mítxítxibi, Alabama, Carôlina, v.v.. người Mỹ da đen càng bị áp bức tàn tệ. Ở đó thường xảy ra những vụ "linh sơ", tức là một người Mỹ da đen vô tội mà bị người Mỹ da trắng giết chết, bêu đầu, treo cổ, mổ bụng, chôn sống, xé thây… Chỉ trong 10 năm (từ năm 1885 đến 1894) ở Hoa Kỳ đã có hơn 1.700 vụ "linh sơ"!... Nhân vụ Mêrêđi, Đảng Cộng sản Mỹ đã kêu gọi các công đoàn và các tổ chức dân chủ đòi chính phủ Mỹ phải ngăn chặn việc khủng bố người Mỹ da đen…".

Ông cụ già lại cho Nhạ xem một tờ báo ra ngày 18-9-1962, có tin: "Nhân dịp kỷ niệm 100 năm của Tuyên ngôn giải phóng người Mỹ da đen khỏi ách nô lệ, Tổng Ken đã phải nhận rằng: "Sự thực hiện quyền lợi bình đẳng (của người Mỹ da đen) tiến hành một cách phi thường, chậm chạp… Ở nhiều nơi họ không có quyền bình đẳng về giáo dục, về làm ăn, về bầu cử… Họ thường bị bạo lực khủng bố…".

Nhờ ông cụ mà Nhạ Dẹ đã sáng mắt ra và y tự bảo: "Đối với 18 triệu đồng bào da đen của chúng, bọn phản động Mỹ còn tàn bạo như vậy. Hiện nay ở miền Nam nước ta, mỗi ngày chúng tiêu phí 1 triệu đôla, chúng phái đến một vạn binh sĩ, hai chục viên tướng cùng hai, ba trăm chó săn để giúp bọn Diệm "linh sơ" đồng bào ta. Chúng muốn biến 14 triệu nhân dân da vàng miền Nam thành người da đen Mỹ! Nhưng khác với ở Hoa Kỳ, chắc là Mỹ - Diệm sẽ thất bại, đồng bào miền Nam anh dũng sẽ đập tan âm mưu độc ác của chúng".

Rồi Nhạ phấn khởi ngân nga

Kennơđi, Mêrêđi

Kẻ sang, người tiện, chỉ vì màu da…

… Miền Nam anh dũng nước ta,

Đấu tranh giải phóng nhất định là thành công!

T.L.

-------------------------------------

Báo Nhân Dân, số 3120, ngày 10-10-1962, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.