Hỏi: Phải chăng ông lại tuyên truyền?

Thưa: Đó là do bọn cầm quyền của chúng thốt ra.

Đế quốc Mỹ - Hãng thông tin Mỹ UPI (ngày 20-10-1960) cho biết: Chính phủ Mỹ hết sức lo ngại vì danh vọng và uy tín của Mỹ đang xuống dốc từ ngày Liên Xô phóng quả vệ tinh đầu tiên (năm 1957). Bản báo cáo bí mật của Cục tình báo Mỹ cũng nhận rằng: “Có những bằng cớ cụ thể chứng tỏ uy tín quân sự của Mỹ ở nước ngoài đã trôi mất một cách tồi tệ”.

Báo chí tư sản Mỹ như tờ Thời báo Nữu Ước cũng xác nhận rằng: Chính phủ Mỹ đã tiến hành một cuộc dò xét bí mật ở 10 nước như Anh, Pháp, Ý, Tây Đức, Đại Hồi… Kết quả là dư luận các nước ấy đều nhất trí nhận rằng: Trên thế giới, Liên Xô chứ không phải Mỹ là nước mạnh nhất về quân sự, và trong 10 năm nữa Liên Xô sẽ giữ ưu thế tuyệt đối. Báo ấy kết luận: Sự sụp đổ của uy tín Mỹ làm cho chính phủ hết sức ngạc nhiên.

Đó là khủng hoảng quân sự.

Đế quốc Pháp - Cũng hãng UPI (ngày 25-10-1960) đăng tin: Chính phủ Pháp phải đương đầu với tình trạng rối ren lan tràn khắp cả nước. Chính sách của tổng thống Đờ Gôn bị phản đối kịch liệt ở ngoài nhân dân cũng như ở trong Quốc hội; trong số 550 đại biểu thì 207 đại biểu chống lại. Phong trào khủng bố mới nổ ra trên đất Pháp. Đó là tình trạng gay go nhất trong 2 năm rưỡi nay. (Hãng UPI quên nói đến tình trạng thiên tai bão lụt, đời sống đắt đỏ, thuế khóa nặng nề).

Thậm chí tướng Xalăng (cựu bại tướng ở Việt Nam, nguyên tư lệnh Angiêri, nay là tướng 5 sao - tổng thanh tra quân đội Pháp, là người chủ chốt đã đẩy Đờ Gôn lên cầm quyền) nay cũng công khai đả kích Đờ Gôn.

Đó là khủng hoảng chính trị.

Đế quốc Anh - Theo báo chí Anh (ngày 25-10-1960), thì Cục ngoại thương Anh đã báo cáo: Từ quý I đến quý III năm nay, hàng hóa của Anh bán sang châu Mỹ đã giảm sút 27% so với năm ngoái. Giá trị hàng hóa xuất khẩu trung bình mỗi tháng giảm sút hơn 10 triệu đồng bạc Anh. Tháng 9 năm nay, số xe hơi Anh xuất khẩu sang châu Mỹ sút mất 2 phần 3 so với tháng 9 năm ngoái. Hàng hóa khác của Anh bán sang các nước khác cũng giảm sút nhiều. Dư luận Anh lo ngại rằng từ nay về sau, các nước trong khối Anh sẽ không thể mua nhiều hàng hóa của Anh như trước nữa. Do đó mà các ngành kinh tế khác cũng giảm sút theo.

Đó là khủng hoảng kinh tế.

Nội bộ đế quốc lục đục - Tờ báo tư sản Pháp Chiến đấu (ngày 12-10-1960) viết: Không những giữa hai khối lớn - khối “Mậu dịch tự do” dưới sự chỉ huy của Anh và khối “Thị trường chung” do Tây Đức và Pháp cầm đầu - có mâu thuẫn sâu sắc; mà ngay giữa các nước trong mỗi khối cũng có mâu thuẫn sâu sắc.

Khối này thì tìm mọi cách hất cẳng khối kia trên thị trường Tây Âu.

Trong mỗi khối thì “cá lớn tìm cách nuốt cá bé”. Trong khối “Mậu dịch tự do”, các nước sản xuất hàng hóa nhiều như Anh, Thụy Sĩ… thì đòi giảm thuế nhập khẩu. Các nước sản xuất ít, như Na Uy, Đan Mạch thì chống việc đó, vì nó gây thiệt thòi cho họ. Trong khối “Thị trường chung” thì Tây Đức và Pháp câu kết với nhau để giành lấy phần lợi to hơn về mình!

Vậy có thơ rằng:

Những việc đó đã tỏ bày

Chủ nghĩa đế quốc gần ngày “ô hô”.

T.L.

---------------

Báo Nhân Dân, số 2415, ngày 29-10-1960, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.